Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 31 °C / 25 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Nhịp cầu bạn đọc
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Tin “cò” chạy chế độ, mất tiền, mất danh dự

Cập nhật: 15:13 ngày 30/11/2016
(BGĐT) - Do nhiều lần đi giám định bệnh, dị tật làm hồ sơ phơi nhiễm chất độc hóa học (CĐHH) mà không đạt kết quả, không ít người đã đưa tiền cho "cò mồi" làm bệnh án và bị lừa đảo, trục lợi. 
{keywords}

Hai trong số gần 300 bệnh án giả cơ quan công an thu giữ.

Nhiều bệnh án giả

Cuối năm 2015, qua rà soát, Hội đồng Giám định y khoa (GĐYK) tỉnh Bắc Giang thấy nhiều hồ sơ xin hưởng chế độ CĐHH có dấu hiệu bất thường. Hàng loạt hồ sơ phơi nhiễm CĐHH ở các huyện, TP cùng có bản tóm tắt bệnh án khám, điều trị đái tháo đường tại Bệnh viện Quân y 110 (Bắc Ninh). Từ nghi vấn này, Hội đồng yêu cầu Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) rà soát, kiểm tra. 

Qua đó phát hiện hàng trăm đối tượng không có bệnh án lưu trữ điều trị tại Bệnh viện Quân y 110 và một số bệnh viện trong tỉnh nhưng vẫn có bản tóm tắt bệnh án, sổ điều trị, giấy ra viện có dấu đỏ của các bệnh viện này. Các hồ sơ nghi vấn được chuyển cho cơ quan công an. Kết quả giám định có 235 bản tóm tắt bệnh án, giấy ra viện, sổ theo dõi điều trị bệnh được làm giả con dấu của Bệnh viện Quân y 110 và 34 bộ làm giả con dấu của các Bệnh viện Đa khoa, Tâm thần và Y học cổ truyền tỉnh Bắc Giang… Đáng chú ý, trong số này có một số trường hợp đã được hưởng chế độ trợ cấp.

Để phục vụ công tác điều tra, cơ quan công an thông báo ai đã mua bản tóm tắt bệnh án của các đối tượng Tạ Hồng Nhâm (SN 1949) ở xã Trí Yên (Yên Dũng) và Hoàng Đình Hải (SN 1952) ở xã Cao Thượng (Tân Yên) và một số đối tượng môi giới khác làm hồ sơ hưởng chế độ CĐHH từ ngày 1-1-2015 trở lại đây, mà không điều trị tại các bệnh viện (kể cả ngoại trú) liên hệ Phòng ANĐT, ngõ 1009 đường Lê Lợi, phường Dĩnh Kế, TP Bắc Giang. ĐT 0915 378 298; 0968561 222 hoặc cơ quan công an nơi cư trú. Trường hợp không trình báo hoặc trình báo sau khi kết thúc điều tra, cơ quan công an không giải quyết.

Ông Nguyễn Văn Đọ (SN 1948) ở thôn Nam Thành, xã Trí Yên (Yên Dũng) vào Nam chiến đấu năm 1967, có mặt ở nhiều chiến trường ác liệt, trong đó có Khe Sanh (Quảng Trị). Cuối năm 1975, do sức khỏe yếu, ông được giải ngũ về địa phương, lấy vợ sinh 6 người con thì nay đã mất 4. Hai người còn lại bị bệnh về xương khớp. Nghĩ mình người thật việc thật, do không quen biết mới khó làm ông Đọ đã chi 7 triệu đồng nhờ đối tượng Tạ Hồng Nhâm (SN 1949) ở thôn Minh Đức cùng xã làm bệnh án đái tháo đường (loại bệnh trong danh mục được hưởng trợ cấp CĐHH - dù thực tế ông Đọ không mắc bệnh này). Hồ sơ của ông Đọ sau đó được xét đủ tiêu chuẩn. Cùng đó, ông  phải chi tiếp 15 triệu đồng cho một đối tượng khác lo các thủ tục còn lại. Cuối năm 2015, ông Đọ nhận được quyết định hưởng trợ cấp mức hơn 1,6 triệu đồng/ tháng. Tháng 7 vừa qua, ông  bị cắt chế độ vì tờ tóm tắt bệnh án trong hồ sơ bị phát hiện là giả. “Tưởng ông ta làm được bệnh án thật, tôi mới nhờ. Giờ biết dại thì muộn rồi, tiền đã lĩnh có nguy cơ bị thu hồi, tiền đưa “cò” không biết có đòi được hết không, đã thế còn mang tai tiếng”- ông Đọ buồn bã nói.

