Thứ ba, 30/04/2024
Bắc giang 35 °C / 27 - 41 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Lục Ngạn >> Vải thiều Lục Ngạn
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Sẵn sàng cho mùa vải thiều

Cập nhật: 07:00 ngày 19/05/2018
(BGĐT) - Hơn một tuần nữa, các nhà vườn ở Lục Ngạn (Bắc Giang) bắt đầu thu hoạch vải thiều. Nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và thương nhân, các đơn vị liên quan đã gấp rút thực hiện công tác chuẩn bị, sẵn sàng cho đợt cao điểm tiêu thụ sản phẩm chủ lực của huyện.
{keywords}

Sản xuất thùng xốp tại Công ty TNHH Tuyết Dương.

Chủ động phương án cấp điện

Đến Lục Ngạn những ngày này, đâu đâu cũng thấy doanh nghiệp (DN), người dân tất bật chuẩn bị cho vụ thu hoạch, tiêu thụ vải thiều sắp đến. Nhận định nhu cầu về thùng xốp của khách hàng lớn hơn nên hơn 3 tháng qua, Công ty TNHH Tuyết Dương (Lục Ngạn) tập trung vào sản xuất. Theo bà Trịnh Thị Tuyết, Giám đốc Công ty, hiện đã có hơn 10 đại lý, DN liên hệ, ký hợp đồng mua hàng chục vạn thùng xốp của Công ty. Để đáp ứng đủ đơn hàng, Công ty đã huy động 5 máy sản xuất khoảng 1,2 vạn thùng/ngày đêm. Hiện DN có khoảng 50 vạn thùng, xếp kín các nhà kho. Năm nay, Công ty có kế hoạch sản xuất khoảng 150 vạn thùng xốp.

Tại cơ sở sản xuất đá cây Huệ Lân, thị trấn Chũ (Lục Ngạn) dịp này bắt đầu huy động thêm công nhân. Theo chủ cơ sở Vũ Mạnh Lân, thì không chỉ đáp ứng nhu cầu đóng gói quả vải trong huyện, một số đơn vị tại Tân Yên và các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương cũng đến đặt mua khoảng 20 vạn cây. Đơn vị đang tập trung nhân lực vệ sinh nhà xưởng, dụng cụ sản xuất, kiểm tra các máy biến áp, bảo đảm độ an toàn trong hệ thống điện, kịp thời ngăn chặn sự cố đáng tiếc xảy ra.

Được biết, Lục Ngạn hiện có 64 cơ sở sản xuất đá cây, thùng xốp. Nhu cầu sử dụng điện trong vụ thu hoạch vải thiều cũng tăng cao, dự kiến vụ này toàn huyện sẽ tiêu thụ khoảng 9 triệu kWh, tăng nhiều lần so với những thời điểm khác trong năm. Nhiều chủ cơ sở lo lắng nếu xảy ra tình trạng quá tải, sự cố bất ngờ sẽ làm lỗi, hỏng sản phẩm, mất nhiệt kho lạnh, ảnh hưởng kế hoạch sản xuất, kinh doanh.

Nhằm phục vụ tối đa nhu cầu của người dân, Điện lực Lục Ngạn đã tổ chức hội nghị đối thoại, kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn trong cung ứng, sử dụng điện cho các cơ sở. Đồng thời, xây dựng kế hoạch quản lý hành lang an toàn lưới điện; quán triệt tới cán bộ, nhân viên nâng cao ý thức trách nhiệm, cải thiện chất lượng dịch vụ phục vụ khách hàng. Cử cán bộ kỹ thuật kiểm tra, bảo đảm an toàn hệ thống đường dây, máy biến áp; hướng dẫn, thí nghiệm chất lượng, kịp thời giúp các khách hàng khắc phục khiếm khuyết của thiết bị điện; tăng cường ứng trực, xử lý các sự cố xảy ra trên lưới. Vừa qua, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc đã đầu tư hàng chục tỷ đồng nâng công suất máy biến áp Trạm biến áp 110 kV Lục Ngạn từ 25 nghìn kVA lên 40 nghìn kVA. Điện lực Lục Ngạn duy tu, sửa chữa thường xuyên, khắc phục sự cố trên lưới; hoán đổi vị trí 12 máy biến áp để bảo đảm hiệu suất sử dụng tốt nhất.

