Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 23 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Lục Ngạn >> Người tốt - Việc tốt
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Người chỉ huy dân quân bắt 7 giặc lái

Cập nhật: 08:56 ngày 21/05/2017
(BGĐT) - Mùa này, hồ Cấm Sơn đầy nước, gió thổi mát lộng, ánh nắng chiếu xuống lung linh, huyền ảo. Sau gần 30 phút di chuyển, chiếc xuồng máy đưa tôi về “ốc đảo” Đồng Mậm, xã Sơn Hải , huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) gặp ông Giáp Trọng Kiên (SN 1930), nguyên Bí thư Đảng ủy xã - người 4 lần chỉ huy dân quân bắt 7 giặc lái Mỹ.
{keywords}

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái thăm cán bộ lão thành Giáp Trọng Kiên.

Ngôi nhà của gia đình ông Kiên tọa lạc trên một đảo nhỏ hướng về phía đông nam. Nhìn từ xa nơi đây như một bức tranh sơn thủy hữu tình. Ngồi trên tấm phản gỗ, ông bắt đầu câu chuyện về một thời gian lao mà anh dũng.

Tham gia cách mạng lúc 17 tuổi, khi đó ông là giáo viên bình dân học vụ. Không chỉ truyền dạy con chữ, ông còn vận động bà con đoàn kết cùng đánh đuổi giặc Pháp. Năm 1949, ông là một trong những đảng viên đầu tiên của Chi bộ liên xã Cấm Sơn. Ông được tổ chức phân công làm Bí thư Đoàn xã Ninh Sơn (nay là xã Sơn Hải) có nhiệm vụ vận động thanh niên tham gia kháng chiến. Được ông tuyên truyền, thuyết phục, nhiều chàng trai trẻ đã gia nhập lực lượng dân quân hoặc vào bộ đội.

Giữa lúc cuộc sống của người dân vô cùng thiếu thốn, cộng với chính quyền non trẻ, lợi dụng điều này, giặc Pháp cài gián điệp, chia rẽ các dân tộc, ngăn thanh niên nhập ngũ khiến an ninh chính trị tại xã rất rối ren. Để củng cố lại nội bộ quần chúng, đoàn kết bà con, ông Kiên được phân công làm chính trị viên xã đội, đi sâu vào quần chúng nắm tình hình, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng. Ba tháng liền, ông đến từng hộ dân, gặp gỡ bà con tuyên truyền về chính sách của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời vạch rõ âm mưu của địch để mọi người nêu cao cảnh giác. Từ đó, mọi nghi kỵ, hiềm khích giữa các dân tộc được xóa bỏ, nhân dân cùng chung tay phát triển kinh tế. Âm mưu của bọn chỉ điểm, biệt kích của địch theo đó cũng bị phá vỡ.

Kháng chiến chống Pháp thành công, ông Kiên cùng nhân dân địa phương tích cực lao động sản xuất. Không lâu sau, cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống đế quốc Mỹ. Sau “Sự kiện vịnh Bắc Bộ”, Mỹ chính thức phát động chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam, mở rộng quy mô dùng không quân đánh phá. Huyện Lục Ngạn là một trong những trọng điểm hướng tới. 

Ông Kiên nhớ lại: "Giặc Mỹ liên tục oanh tạc, ném bom vào một số xã trong đó có Ninh Sơn. Là xã đội trưởng, tôi cùng các thành viên khác đến từng hộ vận động quân nhân đã phục viên, xuất ngũ và công dân từ 18-50 tuổi tham gia dân quân nhằm đánh trả các đợt bắn phá của địch. Lực lượng dân quân xã ngày đêm trực chiến, vừa tranh thủ sản xuất, vừa tổ chức diễn tập, sẵn sàng ứng phó khi có máy bay địch. Nhờ đó, quân dân Ninh Sơn đã phối hợp chặt chẽ với dân quân các xã Hộ Đáp, Cấm Sơn, Tân Sơn bắn rơi một máy bay Mỹ”.

{keywords}

Hồ Cấm Sơn.

Ngày 14-9-1966, Bác Hồ đã gửi thư khen ngợi quân và dân xã Ninh Sơn 4 lần bắt 7 giặc lái Mỹ. Xã được Chính phủ tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì và danh hiệu “Đơn vị quyết thắng”. Ông Giáp Trọng Kiên được Nhà nước tặng thưởng Huy chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất cùng nhiều phần thưởng khác của các cấp, ngành.

Sau khi kiểm tra máy bay địch bị rơi, ông Giáp Trọng Kiên xác định nhiều phi công nhảy dù xuống địa bàn. Khoanh vùng chính xác nơi kẻ địch có thể hạ dù đã giúp ông chỉ huy quân dân bắt được giặc lái. Để bảo đảm an toàn, ông phân công dân quân mai phục tại các đỉnh đồi cao, khi phát hiện máy bay rơi hoặc đáp xuống sẽ đánh kẻng báo động, cách phân biệt theo số hồi kẻng quy định trong nội bộ dân quân. Vì vậy, khi ba tên giặc lái vừa chạm chân xuống cầu Dễ, làng Tính, thôn Đồng Mậm đã bị 30 dân quân tóm gọn khiến chúng không kịp trở tay. 

“Không phải lúc nào cũng có thể dễ dàng bắt được giặc lái như vậy, có lần tôi và quân dân trong làng phải lùng sục trong rừng sâu hiểm trở. Chỉ cần thiếu cẩn trọng, bị kẻ địch phát hiện là có thể dẫn tới thương vong” - ông Kiên chia sẻ.

Năm 1966, tại khu vực thôn Thông Vàng (làng Tính), một giặc lái Mỹ có vũ khí bị ta phát hiện nên điên cuồng chống trả. Ông Kiên hô lớn cảnh báo: “Hàng thì sống, chống thì chết” nhưng tên này vẫn một mực không đầu hàng. Thấy hắn có vũ khí và có thể làm càn, gây thương vong cho lực lượng nên ông bí mật ra hiệu cho dân quân rút lui và báo với chính quyền địa phương giáp ranh thuộc tỉnh Lạng Sơn phối hợp vây bắt. Tất cả con suối ở khu vực thôn Thông Vàng đều được bố trí mai phục. Sau hai ngày tìm kiếm, tên giặc lái bị ta tóm gọn khi hắn mò ra bờ suối uống nước. 6 năm làm xã đội trưởng, ông chỉ huy quân dân địa phương 4 lần tổ chức vây bắt thành công 7 giặc lái rơi trên địa bàn.

Năm 1970, xã Ninh Sơn đổi tên thành xã Sơn Hải, ông Kiên làm Bí thư Đảng ủy xã cho đến năm 1985, ông nghỉ hưu. Suốt thời gian này, ông cùng với Ban Chấp hành Đảng bộ chỉ đạo các ban, ngành đoàn thể vận động nhân dân phát triển chăn nuôi, sản xuất lâm nghiệp, làm kinh tế đồi rừng, góp phần cải thiện đời sống, xây dựng quê hương.

Ngọc Anh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...