Còn rất nhiều người khác ở xã Trí Yên và các huyện, TP trong tỉnh đang phải “ngậm bồ hòn” như ông Đọ vì nhờ “cò” làm bệnh án chạy chế độ CĐHH. Đại úy Nguyễn Quang Hùng, Đội trưởng Đội Tham mưu, Phòng An ninh điều tra (ANĐT-Công an tỉnh) thông tin: Tất cả những người này đều tham gia kháng chiến trong vùng bị rải CĐHH, làm hồ sơ nhiều lần chưa được nên đã nhờ môi giới và bị các đối tượng này lừa đảo. 

Bóc mẽ những kẻ lợi dụng chính sách

{keywords}

Đối tượng Tạ Hồng Nhâm.

Khó khăn cho công tác đấu tranh của cơ quan chức năng là việc đưa tiền nhờ các đối tượng làm bệnh án chạy chế độ CĐHH hầu như không có giấy tờ, sổ sách ghi lại. Để đưa được các đối tượng ra xử lý, cán bộ, chiến sĩ Phòng ANĐT phải xác minh, gọi hỏi, đối chất hơn 500 lượt người liên quan. Cuối tháng 10 vừa qua, Phòng đã có đủ cơ sở khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Tạ Hồng Nhâm (SN 1949) ở thôn Minh Đức, xã Trí Yên và Hà Đình Thường (1993) ở thôn Trại Giữa, xã Tân An (cùng huyện Yên Dũng) về hành vi làm giả con dấu, tài liệu cơ quan Nhà nước. Các bị can khai: Từ tháng 5-2015 đến khi bị phát hiện, chúng đã cấu kết với một số đối tượng ở nhiều huyện môi giới, nhận làm 34 bản tóm tắt bệnh án đái tháo đường bán cho người có nhu cầu làm hồ sơ phơi nhiễm CĐHH, thu hơn 200 triệu đồng. 

Ngoài ổ nhóm trên, Phòng ANĐT đang đấu tranh, làm rõ hành vi làm giả con dấu, tài liệu của Hoàng Đình Hải (SN 1952) ở thôn Hòa Sơn, xã Cao Thượng (Tân Yên) và đồng bọn. Từ tháng 2-2014, thấy UBND tỉnh thực hiện chế độ đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH, biết nhiều người có nhu cầu, Hải liên hệ với một đối tượng ở Bắc Ninh làm bản tóm tắt bệnh án, giấy ra viện, sổ theo dõi điều trị bệnh bán cho người cần. Mỗi bộ, Hải lấy từ 3-8 triệu đồng. Các giấy tờ này hầu hết được làm giả con dấu của Bệnh viện Quân y 110 song phần lớn người mua khi được hỏi đều nói không biết đó là bệnh án giả. Vì trước khi cung cấp bản tóm tắt bệnh án, Hải đều đưa những người này đến Bệnh viện làm xét nghiệm máu và nước tiểu. Tinh vi hơn, nhiều trường hợp chúng còn mang sổ theo dõi bệnh, rồi nhờ bác sĩ ghi đơn thuốc, tên bệnh, ký tên đóng dấu chức danh... Tính đến khi bị phát giác đã có hàng trăm người khai nộp hơn 1,9 tỷ đồng cho Hải và các đối tượng liên quan.

Ông Nguyễn Thế Dũng, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH nói: Để bảo đảm đối tượng được hưởng chế độ đúng quy định, Sở LĐTB&XH vừa phối hợp với Sở Y tế rà soát, phân loại hồ sơ phơi nhiễm CĐHH đã hưởng theo Nghị định 31/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Cùng đó yêu cầu các bệnh viện phối hợp chặt chẽ trong khám, chẩn đoán, giám định bệnh, tật, dị dạng. Hằng tháng cung cấp danh sách bệnh nhân được cấp bản tóm tắt bệnh án làm chế độ phơi nhiễm CĐHH về phòng LĐTB&XH các huyện, TP và đơn vị liên quan để theo dõi, giám sát, ngăn ngừa tiêu cực tái diễn. 

Nhà nước đã có chính sách ưu đãi, quan tâm đặc biệt đối với người tham gia kháng chiến hoặc con đẻ của họ bị nhiễm CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Người làm hồ sơ giải quyết chế độ này không phải mất khoản phí nào. Do đó, nếu thấy bản thân hoặc con cái mắc các bệnh, tật, dị dạng trong danh mục Bộ Y tế quy định, người dân nên đến phòng LĐTB&XH được hướng dẫn làm thủ tục, không nhờ đối tượng môi giới làm hồ sơ giả để rồi mất tiền, mất cả danh dự.

PV Bạn đọc

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...