{keywords}

Cán bộ Điện lực Lục Ngạn kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống máy biến áp tại thị trấn Chũ.

Hoàn tất công tác chuẩn bị

Nhằm nâng cao chất lượng quả, bảo đảm quy định xuất khẩu, cơ quan chuyên môn của huyện Lục Ngạn đang tích cực nghiệm thu, cấp giấy chứng nhận diện tích sản xuất theo quy trình VietGAP; đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ DN, hợp tác xã in, dán tem truy xuất nguồn gốc.

Những năm trước, vào thời điểm chính vụ, người dân, DN có nhu cầu rút tiền mặt lớn thường dẫn đến quá tải, ách tắc ở một số ngân hàng. Rút kinh nghiệm, năm nay, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện Lục Ngạn (Agribank Lục Ngạn) đã có phương án khắc phục như dự trữ tiền mặt; cùng Phòng Cảnh sát bảo vệ (Công an tỉnh) và Công an huyện Lục Ngạn khảo sát đường vòng, tránh các điểm ách tắc giao thông trên quốc lộ 31, nhanh chóng vận chuyển tiền từ TP Bắc Giang đến các điểm giao dịch tại Lục Ngạn. Ông Lê Xuân Trường, Giám đốc Agribank Lục Ngạn cho biết, đơn vị đã đề nghị Chi nhánh Agribank Bắc Giang II tăng cường nhân lực, phương tiện để mở thêm điểm giao dịch, đẩy mạnh giao dịch lưu động bằng xe ô tô, làm thêm các ngày nghỉ.

Từ cuối năm 2017 đến nay, UBND huyện Lục Ngạn đã đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ xi măng giúp người dân trong huyện cứng hóa hơn 100 km đường giao thông nông thôn theo Nghị quyết của HĐND tỉnh giúp các phương tiện di chuyển dễ dàng trong mùa vải. Ông Cao Văn Hoàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND cho biết: "UBND huyện đầu tư hơn 3 tỷ đồng sửa chữa các tuyến đường huyện từ xã Nam Dương đi Đèo Gia; Kim Sơn đi Biển Động, Phú Nhuận; chỉ đạo UBND các xã, thị trấn huy động lực lượng đồng loạt ra quân duy tu, sửa chữa, vá lấp ổ gà; phát quang bụi rậm, nạo vét rãnh thoát nước trên các tuyến đường". Các tuyến đường Nam Dương - Bình Sơn (Lục Nam), quốc lộ 31 và một số đường tỉnh qua địa bàn cũng được Sở Giao thông - Vận tải đầu tư hàng chục tỷ đồng hoàn thành sửa chữa.

Các dịch vụ phụ trợ khác như ăn, nghỉ, đi lại, thu mua, vận chuyển vải thiều cũng đã hoàn tất. UBND huyện Lục Ngạn chỉ đạo thành lập các tổ công tác liên ngành kiểm tra, yêu cầu cơ sở kinh doanh quán ăn, thực phẩm thực hiện đầy đủ quy định liên quan, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Giao Công an huyện, công an các xã, thị trấn kiểm tra, bảo đảm quy định về lưu trú, an ninh trật tự; Đội Quản lý trật tự, giao thông, xây dựng và môi trường huyện, Quản lý thị trường cùng các lực lượng chức năng phối hợp tuần tra, kiểm soát, kịp thời chấn chỉnh, xử lý các trường hợp gian lận thương mại…

Đến nay, công tác chuẩn bị đã cơ bản hoàn tất, chính quyền và người dân Lục Ngạn đã sẵn sàng vào vụ, đáp ứng tối đa nhu cầu thu hoạch, tiêu thụ vải thiều của người dân, DN và các thương nhân.

Văn Thương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...