Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 26 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Nhịp cầu bạn đọc
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Làng quê ngập rác (kỳ 1)

Cập nhật: 09:34 ngày 19/04/2017
(BGĐT) - Không có bãi chôn lấp hoặc có nhưng chưa được xử lý đúng quy trình, một bộ phận người dân thiếu ý thức vứt rác bừa bãi khiến rác thải ngập làng quê. Rác đầy vệ đường, ngập tràn kênh mương ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và đời sống.

{keywords}

Ngay dưới biển cấm đổ rác nhưng rác vẫn tràn ngập tại thôn Tiến Phan 2,  xã Nhã Nam (Tân Yên).

Có biển cấm đổ rác... vẫn đổ

Từ trung tâm thị trấn Nhã Nam (Tân Yên), chúng tôi đi theo đường tỉnh 294 về thôn Tiến Phan 1, Tiến Phan 2, xã Nhã Nam. Tại đoạn qua cánh đồng thôn Tiến Phan 1, xen lẫn những thửa ruộng là một số đống rác tự phát bốc mùi nồng nặc. Đáng chú ý, dưới biển báo “cấm đổ rác” ven đường thuộc địa phận thôn Tiến Phan 1 thì rác vẫn nhiều với đủ thứ như túi ni-lông, chai, lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật, xác động vật chết. Nước bẩn từ những đống rác chảy vào ruộng đồng. Bà Nguyễn Thị Dung, người dân trong thôn cho biết: “Nước bị ô nhiễm vì rác thải nên ai làm đồng ở đây cũng lo ngại. Có hôm không đeo găng tay, tôi nhổ cỏ cho lúa một lúc mà tay bị ngứa không chịu nổi phải nhanh chóng về nhà bôi thuốc”.

Tương tự, một bãi rác lớn hơn thuộc thôn Tiến Phan 2 cũng hình thành từ lâu. Rác chất thành từng đống trên đoạn đường dài hơn chục mét. Hai đầu bãi rác đều cắm biển cấm và ghi cả mức phạt từ 5 trăm nghìn đến 2 triệu đồng khi phát hiện đổ rác sai quy định. Tuy vậy, lượng rác tại đây ngày càng nhiều. Ai đi qua cũng rùng mình bởi thấy xác con lợn nặng chừng gần một tạ vứt cùng gia cầm chết. Ông Ngô Văn Tuấn, thôn Ngoài, xã Tân Trung (Tân Yên) cho biết: “Tôi thường xuyên đi qua đoạn đường này nên biết trước sẽ gặp mùi khó chịu. Thế nên cứ cách xa gần 100 m là lấy tay bịt mũi, cố gắng nín thở rồi cho xe chạy thật nhanh”.

Được biết, từ năm 2016, UBND xã Nhã Nam ký hợp đồng với thị trấn Nhã Nam cùng huyện để xử lý rác thải trong xã và làm biển báo cấm không đổ rác ở những vị trí trên; đồng thời lập hàng rào dây thép gai để không còn chỗ chứa rác. Khi không đưa rác vào bên trong thì một số người thiếu ý thức lại vứt ngay ra đường. Lý giải về tình trạng này, đại diện lãnh đạo xã Nhã Nam cho rằng một phần do người dân trong xã không đổ đúng nơi quy định. Bên cạnh đó, địa bàn này có nhiều phương tiện trung chuyển đưa gia súc, gia cầm lên Lạng Sơn, một số thương lái lén lút vứt xác lợn, gia cầm. 

{keywords}

Rác thải đổ ven quốc lộ 31 đoạn qua thôn Mẫu Sơn, xã Chu Điện (Lục Nam).

Ông Nguyễn Văn Bích, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Cách đây hơn một tuần, xã huy động lực lượng chôn lấp, tiêu hủy hơn 30 con lợn ốm chết do thương lái lợi dụng đêm tối trút xuống bãi rác. Từ đầu năm đến nay, ngân sách xã đã chi hàng chục triệu đồng xử lý rác, chôn lấp xác động vật tại các điểm phát sinh rác thải”. Bên cạnh đó, xã thành lập tổ tuần tra, phát hiện, cảnh cáo hàng chục trường hợp; xử lý vi phạm hành chính 2 trường hợp vứt rác không đúng quy định. Cụ thể, trong tháng 2, xã xử phạt hành chính 500 nghìn đồng đối với ông Đào Văn Bằng, xã Đại Hưng, huyện Khoái Hưng (Hưng Yên) vì đổ cam hỏng. Giữa tháng 3, bà Nguyễn Thị Thùy, thôn Tiến Phan 1 chở rác với lượng lớn bằng xe tự chế đổ tại đây bị xử phạt 3 triệu đồng. Hiện xã Nhã Nam đang lập dự án xây lò xử lý rác thải tập trung trên diện tích hơn 2.500 m2. 

