Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Cuộc thi "Nghị quyết của Đảng và cuộc sống hôm nay"
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bước tiến trong công tác giảm nghèo ở Bắc Giang

(BGĐT) - Với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, từ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã đạt được kết quả tích cực. Ý Đảng, lòng dân đồng thuận, bộ mặt nông thôn thêm khởi sắc, đời sống nhân dân ngày càng nâng lên.

Phát huy vai trò tổ chức Đảng

Những năm qua, quán triệt các chủ trương, chính sách về công tác giảm nghèo của T.Ư, Tỉnh ủy đã cụ thể hóa thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện. Tùy từng giai đoạn, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy ban hành nghị quyết về công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Kết thúc giai đoạn 2016- 2020, toàn tỉnh còn hơn 14,6 nghìn hộ nghèo, chiếm 3,14%; tỷ lệ hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn còn 13,45%; các thôn, bản đặc biệt khó khăn giảm bình quân 7%/năm. Những kết quả này đều vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra.

Giảm nghèo được tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác lãnh đạo của cấp ủy, nhất là đối với các địa bàn khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, nơi có tỷ lệ hộ nghèo cao. Theo đồng chí Ngụy Văn Tuyên, Bí thư Huyện ủy Sơn Động, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020- 2025 đề ra mục tiêu trung bình mỗi năm giảm từ 2,5- 3% hộ nghèo, phấn đấu kết thúc nhiệm kỳ tỷ lệ hộ nghèo còn 13%, đưa huyện thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn. BTV Huyện ủy ban hành kế hoạch triển khai cụ thể; giao các ban, ngành, Ủy ban MTTQ và đoàn thể đăng ký hỗ trợ các tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại các xã, trong đó có nhiệm vụ giảm nghèo; phát huy vai trò đảng viên, người có uy tín trong vận động, hỗ trợ người nghèo vươn lên. Nhiều đảng bộ, chi bộ lấy kết quả giảm nghèo làm tiêu chí đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở Đảng. Bởi một chi, đảng bộ vững mạnh không chỉ xây dựng tập thể đoàn kết, lãnh đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị địa phương mà còn phải chăm lo đời sống nhân dân. Nhờ vậy, kết quả rà soát năm 2022, toàn huyện còn hơn 4,3 nghìn hộ nghèo, chiếm 20,8%, giảm 5,2% so với năm 2021.

{keywords}

Nhiều hộ dân tại xã Phú Nhuận (Lục Ngạn) mạnh dạn chuyển đổi nghề để vươn lên thoát nghèo.

Trong công tác giảm nghèo, vai trò lãnh đạo của Đảng không chung chung mà gắn với việc làm cụ thể. Ông Nguyễn Văn Hân, Bí thư Đảng ủy xã Đèo Gia (Lục Ngạn) cho biết, hiện xã còn 233 hộ nghèo, chiếm 20,4%. Để duy trì tốc độ giảm nghèo hằng năm, Ban Chấp hành Đảng bộ xã ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển sản xuất. Theo đó, Đảng ủy xã phân công các đồng chí cán bộ, công chức xã phụ trách 7/7 thôn; chỉ đạo các chi bộ thôn bám sát nghị quyết của Đảng ủy xã để triển khai thực hiện, phát huy tinh thần nêu gương của mỗi đảng viên trong xây dựng mô hình kinh tế để nhân dân làm theo.

Không để mình ở lại phía sau

Qua phân tích số liệu hằng năm (tính từ năm 2015), kết quả giảm nghèo theo chuẩn đa chiều đã mang tính bền vững, tỷ lệ tái nghèo của tỉnh rất thấp, chỉ chiếm khoảng 0,64%/năm so với số hộ nghèo phát sinh. Đời sống nhân dân, nhất là người nghèo ở địa bàn khó khăn, vùng dân tộc thiểu số được nâng lên đáng kể. Mỗi năm, toàn tỉnh có hàng trăm hộ tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo. Thay đổi nhận thức, hành động để người nghèo chủ động vươn lên là điều được mong đợi nhất trong công cuộc giảm nghèo.

{keywords}

Chị La Thị Lợi mạnh dạn phát triển sản xuất từ nguồn hỗ trợ để vươn lên thoát nghèo.

