Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 25 °C / 24 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Nhịp cầu bạn đọc
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Giải tỏa bãi tập kết cát, sỏi trái phép: Khó di dời đến điểm quy hoạch

Cập nhật: 09:50 ngày 16/11/2016
(BGĐT) - Sau nhiều lần gia hạn, hết năm 2015, toàn tỉnh vẫn còn hàng chục bãi chứa cát, sỏi ven sông hoạt động trái phép. Để xử lý dứt điểm tình trạng này, vừa qua, UBND tỉnh Bắc Giang đã gia hạn lần cuối, yêu cầu giải tỏa xong trước ngày 30-6-2017. Tuy nhiên, nhiều chủ bến vẫn chưa có động thái di dời. 
{keywords}

Điểm tập kết cát, sỏi trái phép tại thôn Phú Mại, xã  Tư Mại (Yên Dũng).

Thực hiện chậm trễ

Sau hai năm giải tỏa bãi chứa cát, sỏi trái phép ven sông theo chỉ đạo của UBND tỉnh, đến nay toàn tỉnh còn 29 điểm đang hoạt động, tập trung ở các huyện: Hiệp Hòa, Lục Nam, Việt Yên, Tân Yên, Yên Dũng và TP Bắc Giang. Các điểm chứa cát, sỏi đều vi phạm hành lang đê điều, cản trở dòng chảy, nhất là vào mùa mưa lũ. Tháng 9 vừa qua, UBND tỉnh gia hạn giải tỏa xong trước ngày 30-6-2017. Riêng 6 điểm ở xã Hợp Thịnh (Hiệp Hòa) đã đầu tư cơ sở hạ tầng, kè mái sông nhưng không đủ điều kiện bổ sung vào quy hoạch được điều chỉnh thời gian đến ngày 30-6-2018 để hoàn thiện thủ tục pháp lý chuyển đến điểm quy hoạch.

Mặc dù đây là lần gia hạn cuối cùng nhưng hầu hết các chủ bến bãi vẫn “bình chân như vại”, ngang nhiên hoạt động, thậm chí còn mở rộng quy mô. Ngày 11-11, tại thôn Lục Liễu Dưới, xã Hợp Đức (Tân Yên), các bãi vẫn chứa những đống cát, sỏi cao như núi, nằm trong hành lang bảo vệ đê. Ô tô nườm nượp ra vào vận chuyển vật liệu trên đoạn đường nhiều ổ voi, ổ gà. Bãi chứa cát, sỏi phép trái ở xã Liên Chung (Tân Yên) cũng hoạt động rầm rộ. Tình trạng này còn xảy ra ở các xã: Tiên Sơn, Ninh Sơn, Quang Châu (Việt Yên). Hầu hết các bãi chứa tại đây chưa giải tỏa, hằng ngày cát, sỏi được bơm lên ùn ùn. Cảng Á Lữ, phường Trần Phú (TP Bắc Giang) chứa hàng nghìn m3 cát ngay sát bờ sông Thương đến nay cũng chưa di dời.

Theo ông Bùi Liên Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy Lợi (Sở Nông nghiệp và PTNT), tình trạng trên không chỉ làm tăng nguy cơ sạt lở bờ, bãi sông mà còn ngăn cản dòng chảy, có thể gây vỡ đê. Thời điểm này, nhiều đoạn đê xuống cấp do ô tô vận chuyển cát, sỏi quá tải thường xuyên ra vào khu vực tập kết trái phép.

Cần xử lý dứt điểm 

Các chủ bến bãi chậm di dời bởi muốn giảm chi phí vận chuyển, thuê đất, bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) và đầu tư hạ tầng. Trong khi đó, chính quyền cấp huyện, xã ở nhiều nơi không kiên quyết xử lý, chưa tổ chức cưỡng chế theo quy định. 

