Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 26 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Lục Ngạn >> Vải thiều Lục Ngạn
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nhân rộng mô hình liên kết sản xuất vải thiều

Cập nhật: 08:13 ngày 21/05/2018
(BGĐT) - Sản xuất theo quy trình bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, giúp nông sản dễ tìm đầu ra, giá ổn định là lợi ích của các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ (SXTT) vải thiều đang được triển khai hiệu quả trên địa bàn huyện Lục Ngạn (Bắc Giang). Với nhiều ưu điểm, mô hình này đang được nhân rộng.
{keywords}

Người dân thôn Kép 1, xã Hồng Giang chăm sóc vải thiều.

Chủ động thị trường

Những ngày này, gia đình ông Giáp Văn Huynh, thôn Kép 1, xã Hồng Giang (Lục Ngạn) đang tập trung nhân lực tỉa bớt cành bánh tẻ để cây vải thiều tập trung dinh dưỡng nuôi quả. Ông chia sẻ, năm nay thời tiết thuận lợi, 300 cây vải của gia đình trĩu quả, sản lượng ước khoảng 15 tấn, cao hơn nhiều lần so với năm trước.

Sản lượng lớn hơn nhưng gia đình không lo khâu tiêu thụ vì đầu ra đã được hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp sản xuất và kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân (HTX Hồng Xuân) có trụ sở trên địa bàn cam kết bao tiêu, giá bán cao hơn thị trường cùng thời điểm. Nhiệm vụ của gia đình là chăm sóc cây, quả đúng quy trình được hướng dẫn, bảo đảm chất lượng, mẫu mã, vệ sinh an toàn thực phẩm. Hằng tuần, HTX cử người đến kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật nên tỷ lệ ra hoa, đậu quả đạt hơn 90%, quả sinh trưởng, phát triển tốt.

HTX Hồng Xuân hiện có 22 xã viên, tổng diện tích khoảng 20 ha vải thiều theo quy trình VietGAP và GlobalGAP tại xã Hồng Giang và Quý Sơn. Theo ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc HTX, đến nay, công tác chuẩn bị cho vụ tiêu thụ vải thiều cơ bản hoàn tất. Hiện đã có 6 doanh nghiệp (DN), thương nhân trong và ngoài nước đến tham quan, đàm phán, thỏa thuận mua bán với đơn vị. Trong đó, HTX đã cùng một DN lớn tại TP Hồ Chí Minh ký kết biên bản ghi nhớ tiêu thụ hơn 500 tấn vải thiều phục vụ xuất khẩu sang một số nước châu Âu và Úc.

Tương tự, Công ty TNHH Hùng Thảo (Lục Ngạn) đã ký thỏa thuận hợp tác, cung cấp khoảng 6 nghìn tấn vải thiều chất lượng cho 3 DN lớn tại tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Ngoài ra, một số DN trong nước cũng đặt hàng hơn 1 nghìn tấn quả cung ứng cho một số trung tâm thương mại, siêu thị tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Nhằm chủ động đơn hàng, Công ty đã ký hợp đồng liên kết SXTT vải thiều với các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn huyện. Theo đó, các HTX có nhiệm vụ hướng dẫn, đôn đốc xã viên tập trung sản xuất theo tiêu chuẩn; DN có trách nhiệm thu mua, bao tiêu sản phẩm, đối tác Trung Quốc cung cấp tem, nhãn, hướng dẫn sơ chế, đóng gói, bảo đảm quy định xuất khẩu.

Được biết đến nay, đã có hơn 10 DN, HTX ký thỏa thuận hợp tác, bao tiêu sản phẩm cho người trồng vải Lục Ngạn. Dự kiến hàng chục nghìn tấn vải thiều được tiêu thụ thông qua mô hình hiệu quả này.

Tiếp tục nhân rộng

Không chỉ các DN, HTX chủ động liên kết, tạo vùng sản xuất tập trung, từ năm 2017 đến nay, Hội Nông dân huyện Lục Ngạn đã thực hiện chủ trương thành lập mỗi thôn, xã một tổ hợp tác, chi hội SXTT vải thiều. Qua đó giúp các hộ chủ động trong sản xuất, bảo đảm quả vải chất lượng, thuận đầu ra.

Theo UBND huyện Lục Ngạn, mô hình liên kết SXTT vải thiều đã phát huy hiệu quả, giúp khẳng định chất lượng, thương hiệu sản phẩm. Qua đó người dân đã thay đổi tư duy, cách làm theo hướng sản xuất sạch, an toàn; không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục, bảo đảm thời gian cách ly trước khi thu hoạch. Các DN chú trọng xây dựng nhãn mác, thương hiệu, dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Vải thiều Lục Ngạn được biết đến nhiều hơn, thị trường tiêu thụ mở rộng.

Để các mô hình tiếp tục phát huy hiệu quả, UBND huyện giao các đơn vị chuyên môn nghiên cứu quy chế hợp tác, ràng buộc, quy định rõ trách nhiệm, quyền lợi các bên liên quan. Trong đó, người dân chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm. DN cam kết thu mua, chế biến, phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường, bảo đảm giá cao hơn giúp người dân có lãi. Cơ quan quản lý Nhà nước xây dựng hành lang pháp lý phù hợp, hài hòa lợi ích các bên. Ông Cao Văn Hoàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Lục Ngạn khẳng định: “Huyện tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn người dân đăng ký 100% diện tích sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, đồng thời định hướng các tổ, nhóm hộ thành lập mới HTX gắn với liên kết SXTT; chú trọng thu hút DN ký hợp đồng thu mua, chế biến quả vải góp phần nâng cao giá trị thương hiệu vải thiều Lục Ngạn".

Văn Thương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...