Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 31 °C / 26 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Lục Ngạn >> Tin tức - Sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Lục Ngạn: Nhiều vườn mất mùa cam Canh

Cập nhật: 07:00 ngày 09/09/2017
(BGĐT) - Vào dịp này năm trước, tại huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), cam Canh đậu thành từng chùm quả sai trĩu, người dân phải néo dây, chằng buộc, tránh gió bão. Vậy mà năm nay, khắp các khu vườn quả chỉ lèo tèo khiến nhiều hộ “lỡ hẹn” mùa cam. 
{keywords}

Nhiều vườn cam Canh tại xã Hồng Giang thất thu.

Quả rụng hàng loạt

Theo chỉ dẫn của người dân thôn Hồ Sen, xã Nghĩa Hồ, chúng tôi đến nhà chị Lý Thị Bẩy, hộ trồng cam Canh có tiếng trong thôn. Biết khách tìm hiểu về cam Canh, chị Bẩy thở dài: “Năm ngoái, tôi thu được hơn 17 tấn, giá bán 30-35 nghìn đồng/kg. Nhưng vụ này với gần hai mẫu vườn may ra cho gần một tấn, coi như thất thu”. Quan sát cả vườn cam của nhà chị đã trồng được 6-7 năm, cây nào lá cũng xanh thẫm, khỏe, sinh trưởng tốt, không sâu bệnh, vậy mà chỉ lác đác vài quả lẫn trong lá. 

Theo lời chị Bẩy, sau khi thu hoạch xong vụ cam vào cuối năm 2016, vợ chồng chị đốn tỉa cành tăm, hương; chăm sóc ngay để cây đủ dinh dưỡng bằng cách bón đậu tương, ngô, cám mạch và một số loại phân hữu cơ khác. Vì vậy, cây hồi phục nhanh. Sang xuân, cây trổ hoa trắng vườn. Chị khấp khởi mừng thầm vì sẽ tiếp tục đón mùa quả bội thu. “Ai ngờ, giai đoạn quả non thì trút xuống gốc hàng loạt. Xót ruột quá, tôi phun thuốc đậu quả nhưng chẳng cứu vãn được”- chị Bẩy nói.

Một thực tế đang xảy ra là do cam Canh mất mùa vào năm nay, nhiều hộ đã chặt bỏ cam Canh trồng cam Vinh vì cho rằng cây trồng này dễ chăm sóc hơn, ít bị bệnh, quả dễ bán. Bởi thế, cơ quan chuyên môn, chính quyền huyện cần cảnh báo, khuyến cáo kịp thời, tránh tình trạng đổ xô trồng một loại cây dẫn tới cung vượt cầu, khó tiêu thụ.

Rời hộ chị Bẩy, chúng tôi đến vườn cam Canh của gia đình anh Trương Văn Báo cùng thôn. Tại đây, những luống cam xanh ngắt nhưng vẫn chỉ toàn… lá. Anh Báo chia sẻ: “Mấy vụ cam trước luôn được mùa, giá cao giúp tôi có điều kiện xây nhà cửa khang trang, sắm sửa nhiều tiện nghi sinh hoạt hiện đại. Vì thế, tôi luôn có động lực để phấn đấu, dồn sức làm vườn. Năm nay thì chẳng còn trông đợi gì nữa rồi. Không còn cách nào khác, hiện tại, tôi thỉnh thoảng thăm vườn, chăm bón mấy cây cam Vinh; định kỳ phòng trừ sâu bệnh để đón mùa quả sau”.

Theo anh Đỗ Thanh Hải, cán bộ khuyến nông xã Nghĩa Hồ, toàn xã có khoảng 50 ha cam Canh. Tỷ lệ đậu quả trung bình chỉ đạt khoảng 30%. Sản lượng cam ước đạt hơn 500 tấn, giảm một nghìn tấn so với năm trước. Tình trạng này cũng xảy ra tại xã Tân Mộc, “thủ phủ” của cam Canh. Với diện tích 200 ha, tỷ lệ đậu quả chỉ đạt 40%. Ông Vũ Duy Giáp, Chủ tịch UBND xã Tân Mộc thông tin: “Năm nay, hiếm có vườn cam Canh sai quả. Do đó, sản lượng cam Canh vụ này của xã ước đạt hơn một nghìn tấn, bằng 50% so với mùa cam năm 2016”.

