Thứ năm, 09/05/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 30 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Nhịp cầu bạn đọc
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Vì sao vi phạm hành lang an toàn lưới điện không được xử lý dứt điểm?

Cập nhật: 10:32 ngày 03/09/2014
(BGĐT) - Không lường hết mức độ nguy hiểm, các trường hợp vi phạm hành lang an toàn lưới điện (HLATLĐ) trên địa bàn tỉnh Bắc Giang vẫn diễn ra. Tuy nhiên, việc giải quyết lại giần như "giậm chân tại chỗ". 
Rủi ro rình rập

Công ty Điện lực Bắc Giang hiện đang quản lý gần 2.500 km đường dây điện cao thế. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có gần 100 điểm vi phạm HLATLĐ, trong đó chủ yếu là nhà, công trình không đủ khoảng cách quy định với dây dẫn điện, kết cấu nhà và công trình không đủ điều kiện tồn tại trong HLATLĐ. 

Ngoài nhà ở, các công trình xây dựng, nhiều nơi còn xảy ra tình trạng trồng cây hoặc để cành cây, dây leo, vi phạm khoảng cách HLATLĐ. Các điểm vi phạm tập trung nhiều ở  TP Bắc Giang và các huyện: Lạng Giang, Việt Yên, Yên Dũng,  Lục Nam và Lục Ngạn... 

{keywords}
Một điểm vi phạm HLATLĐ tại địa bàn phường Xương Giang, TP Bắc Giang.

Anh  Hoàng Minh Hương, cán bộ phòng Thanh tra An toàn, Công ty Điện lực Bắc Giang cho biết: Các vi phạm HLATLĐ  rất dễ dẫn tới các sự cố chập, cháy trên đường dây, gây mất điện, ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt và hoạt động kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, trong khi đó để khắc phục sự cố tốn rất nhiều thời gian, công sức. 

Nguy hại hơn, khi các hộ dân xây nhà, cơi nới các phần công trình xây dựng như ban công, lan can, tường rào sát với đường dây điện cao thế, không đúng khoảng cách quy định, chỉ cần sơ suất nhỏ  là có thể bị điện giật, gây thương tích nặng, hoặc tử vong.

Thực tế, thời gian qua trên địa bàn tỉnh, cũng đã xảy ra  một số sự cố gây mất điện trên diện rộng kéo dài và  những vụ tai nạn  điện nghiêm trọng, thương tâm từ những điểm vi phạm HLATLĐ.

Vì sao khó xử lý?

Trên địa bàn TP Bắc Giang, hiện có 15 điểm nóng vi phạm HLATLĐ. Điển hình như trường hợp của hộ ông Nguyễn Xuân Tinh, khu vực Ngã 3 Quán Thành, phường Xương Giang, đã xây dựng công trình nhà ở nằm trong  hành lang bảo vệ an toàn của đường dây 35KV, với diện tích 10m2. Khoảng cách từ điểm gần nhất của nhà ông tới đường dây điện cao áp ở trạng thái tĩnh là 1m, trong khi đó quy định phải cách xa 3m. Mặc dù Điện lực TP Bắc Giang liên tục gửi các văn bản đến gia đình và các cấp có thẩm quyền nhưng  gần 1 năm rưỡi trôi qua, sự việc vẫn không được cơ quan nào đứng ra giải quyết.

{keywords}
Cán bộ Điện lực TP Bắc Giang kiểm tra các điểm vi phạm HLATLĐ tại tổ dân phố Châu Xuyên, phường Lê Lợi, TP Bắc Giang.

Tại  huyện Yên Dũng  có 16 vụ vi phạm HLATLĐ, trong đó có những vụ vi phạm nghiêm trọng như trường hợp của ông Nguyễn Hữu Hà, thôn Đông Phú, xã Xuân Phú đã xây dựng nhà bên cạnh khoảng cột số 6, đường dây 672 Trung gian Xuân Phú đến cột số 1 nhánh Trường Quân sự với khoảng cách là 0,5 m (quy định phải cách 3 m). Điện lực Yên Dũng đã nhiều lần cử cán bộ đến tận nhà vận động trực tiếp,  đồng thời ra 3 thông báo đề nghị ông không tái diễn việc xây dựng nhà trong HLATLĐ, nhưng đều không nhận được sự hợp tác của gia đình. Dù đơn vị đã  gửi nhiều văn bản tới các cơ quan, ngành chức năng của huyện Yên Dũng vào cuộc giải quyết, song đến nay tất cả vẫn bặt vô âm tín.