Hiện nay, UBND tỉnh  đã điều chỉnh, bổ sung quy hoạch bãi chứa, nâng tổng số điểm quy hoạch toàn tỉnh lên 90 bãi. Quy hoạch được mở rộng song việc xử lý những điểm chứa cát sỏi trái phép vẫn gặp khó khăn. Có người muốn chuyển đến điểm quy hoạch nhưng ngại mất nhiều thời gian, chi phí đầu tư xây dựng. Chủ bến bãi được phép kinh doanh ở điểm quy hoạch phải có văn bản chấp thuận đầu tư, bảo đảm khả năng thoát lũ; hoàn thành báo cáo đánh giá tác động môi trường; xin cấp giấy phép hoạt động bến thủy nội địa; cấp giấy phép xây dựng và hoàn thành công trình theo giấy phép, được cấp có thẩm quyền quyết định cho thuê đất. Thời gian hoàn thành các thủ tục này mất chừng 4-6 tháng. Đó là chưa kể bồi thường GPMB mất khoảng 1-2 tháng. 

Mặt khác, một số điểm quy hoạch cách xa bến cũ,  giao thông trở ngại nên nếu chuyển đến sẽ khó vận chuyển, kinh doanh vật liệu xây dựng. Đơn cử như xã Thắng Cương (Yên Dũng) được quy hoạch 1 điểm tập kết tại thôn Phấn Lôi từ nhiều năm nay nhưng do đường giao thông xuống cấp nên chưa có tổ chức, cá nhân nào đầu tư xây dựng hạ tầng, kinh doanh cát, sỏi. Tình trạng này cũng xảy ra tại xã Hợp Đức (Tân Yên). Theo chị Vũ Thị Nguyệt ở thôn Lục Liễu Dưới thì điểm quy hoạch ở thôn Tiến Sơn Đông thuộc vùng trũng, thường xuyên ngập úng vào mùa mưa, cách xa bờ bãi sông gần 2 km, đi lại khó khăn nên nếu di chuyển đến đây sẽ ít có khách mua vật liệu xây dựng. Cùng đó, nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ không có đủ từ 1-2 tỷ đồng để hoàn thành việc di chuyển bến bãi, xây kè bờ sông, lắp đặt trụ cẩu mới...

Việc giải tỏa, di dời các điểm tập kết cát, sỏi trái phép là chủ trương đúng đắn của tỉnh nhằm bảo vệ an toàn đê điều, môi trường, cảnh quan. Vì vậy, ngành chức năng cũng như các cấp chính quyền cần vào cuộc quyết liệt. Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở TN&MT cho biết, để các chủ bãi chứa thực hiện nghiêm túc việc giải tỏa, di dời bến bãi, Sở đã công bố rộng rãi quy hoạch và các quy định liên quan, đồng thời phối hợp với các huyện, TP đôn đốc những trường hợp vi phạm để giải tỏa, xử lý dứt điểm sai phạm, tránh “đánh trống bỏ rùi”. 

Cùng với biện pháp trên, các sở như: TN&MT, Xây dựng, Giao thông - Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và PTNT cũng như các huyện, TP cần cử cán bộ hướng dẫn chủ bến bãi sớm hoàn thiện thủ tục đầu tư chuyển đến điểm quy hoạch. Đối với điểm quy hoạch chưa phù hợp, ngành chức năng rà soát báo cáo UBND tỉnh xem xét. 

Theo ông Nguyễn Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng, hiện địa phương đã có văn bản thông báo đến từng chủ bến bãi, quy định rõ về thời gian di dời, kết hợp tuyên truyền, vận động họ tự nguyện giải tỏa. Huyện thành lập tổ liên ngành hướng dẫn,  các chủ bến bãi hoàn thành hồ sơ để đầu tư kinh doanh cát, sỏi đúng quy định. Ngoài ra, các trường hợp vi phạm cần tự giác giải tỏa, có thể liên kết với nhau để tăng mức đầu tư kinh phí xây dựng bãi chứa cát, sỏi ở điểm quy hoạch mới.

Minh Linh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...