Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 29 °C / 25 - 28 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Lục Ngạn >> Sản vật
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Đường đến giàu có

Cập nhật: 07:00 ngày 10/02/2018
(BGĐT) - Qua mùa vải thiều rồi đến mùa thu hoạch cam, bưởi cuối năm, ai đến Lục Ngạn (Bắc Giang) cũng phải trầm trồ, thán phục về sự phát triển nhanh chóng của vùng đất này. Nhờ cây ăn quả, đồng bào các dân tộc ở vùng thấp Lục Ngạn đã thoát nghèo, đang đi tới giàu có.
{keywords}

Mô hình trồng cam của gia đình ông Bùi Văn Cảnh, thôn Cá 1, xã Tân Quang.

Dịp tháng 11-2017, đến thị trấn Chũ, trung tâm huyện Lục Ngạn, tôi thấy khắp các ngả đường rực rỡ cờ, hoa, băng rôn khẩu hiệu, áp phích. Trên phố, người xe tấp nập. Dừng xe tại UBND huyện, vừa bước xuống, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Thanh Bình bắt tay tôi hỏi: "Bác có thấy phố Chũ tưng bừng không?" Không kịp để tôi trả lời, anh nói luôn: "Lục Ngạn đang chuẩn bị tổ chức ngày hội "Trái cây Lục Ngạn lần thứ hai" vào cuối tháng này. Trước đó, đầu tháng huyện tổ chức "Ngày hội trái cây" ở Thủ đô Hà Nội với sự tham gia của đại diện nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước". Tôi mừng cho Lục Ngạn đã từng bước mở rộng, kết nối thị trường trong và ngoài nước bảo đảm cho cây ăn quả phát triển bền vững.

Nhìn những đồi cây vải thiều, cam, bưởi kéo dài hàng chục cây số từ Phượng Sơn lên tới Biển Động với tổng diện tích hơn 30 ngàn héc ta, ít ai còn nhớ hơn 30 trước nơi đây chỉ là đồi bạch đàn, đất sỏi cằn cỗi. Đời sống đồng bào dân tộc vô cùng khó khăn; bà con nhiều xã trên đèo đói nghèo phải trông vào nhà nước hỗ trợ gạo lúc tháng ba ngày tám.

Tôi còn nhớ vào những năm 80 của thế kỷ XX, trong một lần lên công tác, tôi được nghe anh Đỗ Phụng, Bí thư Huyện ủy kể cho nghe câu chuyện anh vào thăm mấy gia đình cựu chiến binh ở phố Chũ. Thấy vườn nhà ông Chiểu có cây vải thiều sai trĩu quả, mẫu mã đẹp, vị ngọt không kém vải Thanh Hà. Ông Chiểu cho biết: Mỗi cây một vụ cho ba, bốn tạ quả, giá bán lúc đó 8-10 ngàn đồng một cân. Tính ra thóc, mỗi cây thu hơn sào ruộng cấy lúa. Anh Phụng bảo: Xem ra cây vải hợp đất đồi Lục Ngạn đấy. Tôi nghĩ câu chuyện anh Đỗ Phụng kể cho tôi nghe để biết. Ai ngờ chỉ mấy tháng sau, Huyện ủy, UBND huyện mở hội nghị bàn về phát triển cây vải thiều. Tiếp đó Huyện ủy có nghị quyết, UBND huyện có kế hoạch triển khai. Hội nghị diễn ra đúng mùa thu hoạch vải. Địa phương tổ chức cho đại biểu tham quan vườn vải của gia đình ông Trụ ở Thủ Dương, ông Chiểu ở thị trấn Chũ. Phong trào thi đua nhà nhà trồng vải thiều lan rộng trong huyện.

