Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 25 °C / 24 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Nhịp cầu bạn đọc
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Cập nhật: 09:33 ngày 05/04/2017
(BGĐT) - Từ đầu năm 2017, Bộ luật Dân sự có hiệu lực thi hành thay thế Bộ luật Dân sự năm 2005. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo đó được sửa đổi, bổ sung một số quy định bảo đảm tính khoa học, sát thực tiễn. 
{keywords}

Chủ thể làm ô nhiễm môi trường phải bồi thường thiệt hại, kể cả trường hợp không có lỗi.

(Ảnh minh họa)

Theo Bộ luật sửa đổi, một số trường hợp được loại trừ trách nhiệm bồi thường như: Do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại; chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra (Khoản 2 - Điều 584). 

Nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm của tất cả các chủ thể trong đời sống, Bộ luật quy định bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình (Khoản 5 - Điều 585). Quy định này đòi hỏi mỗi tổ chức, cá nhân luôn phải có ý thức tự bảo vệ mình, bảo vệ tài sản của mình cũng như bảo vệ người khác bằng các biện pháp cụ thể, phù hợp.

Mức bồi thường bù đắp tổn thất tinh thần do thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm, do xâm phạm thi thể, mồ mả được sửa đổi theo hướng tăng so với trước. Mức bồi thường bù đắp tổn thất tinh thần do các bên thỏa thuận, nếu không có thỏa thuận thì xác định: Thiệt hại về sức khỏe, mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định (luật cũ là 30 tháng lương); mức bồi thường tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định (luật cũ 60 tháng lương). 

Thiệt hại do xâm phạm mồ mả, mức tối đa đối với mỗi mồ mả bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở. Luật cũ quy định với hành vi xâm phạm mồ mả chỉ phải bồi thường chi phí để hạn chế, khắc phục thiệt hại. Bộ luật mới bổ sung thêm nghĩa vụ bồi thường thiệt hại về tinh thần với hành vi xâm phạm mồ mả. Mức lương cơ sở do Chính phủ quy định theo các thời kỳ.

Bộ luật cũng quy định cụ thể, minh bạch trách nhiệm của Nhà nước. Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật mà người thi hành công vụ gây ra theo quy định Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (Điều 598). Bộ luật cũng quy định trách nhiệm bồi thường một số trường hợp cụ thể khác như bồi thường thiệt hại trong trường hợp vượt quá yêu cầu tình thế cấp thiết thì người gây thiệt hại phải bồi thường phần thiệt hại xảy ra do vượt quá yêu cầu tình thế cấp thiết. Người gây ra tình thế cấp thiết cũng phải bồi thường. Người dùng rượu, bia hoặc chất kích thích khác gây thiệt hại phải bồi thường. Chủ quản lý, chủ sở hữu cây cối phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra. Chủ thể làm ô nhiễm môi trường phải bồi thường thiệt hại kể cả trường hợp không có lỗi...

Điều 588 của Bộ luật quy định thời hiệu khởi kiện là 3 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Trong thời hạn này, người bị thiệt hại có quyền yêu cầu tòa án giải quyết buộc bên gây thiệt hại phải bồi thường cho mình. Thời hạn này có thể kéo dài nếu do sự kiện bất khả kháng hoặc trường hợp khác do luật quy định.

Để thiệt hại xảy ra phải bồi thường, yêu cầu tòa án giải quyết bồi thường là điều không ai mong muốn. Trong cuộc sống, việc phát sinh sự kiện pháp lý làm phát sinh trách nhiệm bồi thường cũng không phải là hiếm và chẳng loại trừ ai. Do thiếu hiểu biết pháp luật, không ít trường hợp để xảy ra hậu quả đáng tiếc, thậm chí là vụ án hình sự khi người dân tự giải quyết tranh chấp, đòi bồi thường theo cảm tính... 

Việc tìm hiểu, áp dụng các quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường, mức bồi thường trong hòa giải, thương lượng, giải quyết tranh chấp là cần thiết với mỗi tổ chức, cá nhân, góp phần giữ gìn đoàn kết, xây dựng gia đình, khu dân cư văn hóa.

Luật sư Trần Văn An

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...