Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Lục Ngạn >> Tin tức - Sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Người được thờ ở đền Hả

Cập nhật: 07:00 ngày 15/07/2017
(BGĐT) - Nếu chỉ tiếp cận với bản thần tích lưu giữ ở đền Hả, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) thì được biết nơi đây thờ Vũ Thành - vị tướng sinh ở triều Lý và đến triều Trần dẹp giặc Ngô - có công lớn đối với nước ta. Tuy nhiên, theo một số tài liệu mới khiến cho nhận thức về người được thờ ở đền Hả khác so với trước đây gây nên những thắc mắc của bạn đọc. Vậy nhân vật được thờ ở đây là ai?
{keywords}

Tượng Phò mã Thân Cảnh Phúc tại đền Hả.

Căn cứ vào tên tuổi duệ hiệu của các vị trên, đối chiếu với các bộ chính sử của ta và các tài liệu cho thấy, những người được thờ ở đền Hả chính là những danh nhân thời Lý.

Theo "Sách Việt sử lược" và "Đại Việt sử ký toàn thư" được biết, vùng đất Lạng Châu xưa rất gần gũi với triều đình nhà Lý. Vua Lý gả công chúa cho các chúa Động Giáp. Các chúa động trở thành phò mã và gắn bó với triều đình. Vùng đất này được nhà Lý quan tâm nhằm duy trì chính sách ràng buộc chặt chẽ vùng biên giới với triều đình để củng cố an ninh quốc gia.

Cùng đó, các nhà nghiên cứu đã phát hiện những địa danh như Tòng Lệnh vốn là quê gốc của Vũ Tỉnh, Bồng Lai là chỗ Vũ Tỉnh sau này chuyển tới và lưu lại cho Vũ Thành. Trại Quan là điểm chôn cất Vũ Tỉnh; đền Hả, xã Hồng Giang là nơi Vũ Thành mất. Các địa danh này đều đã tìm thấy nhiều di tích, di vật của thời Lý và các truyền tích liên quan tới các công chúa nhà Lý và hai nhân vật Vũ Tỉnh, Vũ Thành.

{keywords}

Lễ rước tại hội đền Hả.

Bản tộc phả của dòng họ Thân hiện lưu giữ ở Nội Hoàng (Yên Dũng) do Thân Trung Khánh, Tự Vũ Khang (1508-1612), trưởng tộc đời thứ 17 soạn bằng chữ Hán ghi rõ thế thứ 32 đời trực hệ của dòng họ Thân ở Nội Hoàng trong đó ba đời đầu gọi là tam tổ. Tổ đệ nhất: Thúy tổ Thân Thừa Quý, tự Vũ Bằng, sinh năm Bính Dần (966), mất ngày 2 tháng 1 năm Kỷ Tỵ (1029). Quốc ban: Tù trưởng châu mục Lạng Châu- phò mã từ năm Thuận Thiên thứ 5 triều Lý (1014). Tổ đời thứ hai: Thân Thiệu Thái, tự Vũ Tỉnh, sinh năm Bính Thân (996), vua Lý Thái Tông gả công chúa Bình Dương, phong hiệu phò mã năm 1029. Tù trưởng Động Giáp châu mục Lạng Châu. Quốc phong: Thân tướng quốc vương thái phó tả bộc xạ Vũ Tỉnh tôn thần. Tổ đời thứ ba: Thân Cảnh Phúc, tự Vũ Thành, sinh ngày 5-5 năm Canh Ngọ (1030), mất ngày 10-2 năm Đinh Tỵ (1077). Quốc ban: Tù trưởng, phò mã, tri biên đầu thượng tướng quân Vũ Thành. Sau khi mất được phong thần... Cho lập đền dọc đôi bờ sông Lục Nam để dân thờ phụng hơn 70 nơi. Hằng năm ngày 6, 7, 8 (ở Tòng Lệnh, Hả Hộ), tháng Giêng mở hội tế thờ có diễn tích Thánh long trọng. Phu nhân: Công chúa Thiên Thành Lý Thị Cảnh, con vua Lý Thánh Tông gả lấy Thân Cảnh Phúc năm 1066. Thiên Thành Lý Thị Cảnh hiệu diệu Thánh Chi sinh năm Tân Mão (1051) mất ngày 14-10 năm Giáp Thìn (1124). Năm Mậu Tuất (1118), vua Lý Thánh Tông phong Quốc mẫu thái đường thái trưởng Thiên Thành công chúa.