Những năm trước, gia đình chị La Thị Lợi (SN 1977), dân tộc Cao Lan ở thôn Ván, xã Phú Nhuận (Lục Ngạn) quanh năm túng thiếu. Chồng mắc bệnh mất đã lâu, một mình chị làm thuê lo duy trì cuộc sống cho 5 người trong nhà. "Có lúc tôi nghĩ đến việc bán đất rừng để trang trải, nhưng suy đi tính lại, nghĩ mình là nông dân cần phải có đất để sản xuất. Nghĩ được vậy, nhưng chưa biết làm cách nào để thoát nghèo”, chị Lợi chia sẻ. Năm 2018, chị được hỗ trợ 30 cây vải thiều từ dự án trợ giúp sinh kế, được cán bộ khuyến nông tập huấn kỹ thuật chăm sóc. Có chút vốn liếng và kiến thức, nhất là quyết tâm thoát nghèo, năm sau, chị Lợi mở rộng diện tích trồng 100 cây vải thiều và trồng rừng. Năm 2021, chị đã có của ăn, của để, tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo, dành phần hỗ trợ cho những trường hợp khó khăn hơn.

Qua phân tích số liệu hằng năm (tính từ năm 2015), kết quả giảm nghèo theo chuẩn đa chiều đã mang tính bền vững, tỷ lệ tái nghèo của tỉnh rất thấp, chỉ chiếm khoảng 0,64%/năm so với số hộ nghèo phát sinh.

Quyết tâm “không để mình ở lại phía sau”, nhờ sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay ưu đãi, xây dựng mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện tự nhiên địa phương, ông Triệu Văn Quân (SN 1963) ở bản Đống Cao, xã Canh Nậu (Yên Thế) đã vươn lên thoát nghèo. Năm 2015, ông được Hội Nông dân xã tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 25 triệu đồng. Cơ hội đến, ông Quân mượn thêm anh em, bạn bè đầu tư cải tạo toàn bộ diện tích rừng hiện có, đồng thời nhận thầu 1,5 ha nữa để trồng keo thương phẩm. Sau khi trả hết nợ cũ, năm 2017, ông vay thêm 25 triệu đồng từ nguồn vốn dành cho hộ cận nghèo để mua hai con trâu nái về nuôi. Nhờ chăm chỉ làm ăn, tích lũy, ông Quân đã gây dựng được mô hình kinh tế lâm nghiệp kết hợp chăn nuôi hiệu quả, thu nhập gần 100 triệu đồng/năm. Hiện gia đình ông Quân đã thoát nghèo, có điều kiện cho con ăn học.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra chỉ tiêu kết thúc nhiệm kỳ, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 1%, trong đó các xã đặc biệt khó khăn còn 12,6%. Do vậy, công tác giảm nghèo càng được cấp ủy, chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm. Ngày 25/8/2021, Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 32 về thực hiện Chỉ thị số 05 ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư T.Ư Đảng “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030”. Trên cơ sở đó, HĐND tỉnh ban hành nghị quyết quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; phân bổ kế hoạch vốn đầu tư phát triển 3 chương trình MTQG (trong đó có giảm nghèo bền vững) giai đoạn 2021-2025. Kết quả sơ bộ năm 2022, toàn tỉnh còn 18,1 nghìn hộ nghèo, chiếm 3,86%, giảm 6,7 nghìn hộ, tương đương 1,41%.

Cụ thể hóa chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Trong đó, quán triệt, triển khai sâu rộng Chỉ thị số 05-CT/TW và những nội dung liên quan nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX về công tác giảm nghèo. Giải pháp trọng tâm là đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực kết hợp với đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước. Nhất quán quan điểm của Đảng là lấy dân làm gốc, người nghèo chủ động, tự lực vươn lên thoát nghèo, hạn chế tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới.

