Thứ ba, 16/04/2024
Bắc giang 32 °C / 24 - 30 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Nhịp cầu bạn đọc
Nhịp cầu bạn đọc
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Nhiều cơ sở trốn nộp phạt vi phạm môi trường

Cập nhật: 08:21 ngày 08/10/2014
(BGĐT) - Hiện nay, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, trang trại chăn nuôi vi phạm Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) bị xử phạt hành chính nhưng chây ỳ, trốn tránh trách nhiệm nộp phạt.

{keywords}

Trang trại chăn nuôi của gia đình ông Chu Bá Thơ, thôn Đầu, xã Tự Lạn (Việt Yên) bị xử phạt vi phạm hành chính do gây ô nhiễm môi trường.

{keywords}

Không chấp hành quyết định xử phạt

Ngày 31-3-2014, đoàn kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra Công ty TNHH giấy Bình Dương, cụm công nghiệp Nội Hoàng (Yên Dũng), phát hiện không có hồ sinh học xử lý nước thải phát sinh từ quá trình xeo giấy trước khi thải ra môi trường như nội dung trong đề án BVMT đã được phê duyệt; xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật gây ô nhiễm môi trường nước mặt. 

Ngày 4-4, Công ty này bị Chủ tịch UBND tỉnh phạt vi phạm hành chính 300 triệu đồng và yêu cầu sau 10 ngày phải nộp đầy đủ tiền phạt vào Kho bạc Nhà nước. Thế nhưng đến nay đã quá hạn hơn 5 tháng, Công ty mới nộp được 40 triệu đồng. 

Ngày 11-4, Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định xử phạt 205 triệu đồng đối với chủ cơ sở giặt là công nghiệp, thôn Mỹ Cầu, xã Tân Mỹ (TP Bắc Giang), do cơ sở này không có công trình xử lý môi trường theo cam kết trong đề án BVMT, xả nước thải vượt quy chuẩn. Tuy nhiên, đến nay cơ sở này mới nộp phạt được 50 triệu đồng. 

Trong tháng 5-2014, Công ty TNHH một thành viên Đường Tuyết chuyên tái chế dầu thải tại thôn Mai Phong, xã Mai Trung (Hiệp Hòa) không có giấy phép quản lý chất thải nguy hại theo quy định, làm tràn dầu thải ra ruộng canh tác tại xứ đồng Dài cùng thôn. Công ty bị phạt 900 triệu đồng. 

Theo ông Ngô Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa, ngay sau khi Chủ tịch UBND tỉnh có quyết định xử phạt Công ty này, UBND huyện đã đôn đốc khắc phục hậu quả và nộp phạt theo quy định. Tuy nhiên, Công ty không thực hiện theo yêu cầu mà có thông báo giải thể vào ngày 7-8 và xin thành lập Công ty An Lạc Bắc Giang đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp phép với ngành nghề thu gom, xử lý rác thải và phế liệu vẫn do ông Ngô Xuân Đường (Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đường Tuyết) chuyển sang làm giám đốc Công ty mới. Theo ông Dũng, việc thành lập công ty khác của ông Đường nhằm mục đích trốn tránh trách nhiệm nộp phạt.

Không chỉ doanh nghiệp, chủ các trang trại chăn nuôi vi phạm sau khi bị xử phạt cũng trốn tránh nghĩa vụ như trang trại nuôi lợn của gia đình ông Chu Bá Thơ, thôn Đầu, xã Tự Lạn (Việt Yên). Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh có 27 doanh nghiệp, cơ sở vi phạm Luật BVMT bị xử phạt, trong đó có 5 cơ sở chưa nộp phạt với tổng số tiền gần 1,5 tỷ đồng. Đó là chưa kể một số doanh nghiệp bị cơ quan chức năng phạt từ nhiều năm trước nhưng vẫn chưa nộp phạt hết.

Làm gì để bảo đảm hiệu lực?

Điều 86, Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định  các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính bao gồm: Khấu trừ tiền từ tài khoản của tổ chức, cá nhân vi phạm; kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá; thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế đang giữ sau khi vi phạm cố tình tẩu tán...

Nhiều doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường bị xử phạt nhưng không chấp hành nghiêm là do các đơn vị này coi thường pháp luật, chỉ quan tâm đến lợi nhuận trước mắt, chưa có trách nhiệm BVMT. Ông Vũ Văn Tưởng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Sở thành lập đoàn công tác tích cực kiểm tra, đôn đốc nhắc nhở các doanh nghiệp, cơ sở vi phạm trong lĩnh vực môi trường khắc phục ngay hậu quả và nộp phạt vi phạm hành chính đúng thời gian quy định. Tuy nhiên, không phải cơ sở nào cũng chấp hành. Các doanh nghiệp chưa nộp phạt, Sở cử đoàn công tác về tận nơi đôn đốc và lập biên bản yêu cầu thực hiện nghiêm quyết định”. 

Mới đây, cán bộ của Chi cục Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) đã đến Công ty TNHH Giấy Bình Dương và trang trại của gia đình ông Chu Bá Thơ, lập biên bản kiểm tra và nhắc nhở nộp tiền phạt. Riêng Công ty TNHH Giấy Bình Dương đã đôn đốc nhiều lần nhưng vẫn trốn tránh nghĩa vụ, ngày 23-9-2014, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản đề nghị Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam tại Bắc Giang khoanh nợ tài khoản của doanh nghiệp ở ngân hàng để khấu trừ tiền xử phạt vi phạm hành chính. Về trường hợp trốn tránh trách nhiệm của Công ty Đường Tuyết, UBND huyện Hiệp Hòa đã có văn bản báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét xử lý việc trốn nghĩa vụ nộp phạt bằng việc giải thể Công ty TNHH An Lạc.

Để quản lý chặt chẽ việc nộp phạt của các cơ sở vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với các huyện, Ban quản lý các khu, cụm công nghiệp, nhất là các ngân hàng để khoanh nợ khấu trừ tài khoản của doanh nghiệp tại ngân hàng. 

Ngoài ra, UBND các cấp, sở, ban, ngành liên quan, ban quản lý dự án cần tích cực nhắc nhở, đôn đốc các đơn vị nộp phạt. Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét chỉ cấp giấy phép đăng ký kinh doanh cho các doanh nghiệp khi thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp phạt môi trường (nếu có), tránh tình trạng trốn trách nhiệm bằng việc giải thể, thành lập công ty mới. Nếu các đơn vị vi phạm thời gian nộp tiền phạt, cơ quan ra quyết định xử phạt cần tổ chức cưỡng chế thi hành quyết định theo Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 để bảo đảm hiệu lực.

Hải Minh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...