Thứ năm, 18/04/2024
Bắc giang 29 °C / 25 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Lục Ngạn >> Sản vật
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Lục Ngạn: Được mùa cam Vinh

Cập nhật: 09:10 ngày 11/10/2017
(BGĐT) - Trong khi nhiều vườn cam Canh, bưởi Diễn ở Lục Ngạn (Bắc Giang) mất mùa thì năm nay, cam Vinh lại được mùa lớn. Hiện cam bắt đầu cho thu hoạch, giá bán cao, nhiều nhà vườn dự kiến thu về hàng trăm triệu đồng/vụ.
{keywords}

Vườn cam Vinh tại xã Trù Hựu.

Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lục Ngạn, toàn huyện có hơn 1,1 nghìn ha cam Vinh, sản lượng vụ này đạt khoảng 8 nghìn tấn, tăng gấp đôi so với năm ngoái. Lý giải về tình trạng trong khi cam Canh, bưởi Diễn mất mùa, sản lượng đạt thấp thì cam Vinh lại được mùa lớn, ông Tăng Văn Huy, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho rằng, cam Vinh ra hoa sớm, tránh được điều kiện bất lợi của thời tiết khiến tỷ lệ đậu quả cao. Hơn nữa, giống cam này không đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc khắt khe, ít sâu bệnh nên người dân mở rộng diện tích. Ngoài ra, khi một số cây trồng khác thất thu thì người dân dồn sức vào cam Vinh cũng là một trong những yếu tố đưa sản lượng tăng cao.

Đến thăm vườn cam của gia đình chị Trần Thị Đông, thôn Lường, xã Hồng Giang vào thời điểm này, chúng tôi thấy cây nào cây ấy trĩu quả. Nhiều cây, quả đều tăm tắp đậu thành chùm từ 3-5, thậm chí 7-8 quả, vì thế chị Đông phải buộc dây, chằng chống đỡ cây. Chị cho biết: “Vườn cam trồng đến nay được 7 năm nhưng chưa bao giờ bị mất mùa. Với hơn một mẫu cam, vụ này gia đình tôi ước thu được 8 tấn quả”. Vừa qua, chị Đông bán hơn 3 tạ quả, giá bán 29-30 nghìn đồng/kg, thu về gần chục triệu đồng.

Theo tổng hợp, sản lượng cam Vinh của xã Hồng Giang đạt hơn 1,2 nghìn tấn, tăng 300 tấn so với năm ngoái; doanh thu ước đạt 28 tỷ đồng. Ông Bùi Huy Tình, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Dù chỉ ra hoa chênh lệch nhau vài ngày song cam Vinh nở hoa, thụ phấn vào đúng thời điểm không có mưa, bà con cung cấp đủ nước tưới, dinh dưỡng. Do đó, hộ trồng cam Vinh trong xã đều thắng lớn, hàng chục hộ thu vài trăm triệu đồng”.

Năm nay, cam Vinh ít bị cạnh tranh bởi cam Canh, bưởi, nhiều khả năng giá tiếp tục tăng. Dù vậy, thời tiết diễn biến phức tạp có thể xuất hiện áp thấp nhiệt đới, mưa lớn ảnh hưởng đến cây trồng. Để hạn chế thiệt hại, nông dân cần thường xuyên thăm vườn, kịp thời phòng trừ sâu bệnh, duy trì độ ẩm vừa phải. Trước khi thu hoạch 7-15 ngày (tùy loại thuốc), phải ngừng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để cam bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Nguồn: Sở Nông nghiệp và PTNT.

Tương tự, người trồng cam Vinh ở các xã Tân Mộc, Nghĩa Hồ, Tân Quang... cũng chung niềm vui. Cạnh vườn cam Canh toàn lá là khoảnh cam Vinh sai lúc lỉu, căng mọng. Dẫn khách thăm vườn và thưởng thức trái cam đầu vụ, anh Trương Văn Hải, thôn Sen Hồ, xã Nghĩa Hồ nói: “Gia đình tôi có 2 ha cam các loại. Trong đó, một nửa diện tích cam Canh. Thời tiết khắc nghiệt nên cam Canh thu được chẳng đáng là bao, may thay cam Vinh cho nhiều quả, bù lại chi phí đầu tư”. Được biết, để có vườn quả như hiện nay, anh Hải dày công chăm sóc. Vợ chồng anh mua đậu tương, cá mắm ủ rồi bón cho cây giúp cam xanh tốt, khỏe mạnh và quả ngọt hơn.

Cam cho quả ngọt cũng là thời điểm nhiều thương nhân tìm về thu mua. Nhờ vậy, nông dân trong huyện không phải mang sản phẩm đi bán mà cam được cân ngay tại vườn. Ngoài sản lượng tăng, thị trường tiêu thụ cam khá đa dạng. Theo anh Nguyễn Văn Chung, thôn Trại Ba, xã Quý Sơn- người buôn hoa quả lâu năm, trước đây, khách liên hệ đặt hàng với anh chủ yếu ở khu vực miền Bắc. Năm nay, nhiều thương nhân ở miền Trung, miền Nam đã liên hệ, hợp tác để đặt điểm cân thu mua cam Lục Ngạn. Hiện nay riêng anh gom từ 3-5 tấn cam mỗi ngày mang giao cho chủ hàng ở một số chợ đầu mối Quảng Ninh, Hà Nội.

Thị trường cam rộng mở là tín hiệu vui từ Ngày hội Trái cây tổ chức tại địa bàn vào năm ngoái mang lại. Duy trì kết quả đạt được, năm nay, huyện tiếp tục tổ chức Ngày hội Trái cây Lục Ngạn lần thứ hai vào tháng 11; đồng thời xúc tiến hội nghị tiêu thụ cây có múi, trong đó có cam Vinh tại một số tỉnh phía Nam. Đi đôi với biện pháp trên, huyện cần cảnh báo người dân không ồ ạt chuyển đổi cây ăn quả hiện có sang cam Vinh do năm nay được mùa. Bởi lẽ, khi tăng đồng loạt diện tích cam vào một thời điểm có thể mua phải nguồn giống không bảo đảm, nguy cơ sâu bệnh lây lan diện rộng, có thể “xóa sổ” cả vùng cam. Bài học này đã từng xảy ra tại vùng cam Bố Hạ (Yên Thế) khi không được kiểm soát chặt chẽ.

Trịnh Lan

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...