Rác thải lấn đường, cản trở lòng kênh

Tỷ lệ thu gom, xử lý rác toàn tỉnh đạt hơn 65%. Tuy nhiên, việc xả rác bừa bãi, không đúng nơi quy định vẫn xảy ra ở nhiều nơi. Ước tính sơ bộ, toàn tỉnh hiện còn khoảng 100 điểm tồn lưu rác thải chưa được xử lý, gây ô nhiễm môi trường.     

Nguồn: Sở Tài nguyên và Môi trường

Đến huyện Lục Nam, Lục Ngạn đều dễ dàng bắt gặp những đống rác chình ình lâu không được thu gom, vận chuyển. Rác đổ đống ngập đường làng, ngõ xóm, thậm chí lấn cả lề quốc lộ, tràn xuống kênh mương, ao hồ… Dọc quốc lộ 31, đoạn qua xã Phương Sơn, Chu Điện (Lục Nam) dài chừng vài km có tới 3-4 đống rác lớn, nhỏ ven đường. Rác gây ô nhiễm môi trường và làm xấu cảnh quan. Ven quốc lộ 37, đoạn qua xã Cẩm Lý và tại đầu cầu Cẩm Lý cũng có những điểm chứa rác lưu cữu lâu ngày. Ông Đặng Văn Thự, Chủ tịch UBND xã Cẩm Lý cho biết, nhiều ngày nay, cùng với việc huy động các tổ chức đoàn thể thu gom, xã còn cử cán bộ trực để ngăn chặn việc đổ rác bừa bãi. Song nhiều người dân vẫn tranh thủ sáng sớm, chiều tối mang rác ra vứt. Tại các xã: Chu Điện, Bắc Lũng, Khám Lạng cũng xảy ra tình trạng tương tự như vậy từ nhiều năm nay. Thậm chí, rác tràn xuống lòng kênh Yên Lại làm ô nhiễm nguồn nước, cản trở dòng chảy, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp.

{keywords}

Rác tràn lan dưới gầm cầu Cát, xã Nghĩa Hồ (Lục Ngạn).

Nhiều người dân ở thôn Ải, xã Phượng Sơn (Lục Ngạn) phản ánh, tình trạng đổ, đốt rác thải diễn ra trên địa bàn xã từ nhiều năm qua, khiến môi trường bị ô nhiễm nặng. Khi người ta đốt rác, khói đen, khí độc lại bay vào nhà, cho dù đóng kín cửa cũng không chịu được. Rác cũng chất thành từng đống lớn, lấn cả đường đi ở các thôn Phì, xã Phì Điền; thôn Áp, xã Tân Quang và thôn Núi Lều, xã Giáp Sơn và khu vực dốc cầu Lau giáp phố Biển, xã Biển Động. Thậm chí, nhiều hộ dân còn mang rác đổ xuống dưới chân cầu Cát, xã Nghĩa Hồ. Dưới gầm cầu, rác thải dân sinh, thùng xốp, thùng các-tông, bao tải, túi ni-lông ngập ngụa. Ngoài rác sinh hoạt, ở Lục Ngạn còn có bao bì, vỏ thuốc bảo vệ thực vật. Hầu hết các hộ dân sau khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đều vứt vỏ ngay tại vườn hoặc xếp thành đống dưới gốc cây. Thực trạng này có chiều hướng gia tăng khiến môi trường bị ô nhiễm. 

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, tình trạng trên xảy ra trước hết là do người dân chưa có ý thức bảo vệ môi trường, không ít hộ có tâm lý cứ vứt rác xa nhà mình là được. Bên cạnh đó, nhiều xã chưa quan tâm huy động các ban, ngành, đoàn thể thu gom rác thải; tổ chức thu phí vệ sinh để duy trì hoạt động thường xuyên của tổ vệ sinh môi trường. Tại một số xã, huyện chưa quy hoạch, xây dựng, cải tạo kịp thời bãi rác thải tập trung. Do đó, người dân thiếu các điểm đổ rác dẫn tới xả bừa bãi ra đường làng, ngõ xóm, ao hồ. Đơn cử như tại huyện Lục Ngạn, hiện nay, bãi rác tập trung của huyện đã quá tải trong khi địa phương chưa xây dựng được bãi rác mới nên vẫn khó khăn về chỗ tập kết, xử lý.  

(Còn nữa)

Trịnh Lan - Hải Minh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...