Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 31 °C / 25 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Lục Ngạn >> Tin tức - Sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Lục Ngạn, tâm hồn của đất

Cập nhật: 09:18 ngày 18/01/2017
(BGĐT) - Chia tay Lục Ngạn, trong tôi bỗng dưng bật dậy câu thơ nổi tiếng của thi sĩ tài danh Chế Lan Viên: "Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn". Đất Lục Ngạn có tâm hồn thật đấy. Trong hình dung của tôi thì đó là một tâm hồn mát mẻ, cởi mở, rộng lòng dang tay đón nhận bạn bè. 
{keywords}

Cầu Chũ nối trung tâm huyện với các xã vùng Đông Bắc Lục Ngạn.   Ảnh: Đại  La

Vâng, tôi đang nói về đất trong cái hình thế nhiều nhấp nhô của vùng bồn địa do hai dải núi Bảo Đài và Huyền Đinh viền bọc mà thành. Chảy qua giữa những nhấp nhô đồi núi, xóm mạc thân thương của vùng đất này có con sông Lục Nam vốn mang tên chữ là Minh Đức Giang. Giữa trùng điệp núi non giống những cánh cung Đông Bắc, sông Lục Nam góp phần tạo nên sự kỳ vĩ sơn hà mà Trịnh Như Tấu đã tụng ca: "Một trường giang đẹp nhất Bắc Kỳ". Không nghi ngờ gì nữa, sông núi ấy, huyết mạch ấy, khí hậu ấy đã trộn lẫn, quyện hòa để tạo nên tâm hồn đất Lục Ngạn. Tuy nhiên, cái đã có sẵn sẽ mãi mãi tiềm ẩn, khó ra hoa kết quả ngọt lành khi chưa có bàn tay con người mở sáng. 

Kỳ diệu cuộc sống đôi khi lại khởi thủy từ những ngẫu nhiên hồn hậu. Con gái vùng Thanh Hà về làm dâu Lục Ngạn mang theo giống vải nổi tiếng quê mình. Trồng thử, trồng chơi xem sao nào ngờ cây vải quê mình cắm xuống đất quê chồng lại sum suê, ngọt lành cành trái. Quả vải thiều Thanh Hà bén duyên Lục Ngạn tạo nên một thứ nông sản chất lượng khó đâu bì. Cứ thế, cứ vậy, những người nông dân chân chất nơi đây đi đâu thấy giống cây có quả thơm trái lành lại chịu khó mang vác về Lục Ngạn trồng thử. Cây theo người di cư đến vùng đất mới xa lạ, may mắn gặp thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp, không chỉ bảo tồn được các phẩm chất truyền thống mà còn thăng hoa, phát tiết hơn. 

Đấy là trường hợp của bưởi da xanh có nguồn gốc tận miền Nam, cam Vinh ở xứ Nghệ, bưởi Diễn, cam Canh vốn nổi tiếng từ đất Hà Thành... Thú vị là những giống cây ăn quả nổi tiếng ấy không còn là thứ trồng chơi, trồng thử nữa mà đã miên man bạt ngàn trên các vùng đồi Lục Ngạn. Nó đã trở thành những nông sản mang tính chất hàng hóa của vùng đất này để những chủ vườn, chủ đồi cây ăn quả ở đây trở thành tỷ phú không còn là chuyện lạ. Cơ hội làm giàu từ đất đồi ở bồn địa Lục Ngạn không còn là ảo tưởng mà đã hiển hiện trong cuộc sống dân dã tươi xanh. 

Lục Ngạn, bốn mùa cây trái sum suê. Sắc hương, mùi vị hoa trái chính là tâm hồn của đất. Tâm hồn đất Lục Ngạn đã đọng vào tôi, dịu lành, thơm thảo như tình người ở đây vậy.

Cái sum suê, ngọt lành mênh mang trên đất Lục Ngạn mà ta nhìn được, chạm được hôm nay cũng phải trải qua nhiều khúc đoạn gay go, từ làm thử đến làm thật, từ làm ít đến làm nhiều và khi trở thành mũi nhọn, định hướng phát triển kinh tế của một vùng quê thì sự nhân rộng lan tỏa tiến tới đại trà là điều dễ hiểu. Những chủ trương, chính sách đúng đều bắt đầu từ cuộc sống, từ nhân dân. Và, đương nhiên nó cũng phải vì cuộc sống, vì nhân dân. Những chủ trương, chính sách “trên mây” không thể bén rễ vào cuộc sống được. Thực tiễn là thước đo chính xác nhất hiệu quả của chủ trương, chính sách. Đúng đắn hay sai lầm, thành công hay thất bại đều thể hiện rõ ràng ở đây, khó ai tô hồng hay bôi đen được. Quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cây trồng, vật nuôi ở Lục Ngạn là một ví dụ sinh động. 

Trong câu chuyện với chúng tôi, anh Bùi Huy Tình, Chủ tịch UBND xã Hồng Giang đề cập khá cụ thể tới điều này. Trước đây đất Hồng Giang chủ yếu dành để trồng lúa. Phần lớn là ruộng bậc thang, uốn lượn theo các sườn đồi, đẹp thì đẹp thật đấy nhưng năng suất lúa chỉ đạt một tạ/sào. Những hạt thóc mỏng gầy làm sao nuôi đủ con người, tình trạng thiếu ăn sao tránh khỏi. Một số người dân đem giống vải Thanh Hà nổi tiếng lên đây trồng thử. Nào ngờ, khi thu hoạch, quả vải ngon hơn. Đất trời Lục Ngạn tạo nên sự diệu kỳ ấy qua bàn tay lấm láp chai sần của nông dân. Thấy trồng vải "ăn" hơn trồng lúa, dân lặng lẽ nhân ra các chân ruộng cao rồi lấn dần, lấn dần xuống ruộng thấp. Vải, cam vốn sinh ra từ nơi khác dập dìu đến “định cư” ở Lục Ngạn như một cơ duyên lành giữa cây và đất, tạo nên những mùa vui làm rạng rỡ gương mặt dãi nắng dầm mưa của người nông dân. 

