Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 32 °C / 26 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Nhịp cầu bạn đọc
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nhiều rủi ro khi mua tài sản thế chấp ngân hàng

Cập nhật: 09:39 ngày 12/04/2017
(BGĐT) - Biết tài sản đã thế chấp ngân hàng nhưng thấy rẻ, nhiều người vẫn bỏ cả đống tiền ra mua để rồi rước rủi ro, thiệt hại.

{keywords}

Minh họa: Thùy Dương

Tưởng khôn hóa dại

Nghe ông Trần Văn V  (phường Lê Lợi, TP Bắc Giang) giao bán tàu thủy chở hàng khô với giá hời, dù biết phương tiện đã bị chủ thế chấp ngân hàng vay 300 triệu đồng nhưng tàu còn tốt nên ông Nguyễn Văn N ở phường Đa Mai vẫn quyết mua. Hai bên thỏa thuận giá chuyển nhượng hơn 2 tỷ đồng. Theo đó, ông N chuyển tiền cho ông V tất toán với ngân hàng để giải chấp, lấy giấy tờ sở hữu tàu làm thủ tục mua bán. Vì muốn tiết kiệm tiền thuế, không am hiểu pháp luật nên ông N mới chỉ làm hợp đồng chuyển nhượng, chưa có thủ tục sang tên tàu. 

Tuy nhiên, hợp đồng đã bị tòa án tuyên vô hiệu do giao dịch làm ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của bên thứ ba. Bởi trước khi bán tàu cho ông N, ông V đang bị người khác kiện tranh chấp tiền vay. Không đồng ý với phán quyết của tòa án, ông N làm đơn kháng nghị, theo kiện mấy năm ròng nhưng kết cục vẫn không được sở hữu tàu. 

Theo bản án phúc thẩm của TAND tỉnh, con tàu ông N mua bị cưỡng chế, kê biên theo quy định. Nếu không thỏa thuận được với bên thứ ba thắng kiện, hơn 2 tỷ đồng ông trả cho bên bán và nộp vào ngân hàng trở thành khoản cho vay không lãi, không được bảo đảm và chưa biết khi nào lấy lại được. Đến lúc này ông N biết dại thì đã muộn. 

Những ngày này, bà Nguyễn Thị M ở phường Ngô Quyền cũng đau đầu vì chưa biết làm cách nào lấy lại tiền tỷ “cho vay không lãi suất”. Bà kể, gần một năm trước, biết ông Nguyễn Văn C (cùng phường) gặp khó khăn về tài chính, muốn bán ngôi nhà trên đường Nguyễn Thị Minh Khai. Nhà này ông C đã thế chấp vay hơn 1 tỷ đồng. Thấy  ngôi nhà ở vị trí đẹp, đã được ngân hàng thẩm định xem xét kỹ tính pháp lý trước khi nhận thế chấp nên bà M đưa tiền cho ông C thanh toán vay ngân hàng lấy lại "sổ đỏ". Nhưng khi tiến hành làm hợp đồng mua bán, bà phát hiện ông C là con nợ của nhiều chủ nợ khác. 

Biết cố thực hiện giao dịch sẽ mua thêm rắc rối nên bà M không dám “cố đấm ăn xôi”, đành tìm đến luật sư nhờ trợ giúp. “Tưởng khôn hóa dại, bỏ cả đống tiền mua nhà thành cho vay không lãi, khó đòi, muốn lấy lại phải nhờ luật pháp can thiệp. Đúng là tham thì thâm”- Bà M rầu rĩ.

Đừng bỏ tiền mua rủi ro

Trước khi quyết định mua tài sản, nhà đất đang thế chấp ngân hàng cần tìm hiểu kỹ nguồn gốc tài sản, thông tin về người sở hữu. Nếu phát hiện dấu hiệu không an toàn nên dừng lại, đừng tham rẻ để rồi chuốc rủi ro, phiền toái.

Luật sư Trần Văn An, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh cho biết: Tình trạng mua tài sản, nhà đất đang thế chấp ngân hàng như các trường hợp kể trên diễn ra khá phổ biến. Các giao dịch dân sự liên quan đến tài sản đang cầm cố, thế chấp (mang ra bảo đảm) không được pháp luật bảo vệ, trừ trường hợp có văn bản đồng ý của bên nhận bảo đảm (giấy tờ này phải được người có thẩm quyền ký tên đóng dấu, cho phép mua bán). Tuy nhiên đây là điều khó bởi thực tế không ngân hàng nào chịu giải chấp nếu người vay chưa làm thủ tục tất toán. 

Biết rõ giao dịch không được pháp luật bảo vệ, tiềm ẩn rủi ro cao, song vì hám lợi, không ít người vẫn liều, hy vọng mua được tài sản giá rẻ. Tuy nhiên không phải ai cũng gặp may. Nhiều người đã ngậm “quả đắng” do bị bên bán tráo trở lật lọng không giữ lời hứa, từ chối ký hợp đồng như thỏa thuận trước đó hoặc đòi phí giao dịch cao hơn mức thỏa thuận, thậm chí hơn giá thị trường. 

Có trường hợp, chủ tài sản đồng ý bán, thực hiện xong giao dịch nhưng lại phát sinh bên thứ ba liên quan hoặc tài sản đã bị cơ quan chức năng kê biên, phong tỏa trong vụ án khác không thể bán được. Cá biệt, có vụ, bên bán cấu kết với nhân viên ngân hàng để trục lợi từ người mua...

Theo thẩm phán Nguyễn Như Hiển, Phó Chánh tòa Dân sự, TAND tỉnh thì các vụ án liên quan đến giao dịch mua bán tài sản đang bị thế chấp, cầm cố, phần lớn thiệt thòi rơi vào bên mua. Do đó, trước khi quyết định mua tài sản, nhà đất đang thế chấp ngân hàng cần tìm hiểu kỹ nguồn gốc tài sản, thông tin về người sở hữu. Nếu phát hiện dấu hiệu không an toàn nên dừng lại, đừng tham rẻ để rồi chuốc rủi ro, phiền toái.

Tuấn Dương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...