Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 28 °C / 27 - 38 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Tự hào người Bắc Giang
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nuôi, cấy ghép thành công trai nước ngọt lấy ngọc

Cập nhật: 10:29 ngày 23/06/2017
(BGĐT) - Dù chưa qua trường đào tạo nào liên quan đến kỹ thuật nông nghiệp nhưng anh Trương Đình Tùng (SN 1992), thôn Dạo Lưới, xã Đông Hưng, huyện Lục Nam đã thành công với mô hình nuôi, cấy ghép trai nước ngọt lấy ngọc xuất khẩu và là người đầu tiên đưa kỹ thuật mới này về áp dụng tại tỉnh Bắc Giang.
{keywords}

Anh Trương Đình Tùng thực hiện công đoạn cắt tế bào trai tại gia đình.

{keywords}

<< Xem video tại đây

Sau khi học xong Trường Cao đẳng Xây dựng công trình đô thị, anh Tùng về quê nhưng chưa xin được việc làm. Năm 2015, được người bạn giới thiệu về mô hình nuôi, cấy ghép trai lấy ngọc ở tỉnh Ninh Bình, anh lặn lội về tận nơi tìm hiểu. Nhận thấy đây là mô hình kinh tế mới, có nhiều tiềm năng, anh quyết định thay đổi con đường lập nghiệp. 

Là người năng động nên sau hơn một năm được truyền "bí quyết", tháng 6 năm ngoái, anh Tùng về quê xây dựng trang trại nuôi trai lấy ngọc. Với diện tích 5 sào mặt nước, anh nuôi khoảng 10 nghìn con trai. Con giống được mua ở trong và ngoài huyện. Ban đầu khi bắt tay làm, anh gặp một số khó khăn bởi yếu tố thời tiết nên tỷ lệ sống chỉ đạt 60%, thấp hơn 25% so với dự kiến. Tuy nhiên, nhờ chịu khó học hỏi, rút kinh nghiệm nên những hạn chế dần được khắc phục. 

Điểm mới của kỹ thuật này là trai được nuôi cấy ở vùng nước ngọt, sử dụng phương pháp cấy ghép nhân vào túi tinh (trai nước mặn cấy nhân vào nội tạng). Phương pháp này rất công phu từ vệ sinh môi trường nước, chọn nhiệt độ phù hợp đến thức ăn... Đặc biệt, kỹ thuật cấy ghép tế bào trai là công đoạn khó nhất. Trai sau khi được cấy ghép phải được nuôi trong môi trường nước bảo đảm, theo dõi trong vòng 48 giờ, có chế độ chăm sóc đặc biệt; nếu nhiệt độ quá nóng hay quá lạnh cũng khiến trai bị chết.

Thông thường, để có ngọc trai đẹp, phải mất hai năm từ khi cấy ghép đến lúc thu hoạch. Theo anh Tùng, môi trường nước ở Bắc Giang rất phù hợp nuôi cấy trai nước ngọt do ít bị nhiễm phèn. Tới đây, sau khi trang trại ổn định và phát triển, anh Tùng sẽ đầu tư máy móc hiện đại để chế tác sản phẩm; đồng thời chú trọng hướng vào thị trường nội địa, nhiều tiềm năng để có lợi nhuận cao hơn. 

Mới đây, đoàn công tác Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và PTNT đã về nhà anh Tùng tham quan, khảo sát mô hình. Theo ông Dương Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, đây là mô hình kinh tế rất mới trên địa bàn tỉnh cũng như cả nước. Dựa trên kết quả bước đầu của mô hình này, thời gian tới, Sở sẽ xem xét, phối hợp với cơ quan chức năng nghiên cứu, đánh giá toàn diện làm cơ sở để hướng dẫn thực hiện các dự án, đề tài khoa học. 

Công Doanh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...