Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 28 °C / 27 - 38 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Nhịp cầu bạn đọc
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Vụ chặt phá rừng trồng tại xã An Lạc (Sơn Động): Lỗi từ hai phía

Cập nhật: 08:37 ngày 21/04/2017
(BGĐT) - Mới đây, Báo Bắc Giang nhận được thông tin anh Dư Văn Toàn (SN 1988), trú tại thôn Dõng, xã An Lạc, huyện Sơn Động (Bắc Giang) phản ánh về việc Công ty TNHH Đức Thắng tự ý chặt phá hơn 0,83 ha keo của gia đình anh. Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy để xảy ra vụ việc trên, trách nhiệm thuộc về cả phía doanh nghiệp (DN) và người dân.
{keywords}

Sau khi bị chặt hạ 15 ngày, nhiều cây keo vẫn nằm ngổn ngang tại hiện trường.

Sáng sớm ngày 1-4, anh Dư Văn Toàn ra thăm rừng keo tá hóa phát hiện hơn 0,83 ha keo 3 năm tuổi của gia đình đã bị chặt hạ. Đáng chú ý, 21 giờ đêm hôm trước, khi có mặt tại đây, anh vẫn thấy khu rừng xanh tốt. Ngay sau đó, anh Toàn có đơn gửi chính quyền các cấp và cơ quan chức năng tố cáo Công ty TNHH Đức Thắng, trụ sở tại xã Tân Thịnh (Lạng Giang) tự ý chặt phá diện tích keo của gia đình. Qua xác định ranh giới thực địa giữa đất đang sử dụng của gia đình anh Toàn và Công ty, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Sơn Động xác định, trong số hơn 0,83 ha rừng bị chặt có hơn 0,63 ha nằm trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) của DN Đức Thắng. Như vậy, Công ty đã phá hơn 0,2 ha rừng của người dân. Trung tá Đinh Quang Hiệp, Trưởng Công an huyện Sơn Động cho biết: “Sau khi làm việc, chúng tôi yêu cầu hai bên tự thỏa thuận hòa giải, bồi thường việc chặt phá cây keo. Nếu DN và người dân không tự hòa giải được, đơn vị sẽ làm rõ hành vi sai phạm để xử lý theo quy định của pháp luật, đồng thời đề nghị các bên gửi đơn đến Tòa án để giải quyết tranh chấp đất đai”.

{keywords}

Trong vụ việc này, người dân cũng có lỗi khi đã thu hoạch xong diện tích rừng theo hợp đồng kinh tế 661 lại tiếp tục trồng đợt mới mà không giao lại đất cho DN. Còn phía DN, lẽ ra, vào thời điểm trước khi người dân thu hoạch hoặc trồng mới phải cử người phối hợp với chính quyền địa phương đến gặp các hộ dân cũng như thông báo trên hệ thống loa truyền thanh về việc yêu cầu trả lại đất cho DN".


Ông Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Sơn Động

Khi phóng viên đến hiện trường, hàng trăm cây keo vẫn nằm ngổn ngang. Những ngày qua, ông Dư Văn Thành (bố đẻ anh Toàn) cùng những thành viên trong gia đình thường xuyên túc trực để bảo vệ hiện trường và ngăn DN đưa phương tiện, máy móc vào khai thác tại khu vực trên. Theo ông Thành, diện tích đất rừng của gia đình đã sử dụng từ năm 1982, không có tranh chấp. Đầu năm 2007, gia đình ông được Ban Quản lý dự án 661, Lâm trường Sơn Động số 1 (nay là Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Sơn Động) ký hợp đồng trồng rừng kinh tế từ nguồn ngân sách Nhà nước. Theo đó, gia đình được khoán gây trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng trồng sản xuất trên diện tích hơn 0,83 ha thuộc lô C, khoảnh 59 xã An Lạc. Hợp đồng ghi rõ, trong năm đầu, gia đình được hỗ trợ giống, vốn cũng như kỹ thuật chăm sóc; diện tích rừng này thuộc sở hữu của chủ hộ, được hưởng toàn bộ sản phẩm từ rừng trồng cho đến hết chu kỳ khai thác. Tháng 12 - 2007, Công ty TNHH Đức Thắng được Chủ tịch UBND tỉnh quyết định cấp giấy phép khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng thông thường tại mỏ đá làng Dõng. Ba năm sau, Công ty được UBND tỉnh cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, diện tích hơn 4,2 ha có thời hạn sử dụng đến ngày 26-11-2019, trong đó có 0,63 ha trùng với diện tích đất rừng gia đình ông Thành đang sử dụng.

Theo thông tin từ Công ty TNHH Đức Thắng, ngay sau khi có GCNQSDĐ, DN đã có công văn đề nghị UBND huyện Sơn Động can thiệp, giải quyết việc hộ ông Dư Văn Thành lấn chiếm đất trồng cây tại khu vực khai thác mỏ đá của Công ty. Tuy nhiên, do gia đình ông Thành đang trồng rừng theo hợp đồng chưa đến kỳ thu hoạch nên vụ việc vẫn chưa được giải quyết. Đến năm 2014, sau khi thu hoạch, gia đình ông Thành tiếp tục trồng keo trên diện tích trên nên DN chặt phá. Ông Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Sơn Động nói: “Trong vụ việc này, người dân cũng có lỗi khi đã thu hoạch xong diện tích rừng theo hợp đồng kinh tế 661 lại tiếp tục trồng đợt mới mà không giao lại đất cho DN. Còn phía DN, lẽ ra, vào thời điểm trước khi người dân thu hoạch hoặc trồng mới phải cử người phối hợp với chính quyền địa phương đến gặp các hộ dân cũng như thông báo trên hệ thống loa truyền thanh về việc yêu cầu trả lại đất cho DN. Đến khi cây đã lớn mới cho người chặt phá (không có sự chứng kiến của chính quyền và người dân địa phương - PV) gây thiệt hại cho nhân dân”. 

Liên quan đến vụ việc này, hiện UBND huyện Sơn Động đã yêu cầu UBND xã An Lạc đứng ra tổ chức để DN và người dân gặp gỡ, trao đổi. Ông Nguyễn Việt Ước, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Chúng tôi ủng hộ các DN đến địa phương để đầu tư sản xuất, kinh doanh và hợp tác sản xuất song phải bảo đảm hài hòa mối quan hệ với cơ sở, tuân thủ pháp luật. Hiện chúng tôi đã đề nghị cơ quan chức năng của tỉnh phối hợp đo lại thực địa, đối chiếu với bản đồ giao đất. Quan điểm chỉ đạo chung là phần diện tích đất trồng keo của hộ dân nằm trong diện tích đất của DN thì phải trả cho DN. Khi DN xâm phạm vào rừng trồng của người dân, chúng tôi sẽ chỉ đạo làm rõ và xử lý nghiêm vi phạm”.

Từ vụ việc trên cho thấy để hạn chế tranh chấp, người dân và DN đều phải có ý thức chấp hành các quy định về đất đai, cùng chung tay bảo vệ nguồn tài nguyên rừng, không vì lợi ích kinh tế trước mắt mà dẫn tới hành vi vi phạm.

Sơn Quang

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...