Hiện nay, nhiều người dân Lục Ngạn nói chung, Hồng Giang nói riêng còn nhắc đến tên ông Nguyễn Công Đồn, nguyên Bí thư Huyện ủy. Nắm bắt đúng nhịp đi của cuộc sống, thấu hiểu lòng dân, ông đã chấp thuận cho dân Hồng Giang trồng cây ăn quả thay lúa từ những năm 80 của thế kỷ trước. Tiếp đó, đến năm 2013, Bí thư Tỉnh ủy Trần Sỹ Thanh lúc bấy giờ cho phép Hồng Giang chuyển đổi toàn bộ đất trồng lúa sang trồng cây ăn quả thì mọi chuyện lại càng suôn sẻ, hanh thông… 

Nếu không có những bước ngoặt đó thì làm sao Hồng Giang có thể chuyển đổi 100% diện tích đất trồng lúa sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao được; làm sao năm 2015 có tổng giá trị sản xuất nông nghiệp đạt tới 203,3 tỷ đồng và năm 2014 đã xuất khẩu thành công 11 tấn vải thiều sang một thị trường nghiêm ngặt như Nhật Bản. Đề án nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp theo chương trình VietGAP; GlobalGAP đang được triển khai thực hiện ở đây. Tất cả đang mở ra một tương lai tươi sáng cho những người nông dân trên vùng đất này.

Thực tình, tôi rất tâm đắc hướng phát triển kinh tế xanh- sạch- đẹp của Lục Ngạn. Khi chia sẻ điều này với anh La Văn Nam, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy tôi đã nhận được sự đồng cảm thú vị. Anh hào hứng nói về thổ nhưỡng, khí hậu của vùng đất này và không quên phác ra bức tranh toàn cảnh của huyện trong một tương lai rất gần (năm 2020) khi trở thành “Vườn cây ăn quả quốc gia”. Nói theo ngôn ngữ vui thì Lục Ngạn sẽ là “Hợp chủng quốc” của nhiều giống cây ăn quả nổi tiếng ở Việt Nam. Hiện tại, vải thiều Thanh Hà, bưởi Diễn, bưởi da xanh, cam Vinh, cam Canh… cùng một số loại khác như nhãn, táo, ổi, hồng, na… của các vùng quê khác đã có mặt ở Lục Ngạn. Đã có quy hoạch về các vùng cây ăn quả qua nghiên cứu thổ nhưỡng và tiểu khí hậu. Có thể xem đây là cuộc hội tụ các loại quả ngon trái lành trên vùng đất này. 

Đến thăm các đồi cây ăn quả ở hai xã Hồng Giang và Quý Sơn, tôi săm soi nhìn kỹ vào màu đất. Không phải màu nâu đỏ của xứ sở bazan. Không phải màu đen ánh của miền ruộng mỡ màu. Đất đồi Lục Ngạn có màu trắng đục, nom qua chẳng có vẻ gì phì nhiêu nếu không muốn nói cỗi cằn. Thế mà sao cam, bưởi cây nối tiếp cây, quả chen chúc trĩu cành. Chủ vườn phải thuê người chăm sóc thường xuyên. Hôm chúng tôi đến đồi cam Canh của anh Bùi Đức Long ở xã Hồng Giang có tám người đang buộc cành. Cây nhiều quả, cành trĩu xuống đất nên phải buộc. Hỏi chuyện, được biết gia chủ trả tiền công một ngày mỗi người 200 nghìn đồng. Công việc không mấy nặng nhọc chỉ cần cẩn thận, chăm chỉ. Theo tôi, đây là số tiền công không nhỏ so với mặt bằng thu nhập của nông dân ta hiện nay.

Về thôn Bắc Hai, xã Quý Sơn, chúng tôi ghé thăm vườn cây ăn quả của cặp vợ chồng Lục Văn Tạy- Liêu Thị Tư người Sán Dìu. Tạy sinh năm 1969 nhưng không may bị tàn tật ở chân trái do sự cố khi tiêm chủng hồi mới lên mười. Đi giữa những hàng cam Vinh trĩu quả, chúng tôi chia sẻ niềm vui bình dị của vợ chồng Tạy. Từ chỗ trồng lúa, vợ chồng anh rẽ qua trồng cây ăn quả như vải thiều, cam Vinh, bưởi Diễn. 

Riêng cam Vinh, Tạy có khoảng một nghìn gốc. So với nhiều chủ vườn tỷ phú khác ở Lục Ngạn như Bùi Đức Long, Đặng Văn Tiến, Lục Văn Tạy cũng chỉ ở bậc em út khiêm nhường thôi. Tôi chúc anh mau giàu thì Tạy cười hề hề: “Chưa giàu đâu bác ạ. Mới mong đủ ăn, có tiền cho con cái ra thành phố học thôi!”. Tạy hái cho tôi mấy chùm quả cam Vinh vừa ăn thử vừa mang về Hà Nội làm quà. Từng múi cam ngọt dịu, thơm lành như tâm hồn đất Lục Ngạn nhẹ nhàng thấm vào tôi. Trong cái gió se lạnh của những ngày cuối năm, đứng giữa vùng đồi thông thống gió, tôi thu vào tầm mắt những sắc màu tươi ấm của cây trái gần xa. Những đồi cây, vườn cây ăn quả nối tiếp nhau tạo nên một không gian yên bình, trong sạch.

Bút ký của Nguyễn Hữu Quý

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...