Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 31 °C / 25 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Lục Ngạn >> Vải thiều Lục Ngạn
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nâng tầm thương hiệu nông sản Bắc Giang

Cập nhật: 08:03 ngày 21/11/2017
(BGĐT) - Từ năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt danh sách các sản phẩm quốc gia (gồm 12 sản phẩm) và được thực hiện đến năm 2020. Trong đó, Bắc Giang có một số nông sản thuộc nhóm danh mục này gồm: Lúa gạo chất lượng cao, nấm ăn và nấm dược liệu...
{keywords}

Quảng bá vải thiều Lục Ngạn tại Trung Quốc. Ảnh: Trịnh Lan.

Để trở thành sản phẩm quốc gia trong những năm tiếp theo, vải thiều Bắc Giang đang được các ngành, chính quyền địa phương quan tâm nâng cao chất lượng, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong chế biến, bảo quản, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý

Mới đây, cơ quan chức năng của Mỹ đã cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể vải thiều Lục Ngạn cho Hội Sản xuất và tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn, thị trấn Chũ (Lục Ngạn). Nhãn hiệu được bảo hộ trong thời gian 20 năm. Như vậy đến nay, vải thiều Lục Ngạn đã được cấp văn bằng bảo hộ tại 8 quốc gia gồm: Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Australia và Mỹ. Đây là tin vui với người trồng vải bởi điều này khẳng định nông sản Bắc Giang được sản xuất trong điều kiện bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng cao, được luật pháp nước ngoài bảo hộ, là cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu. Trước đó, vải thiều sớm Phúc Hòa (Tân Yên) cũng được bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu tập thể. Từ năm 2009, sản phẩm vải thiều Lục Ngạn đã được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Theo thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), Việt Nam hiện có rất nhiều đặc sản gắn với 700 địa danh khác nhau trên toàn quốc nhưng chỉ có khoảng 50 chỉ dẫn địa lý được xác lập, đăng ký bảo hộ ở nước ngoài, trong đó có vải thiều Bắc Giang. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng làm tăng giá trị tích lũy và phát triển thương hiệu này.

Khi nhãn hiệu được pháp luật bảo hộ, chủ sở hữu độc quyền khai thác lợi ích thương mại từ nhãn hiệu của mình trong thời hạn bảo hộ. Đối với nhãn hiệu đã được bảo hộ, bất kỳ chủ thể nào sử dụng nhãn hiệu đó mà không được đồng ý đều là hành vi xâm phạm và sẽ bị xử lý theo pháp luật. Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lục Ngạn Bùi Xuân Sinh, Chủ tịch Hội Sản xuất và tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn, từ khi được bảo hộ, giá trị sản phẩm này nâng cao, thị trường mở rộng và ngày càng được nhiều người tiêu dùng biết tiếng, tin dùng. Khảo sát của Sở Khoa học và Công nghệ, kể từ khi vải thiều được công bố chỉ dẫn địa lý đến nay, doanh thu từ cây trồng này tăng nhanh dù diện tích giảm. Năm 2007, doanh thu là 500 tỷ đồng, đến năm 2015 tăng hơn 3 lần và năm nay đạt 5,3 nghìn tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay.

Đưa vải thiều trở thành sản phẩm quốc gia

Tiêu chí sản phẩm quốc gia là ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tiên tiến, có sức cạnh tranh cao, được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và có ý nghĩa quan trọng đối với các ngành kinh tế - kỹ thuật chủ lực của đất nước, quy mô sản xuất lớn, giá trị gia tăng cao. Sản phẩm có tiềm năng tiêu thụ lớn ở thị trường trong và ngoài nước. Tổng doanh thu sau khi kết thúc thời gian thực hiện đạt tối thiểu 2 nghìn tỷ đồng/năm...

Vải thiều Bắc Giang đang được các sở, ngành, UBND huyện Lục Ngạn, Tân Yên quan tâm xây dựng để trở thành sản phẩm quốc gia. Được biết, sản phẩm quốc gia phải đạt tiêu chí về công nghệ, quy mô và giá trị. Nếu áp theo các tiêu chuẩn này, vải thiều Bắc Giang đang có lợi thế là quy mô sản xuất lớn nhất nước (khoảng 30 nghìn ha) đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Sản phẩm này đã xuất khẩu vào hơn 30 quốc gia, chiếm khoảng 40% sản lượng, kim ngạch hơn 2 nghìn tỷ đồng. Về công nghệ, một số nghiên cứu, ứng dụng khoa học được áp dụng thành công trong sản xuất và bảo quản vải thiều như: Tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, màng bao gói khí quyển biến đổi (MAP), công nghệ của Israel, CAS...

Sản phẩm lọt vào danh sách của quốc gia có nhiều lợi thế trong ưu tiên đầu tư sản xuất, hỗ trợ phát triển thương hiệu, xuất khẩu. Sở Khoa học và Công nghệ đang xây dựng Đề án phát triển sản phẩm vải thiều hướng tới đạt tiêu chí quốc gia. Trong đó đề ra mục tiêu đến năm 2020, nâng diện tích vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP lên hơn 50%, 300-500 ha tiêu chuẩn GlobalGAP; ứng dụng công nghệ tiên tiến trong chế biến và bảo quản; hình thành tổ hợp tác, hợp tác trong liên kết sản xuất và tiêu thụ; mở rộng thị trường xuất khẩu. Bên cạnh lợi thế đã có, diện tích vải thiều Bắc Giang hiện sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP còn khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 0,73% diện tích là nhỏ. Mặc dù sản phẩm này đã xuất khẩu sang Mỹ, EU, Úc nhưng sản lượng còn ít, công nghệ chế biến và bảo quản chưa đa dạng, việc truy xuất nguồn gốc gặp nhiều khó khăn. Theo ông Nguyễn Văn Thi, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, để xác lập được Đề án, cần xác định rõ sản phẩm “Vải thiều Bắc Giang” hay “Vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang” trên cơ sở tận dụng lợi thế của vải thiều Lục Ngạn đã có. Bám sát các tiêu chí sản phẩm quốc gia để chú trọng các giải pháp về công nghệ đối với vải thiều như: Nghiên cứu, chọn tạo giống; chế biến và bảo quản sau thu hoạch; cơ chế hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu giống; xúc tiến thương mại mở rộng thị trường xuất khẩu, đồng thời xác định rõ trách nhiệm của địa phương thuộc địa bàn triển khai Đề án.

Những năm gần đây, Hội Sản xuất và tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn (chủ sở hữu nhãn hiệu vải thiều Lục Ngạn) đã mở rộng quy mô thành viên, thành lập các chi hội, tổ liên kết và tiêu thụ trái cây ở khắp các xã, thị trấn nhằm bảo vệ, khai thác giá trị thương hiệu vải thiều Lục Ngạn. Cũng theo ông Bùi Xuân Sinh, Chủ tịch Hội, để nâng tầm vải thiều trở thành sản phẩm quốc gia cần tổ chức lại sản xuất vì hiện nay còn manh mún, khó quản lý và kiểm soát quy trình, chất lượng. Hiện mới có khoảng 25% số hộ tham gia liên kết, cần vận động và hỗ trợ để thu hút 80% hộ tham gia chuỗi giá trị vào năm 2020.

Bảo Khánh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...