Qua ghi chép ở bản tộc phả họ Thân về ba vị tổ, chúng ta thấy hai vị Vũ Tỉnh- Vũ Thành hoàn toàn trùng khớp với tên người, quốc phong, duệ hiệu ngày giỗ của người được thờ ở đền Hả. Tiếp cận với 32 đời trực hệ họ Thân của bản tộc phả được biết các vị trưởng tộc đều có tên tự mang họ Vũ. Từ thủy tổ Thân Thừa Quý có tên tự là Vũ Bang, Thân Thiệu Thái tự là Vũ Tỉnh, Thân Cảnh Phúc tự là Vũ Thành, Thân Cảnh Tĩnh tự là Vũ Tạc... cho đến đời thứ 25 dòng họ Thân ở Nội Hoàng tách ra thành nhiều chi. Chi thân tộc thôn Nội- Nội Hoàng, Thân Đức Hiền vẫn mang tên tự Vũ Hiển...

Tại đền Hả Hộ có câu đối:

Lý triều huân liệt minh sơn nhạc
Lục địa anh linh quán cổ kim
(Người thuở Lý triều ngời sông núi
Anh linh Lục Ngạn đến mãi sau).

Qua ghi chép của bản tộc phả họ Thân, ta còn được biết ngày 29 tháng 10 là ngày giỗ trận hằng năm của dòng họ và nhân dân vùng Động Giáp bị Nùng Trí Cao đem quân đến triệt hạ, trong đó có vợ của phò mã Thân Thừa Quý là bà Giáp Thị An Châu, công chúa Yến Hoa Lý Thị Kiên và vợ của phò mã Thân Thiệu Thái là công chúa Bình Dương Lý Thị Giám. Đồng thời cũng đính chính cho ghi chép trong bản thần tích ở đền Hả là “Vũ Thành đã hy sinh vào ngày 29 tháng 10” như trong phần viết “Người anh hùng của nhân dân Lục Ngạn” của Khổng Đức Thiêm đã phân tích trong sách hội Từ Hả (UBND huyện Lục Ngạn xuất bản 1985 tr 18). Trước những bằng chứng về triều Lý ở vùng Lục Ngạn, Lục Nam và các vị được thờ ở đền Hả ngày càng nhiều, tác giả Khổng Đức Thiêm, nhà nghiên cứu có gắn bó với lịch sử địa phương nhiều năm qua đã khẳng định trong bài viết của mình: Vũ Thành không hề tồn tại trong lịch sử triều Trần. Vũ Thành chính là hiện thân của Thân Cảnh Phúc trước đó mấy trăm năm và là đặc hữu của triều đại nhà Lý.

Đến đây có lẽ mọi thắc mắc nghi ngờ bấy lâu nay về người được thờ ở đền Hả đã được giải đáp. Vũ Thành là tên cúng cơm của Thân Cảnh Phúc. Hai tên nhưng chỉ một người. Các vị khác cũng vậy. Họ là các vị tổ họ Giáp, họ Thân, những phò mã và công chúa nhà Lý ở Động Giáp đã có nhiều công lao trong việc gìn giữ biên cương phía Bắc của Tổ quốc và quốc gia Đại Việt ở thế kỷ XI. Điều này đúng như quyết định và Bằng xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia do Bộ Văn hóa Thông tin trao tặng (số 154/QĐ ngày 25-1-1991) cho đền Hả: Đền thờ Thân Cảnh Phúc, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn, tỉnh Hà Bắc, nay là tỉnh Bắc Giang.

Nguyễn Xuân Cần

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...