{keywords}

Công trình nhà ở của ông Nguyễn Hữu Hà, thôn Đông Phú, xã Xuân Phú (Yên Dũng) xây cận kề đường điện cao thế, vi phạm HLATLĐ.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới các trường hợp vi phạm HLATLĐ khó bị xử lý là do thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa ngành điện với chính quyền địa phương. Đặc biệt, khi lập quy hoạch sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy phép xây dựng công trình cho các hộ chính quyền và ngành chức năng một số nơi không khảo sát kỹ thực địa, không tính đến sự tồn tại trước đó của đường điện, khiến người dân có quan niệm "đất nhà tôi, tôi xây". Khi ngành điện phát hiện lập biên bản vi phạm, hầu hết các công trình đã được xây kiên cố. Dù biết là nguy hiểm, nhưng do tài sản của chủ hộ lớn nên không dễ gì thuyết phục họ dỡ bỏ.

{keywords}
Bất chấp nguy hiểm, người dân vẫn làm mái tôn sát đường điện cao thế.

Ông Lê Quốc Thành, Phó Trưởng Phòng Thanh tra An toàn, Công ty Điện lực Bắc  Giang cho biết: Khó khăn ngành điện gặp phải đó là chế tài xử lý các trường hợp vi phạm không có. Khi phát hiện các trường hợp vi phạm, ngành điện chỉ được phép lập biên bản hiện trường,  tạm dừng thi công phần vi phạm,  sau đó gửi thông báo, công văn tới các cơ quan chức năng, UBND phường, xã hoặc cấp huyện, các hộ gia đình, chủ đầu tư, doanh nghiệp đề nghị giải quyết. Tuy nhiên, giải quyết như thế nào lại phụ thuộc hoàn toàn vào ngành chức năng và chính quyền các cấp.

 

Khi phát hiện lưới điện cao áp bị xâm phạm, bị phá hoại, bị cháy, bị sự cố nghiêm trọng thì đơn vị quản lý, vận hành lưới điện cao áp, UBND các cấp, công an, lực lượng vũ trang trên địa bàn có trách nhiệm phối hợp khẩn trương, khắc phục hạn chế thiệt hại và đưa công trình vào hoạt động

-------------------------------

(Trích Nghị định 14/2014/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về An toàn điện)

Ông Phan Văn  Hùng, Phó Giám đốc Sở Công thương Bắc Giang cho rằng: Ngoài những nguyên nhân kể trên, về phía ngành công thương cũng gặp một số khó khăn nhất định như: Sở không có thanh tra chuyên trách về lĩnh vực điện, nên không thể tổ chức các đợt đi kiểm tra thường xuyên. Bên cạnh đó, không ít  chủ đầu tư không thống nhất với ngành công thương trước khi xây dựng công trình dưới HLATLĐ, trong khi đó chính quyền địa phương ở một số nơi chưa chủ động phát hiện kịp thời, phối hợp với đơn vị liên quan để xử lý dứt điểm.

Vào cuộc mạnh mẽ hơn

Để xử lý những vi phạm HLATLĐ thời gian tới, ngành điện cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của địa phương nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân sống tại khu vực có công trình đường dây đi qua, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời ngay từ đầu các trường hợp vi phạm HLATLĐ, không để kéo dài gây phức tạp về sau. 

Chính quyền  và ngành chức năng cần bám sát quy hoạch phát triển điện lực,  khảo sát kỹ thực địa  trước khi cấp giấy phép xây dựng công trình cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Mặt khác, tập trung xử lý các điểm vi phạm nghiêm trọng đã tồn tại trước đó, hạn chế các điểm vi phạm mới, tránh tình trạng buông xuôi, nhằm bảo đảm an toàn cho công trình điện và tính mạng của người dân.


Công Doanh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...