Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 30 °C / 25 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Nhịp cầu bạn đọc
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Các bộ, ngành Trung ương trả lời ý kiến cử tri

Cập nhật: 10:20 ngày 09/11/2016
(BGĐT) - Qua tiếp xúc cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang nhận được nhiều kiến nghị và đã gửi các bộ, ngành Trung ương xem xét, giải quyết. Báo Bắc Giang điện tử trích đăng trả lời của các Bộ: Xây dựng, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).
{keywords}

Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang quan tâm đổi mới chương trình, nâng cao chất lượng đào tạo giúp sinh viên có nhiều cơ hội tìm việc làm sau khi ra trường.  Ảnh tư liệu

Cử tri kiến nghị Nhà nước quan tâm tìm giải pháp trong đào tạo để học sinh, sinh viên ra trường có việc làm phù hợp, tránh lãng phí nguồn lực xã hội. Hiện nhiều sinh viên ra trường không tìm được việc làm.

Bộ GD&ĐT trả lời: Mấy năm gần đây, nhiều cơ sở đào tạo chưa chú trọng tới việc nghiên cứu nguồn nhân lực, chỉ đào tạo những gì trường có khả năng, chưa đào tạo ngành xã hội cần. Cùng đó, hệ thống quản lý lao động và việc làm thiếu thông tin dự báo nguồn nhân lực theo trình độ và ngành đào tạo dẫn đến mất cân đối cung cầu, thừa thiếu cục bộ, sinh viên tốt nghiệp ra trường khó tìm việc làm.

Để khắc phục tình trạng trên, Bộ GD&ĐT đã và đang triển khai các nhóm giải pháp: Nâng cao chất lượng đầu vào; đổi mới chương trình đào tạo theo hướng hiện đại, phù hợp với thực tiễn Việt Nam; khuyến khích các cơ sở đào tạo tăng cường kết nối với doanh nghiệp, cơ quan bằng nhiều hình thức hợp tác; quy hoạch lại mạng lưới các trường đại học, cao đẳng, chú trọng yếu tố vùng miền, đặc biệt là khu vực nông nghiệp và nông thôn.

Cùng đó, phối hợp với các bộ, ngành và chính quyền địa phương theo dõi, đánh giá, công bố rộng rãi thông tin liên quan đến đội ngũ lao động; nhu cầu lao động theo nhóm ngành nghề để tạo căn cứ cho các ngành hoạch định chiến lược phát triển nguồn nhân lực. Hiện nay, Bộ GD&ĐT đã xây dựng Đề án “Quỹ khởi nghiệp dành cho sinh viên”. Thông qua Quỹ sẽ hỗ trợ khởi nghiệp cho những sinh viên tốt nghiệp có năng lực và nhu cầu.

Cử tri kiến nghị thanh, kiểm tra việc thi công các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là nhà cao tầng nhằm bảo đảm chất lượng, đúng thiết kế, đúng quy định, tránh lãng phí, thất thoát ngân sách nhà nước, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các sai phạm.

Bộ Xây dựng trả lời: Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về xây dựng, thời gian qua, Bộ Xây dựng đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các dự án đầu tư xây dựng. Kết quả thanh tra bảo đảm chính xác, trung thực, đúng pháp luật và có hiệu lực thi hành, không phát sinh khiếu kiện sau thanh tra, kiểm tra. Trong quá trình triển khai, Bộ đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương. 

Thời gian tới, để nâng cao hơn nữa hiệu lực quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng, xử lý kiên quyết các vi phạm trong hoạt động xây dựng, Bộ Xây dựng tiếp tục tổ chức thanh tra chuyên ngành; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tích cực phòng, chống tham nhũng và thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí; đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra; tập trung nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp và năng lực thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ chuyên ngành.

Cử tri lo lắng về tình trạng nợ công của nước ta hiện nay. Cử tri đề nghị Chính phủ có biện pháp hữu hiệu giải quyết vấn đề này.

Bộ Tài chính trả lời: Đầu năm 2016, nợ công của nước ta vào khoảng 62,2% GDP đúng như cử tri phản ánh. Điều này đã phần nào ảnh hưởng đến việc phát triển KT- XH nước ta. Để kiểm soát các chỉ tiêu nợ công trong giới hạn cho phép, Chính phủ đã và đang thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng đánh giá, phân tích, dự báo, lập kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước để theo sát tình hình thực tế; điều hành ngân sách nhà nước (NSNN) chặt chẽ, triệt để thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn; từng bước cơ cấu lại các khoản vay, nợ công.

Hiện nay, Chính phủ đang khẩn trương hoàn thiện kế hoạch tài chính- NSNN 5 năm giai đoạn 2016-2020, trong đó xác định mục tiêu giảm dần bội chi NSNN, bảo đảm tỷ lệ bội chi bình quân giai đoạn 2016-2020 khoảng 4% GDP; dư nợ công đến năm 2020 không quá 65% GDP, dư nợ Chính phủ không quá 55% GDP; dư nợ nước ngoài của Quốc gia không quá 50% GDP (trong ngưỡng an toàn cho phép). 

Để đạt được mục tiêu này, giải pháp đặt ra là: Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, điều hành chính sách tài khóa đồng bộ, thống nhất. Điều chỉnh chính sách thu theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, phù hợp với cam kết quốc tế. Bảo đảm trả đủ nợ lãi đến hạn và huy động trả nợ gốc theo quy định. Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên và từng bước tinh giản biên chế kết hợp đẩy mạnh cải cách khu vực sự nghiệp công.

Minh Huyền (tổng hợp)

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...