Nhưng phát triển cây vải thiều theo phong trào, Lục Ngạn đã phải trả giá. Giống không được chọn lọc, người nông dân canh tác tùy tiện nên nhiều vườn cây không đậu quả. Cùng đó, sản xuất không theo quy hoạch, thiếu kỹ thuật, không gắn với thị trường khiến một bộ phận hộ thất bại nản lòng. Đây đó đã xuất hiện có hộ dân chặt bỏ cây vải.

Đến Lục Ngạn, nhìn những đồi cây vải thiều, cam, bưởi kéo dài hàng chục cây số từ Phượng Sơn lên tới Biển Động với tổng diện tích hơn 30 ngàn héc ta, ít ai còn nhớ hơn 30 trước nơi đây chỉ là đồi bạch đàn, đất sỏi cằn cỗi. Cây ăn trái không còn là cây "xóa đói, giảm nghèo" mà trở thành cây đưa đời sống nông dân vùng thấp Lục Ngạn vươn tới giàu có.

Trước tình hình đó, các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện một mặt đi sâu sát cơ sở tìm nguyên nhân thất bại. Mặt khác thông qua Sở Nông nghiệp và PTNT kết nối với Viện Cây ăn quả và Trường Đại học Nông nghiệp I cử chuyên gia về nghiên cứu tìm cách tháo gỡ khó khăn từ cây giống, kỹ thuật chăm sóc…Từ quyết tâm giữ cây vải thiều của huyện, được các cơ sở khoa học kỹ thuật giúp đỡ việc phát triển vải thiều của huyện đã được quy hoạch ở những vùng có thổ nhưỡng và tiểu vùng khí hậu hợp lý đã giúp cây vải thiều ở Lục Ngạn đứng vững và cho thu nhập khá. Sản lượng vải thiều hằng năm đạt 80-100 nghìn tấn đã nảy sinh vấn đề tiêu thụ. Vải thiều "được mùa rớt giá, mất mùa được giá", gây khó cho người sản xuất.

Từ thực tiễn sản xuất với sự hỗ trợ của các sở, ban ngành của tỉnh, Lục Ngạn đã được Bộ Khoa học - Công nghệ cấp bằng "chỉ dẫn địa lý" vùng vải thiều. Theo đó các hộ được hướng dẫn trồng vải thiều sạch theo quy trình VietGAP. Từ làm điểm 20 ha ở xã Hồng Giang mang lại hiệu quả đến nay Lục Ngạn có hàng ngàn ha canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP từ khâu chọn giống, chăm sóc phòng trừ sâu bệnh đến khâu thu hoạch. Năng suất chất lượng quả vải được nâng lên. Giá vải thiều sạch năm 2017 đã lên tới 60-70 nghìn đồng/kg. Tuy vụ vải 2017 thời tiết không thuận, sản lượng vải thiều vẫn đạt gần 55 nghìn tấn, giá bình quân đạt 20-35 nghìn đồng/kg cao gấp 2, 3 lần những năm trước. 

Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Bá Thành - người am hiểu đồng đất Lục Ngạn còn cho tôi biết, vải năm nay không chỉ có ở thị trường Trung Quốc mà đã được giới thiệu tại những thị trường khó tính như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Mỹ và được người tiêu dùng chấp nhận. Ông Thành cho biết thêm, để khắc phục thời tiết biến động, những năm gần đây, Lục Ngạn còn đưa cam, bưởi có chất lượng cao vào canh tác. Vải thiều thu hoạch mùa hè, cam, bưởi thu hoạch mùa đông bảo đảm cho nông dân thu nhập ổn định, khắc phục tình trạng độc canh cây vải thiều.

Cây ăn trái không còn là cây "xóa đói, giảm nghèo" mà trở thành cây đưa đời sống nông dân vùng thấp Lục Ngạn vươn tới giàu có. Vùng cây ăn trái nơi đây còn là vùng sinh thái, mở hướng cho du lịch miệt vườn gắn với di tích lịch sử tâm linh trong tương lai không xa.

Ghi chép của Hoàng Tiến

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...