Chú trọng chăm sóc,  tăng quả loại 1

Thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lục Ngạn, hiện toàn huyện có hơn 1,9 nghìn ha cam Canh, tập trung tại Tân Mộc, Hồng Giang, Phượng Sơn, Tân Quang. Chưa có số liệu cụ thể đánh giá về sản lượng năm nay song theo ghi nhận, khảo sát của phóng viên, đa phần những hộ trồng cam Canh đều có sản lượng giảm đáng kể. Hộ ông Bùi Xuân Chỉnh, thôn Đồng Quýt, xã Tân Mộc năm ngoái đạt 80 tấn quả, năm nay ước được chưa đầy 20 tấn. Hay gia đình anh Nguyễn Văn Bình, thôn Đầm, xã Phượng Sơn thu 13 tấn quả trong vụ cam trước, vụ này lượng quả chưa bằng 1/6.

{keywords}

Vườn cam Canh của gia đình anh Trương Văn Báo, thôn Hồ Sen, xã Nghĩa Hồ rất ít quả  

Lý giải về tình trạng này, những hộ trồng cam cho rằng nguyên nhân là do thời tiết bất lợi. Thời điểm cam Canh ra hoa gặp mưa phùn khiến tỷ lệ thụ phấn đạt thấp. Giai đoạn quả non lại xuất hiện trận mưa a xít làm quả rụng hàng loạt. Bên cạnh đó, một số vườn cam bị bệnh vàng lá, người dân lại không chú trọng chăm sóc, phòng trừ nên bệnh lan rộng. Đơn cử, hộ anh Nguyễn Văn Quảng, thôn Hiệp Tân, xã Hồng Giang phải bỏ đi hơn 50 cây do bị bệnh vàng lá. Hay gia đình ông Nguyễn Văn Cường, thôn Ao Ca có 8 sào cam bị bệnh phải chặt bỏ.

Trước thực trạng trên, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lục Ngạn khuyến cáo nông dân tập trung chăm sóc tốt diện tích cam ra quả. Trong đó, chú trọng biện pháp hãm, điều chỉnh dinh dưỡng để quả không bị xốp, tăng tỷ lệ quả loại 1; bổ sung nguyên tố vi lượng, tăng độ ngọt của quả. Phòng trừ sâu bệnh, nhất là đối tượng bệnh vàng lá vi rút Greening. Đây là bệnh nguy hiểm, cây mắc bệnh chỉ còn cách nhổ bỏ vì chưa có biện pháp điều trị hữu hiệu. 

Sau một năm không quả cộng với thừa dinh dưỡng, cây có múi sẽ sinh trưởng mạnh vào năm sau, nguy cơ chỉ phát lộc mà không phát triển. Vì thế, việc bón phân cho cây phải cân đối, tăng lượng kali, lân, không để cây quá tốt, thừa đạm vừa tốn kém lại ảnh hưởng chất lượng quả vụ tới. Đi đôi với biện pháp trên, để tăng giá trị sản phẩm, huyện dự kiến tiếp tục tổ chức Ngày hội Trái cây Lục Ngạn vào cuối năm và quảng bá cam, bưởi Lục Ngạn tại thị trường phía Nam.

Ngoài ra, tình trạng đổ đất lấn chiếm, bồi lấp kênh mương để trồng cam diễn ra phổ biến. Một số người dân thôn Hiệp Tân, xã Hồng Giang; thôn Hồ Sen, xã Nghĩa Hồ phản ánh, việc thoát nước cho cây trồng trong mấy trận mưa lớn vừa qua gặp trở ngại. Trước đây, sau mưa chỉ trong vòng 1-2 giờ đồng hồ nước thoát nhưng nay cả ngày vẫn không hết, làm một số cây bị úng ngập kéo dài. Do đó, trước hết người dân cần chủ động khơi thông, tránh để cây bị ngập úng kéo dài. Chính quyền cơ sở tính toán xây dựng hạ tầng sản xuất vùng trồng cam đáp ứng nhu cầu thực tiễn; đồng thời xử lý nghiêm trường hợp vi phạm công trình thủy lợi, đất đai.

Trịnh Lan

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...