Tiếng nói từ cơ sở: 

Bà Trần Thị Vân, cán bộ lao động - thương binh và xã hội xã Nghĩa Phương (Lục Nam): Phân bổ nguồn lực sớm, đầu tư có trọng tâm

Kết thúc giai đoạn 2016-2020, với việc chuyển đổi phương thức đánh giá từ đơn chiều sang đa chiều, công tác giảm nghèo trên địa bàn xã đạt được những kết quả nổi bật. Năm 2020, xã Nghĩa Phương còn 212 hộ nghèo, chiếm 5,2%, giảm hơn 1,1 nghìn hộ (tương đương 31,5%) so với năm 2015. Tuy nhiên, do thay đổi về các tiêu chí đo lường của giai đoạn mới nên sau rà soát năm 2022, số hộ nghèo của xã tăng lên 313 hộ, chiếm 7,38%. Đây là khó khăn lớn với xã trong thực hiện các mục tiêu giảm nghèo, nhất là khi xã còn 5 thôn đặc biệt khó khăn, hạ tầng cơ sở và thu nhập người dân còn thấp.

Hằng năm, UBND xã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo. Căn cứ vào đó và kế hoạch phân bổ vốn chi tiết của cấp trên, cán bộ chuyên môn (lĩnh vực lao động, nông nghiệp, khuyến công) tham mưu xây dựng kế hoạch triển khai với từng hạng mục, dự án, công trình cụ thể. Trong đó, chủ động lồng ghép các nguồn lực, ưu tiên đầu tư cho hạ tầng, hỗ trợ sinh kế, giúp người nghèo xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện địa phương, phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn. Trong quá trình thực hiện, cán bộ chuyên môn phối hợp với Ủy ban MTTQ thường xuyên giám sát, nắm bắt tiến độ để kịp thời giải quyết, hỗ trợ tháo gỡ nếu có khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Từ năm 2015 đến nay, trung bình mỗi năm, xã được phân bổ khoảng 3 tỷ đồng từ nguồn vốn của Chương trình 135. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc phân bổ vốn hằng năm từ cấp trên luôn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và kết quả triển khai các công trình, dự án giảm nghèo của xã. Bên cạnh đó, việc đầu tư còn dàn trải, suất đầu tư thấp nên rất khó để xã cân đối nguồn lực cho một công trình có quy mô theo nhu cầu thực tế. Do vậy, để phát huy tối đa hiệu quả nguồn hỗ trợ, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, đề nghị các cơ quan T.Ư và tỉnh đẩy nhanh hơn nữa tiến độ phân bổ vốn hằng năm; bổ sung vốn để các xã, thôn đặc biệt khó khăn có cơ hội đầu tư, nâng cấp hạ tầng cơ sở nông thôn, nhất là các công trình phục vụ dân sinh, từng bước nâng cao đời sống người dân.

Hà Phương (Ghi)

Bài, ảnh: Tường Vi

Yên Thế: Giảm nghèo nhờ phát triển lâm nghiệp
(BGĐT) - Trồng rừng sản xuất phát triển ở huyện Yên Thế (Bắc Giang) từ hàng chục năm nay. Các khâu: Trồng, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị đem lại thu nhập cao hơn, cải thiện đời sống người trồng rừng.
Lục Nam: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với giảm nghèo bền vững
(BGĐT) - Thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 5/11/2012 (gọi tắt là Chỉ thị 19) của Ban Bí thư khóa XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn (LĐNT)”, huyện Lục Nam đạt được những kết quả nổi bật. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm mạnh, còn 4,17%.
Giảm nghèo bền vững ở Bắc Giang: Lồng ghép nguồn lực, hỗ trợ trọng tâm
(BGĐT) - Nhờ lồng ghép các nguồn đầu tư từ ngân sách, phát huy nội lực trong nhân dân, Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã đạt được những kết quả tích cực, nhiều xã, thôn khó khăn đã đổi khác. Mỗi năm có hàng nghìn hộ vươn lên thoát nghèo bền vững.
“Cú hích” giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số
(BGĐT) - Nhằm tạo “cú hích” để phát triển KT-XH tại địa bàn đặc biệt khó khăn, những năm qua, tỉnh Bắc Giang đã dành nhiều nguồn lực để xây dựng các ngầm, cầu dân sinh. Đồng hành cùng chính quyền, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tích cực hưởng ứng, hiến đất để thi công các công trình.
Kết nối, hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững tại huyện Sơn Động
(BGĐT) - Chiều 18/7, tại huyện Sơn Động, Đảng ủy cơ quan Ngân hàng T.Ư và Huyện ủy Sơn Động (Bắc Giang) tổ chức lễ ký kết văn bản ghi nhớ thực hiện Chương trình kết nối, hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn huyện. 

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...