Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 28 °C / 26 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Nhịp cầu bạn đọc
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Hệ lụy từ những bản án phải hủy, sửa

Cập nhật: 08:54 ngày 16/08/2017
(BGĐT) - Thực hiện chủ trương cải cách tư pháp, ngành tòa án tỉnh Bắc Giang đã nỗ lực nâng cao chất lượng xét xử. Tuy nhiên, tình trạng án bị sửa, hủy, nhất là án dân sự vẫn còn, để lại nhiều hệ lụy.
{keywords}

Nhà đất anh Thành đã mua qua đấu giá nhưng hiện chị Thanh vẫn đang sử dụng.

Những phán quyết thiếu chặt chẽ

Vợ chồng ông bà Nguyễn Văn Sản, Nguyễn Thị Dần, tổ dân phố Đông Giang, phường Xương Giang (TP Bắc Giang) có thửa đất ở rộng 333,3 m2 được UBND xã (nay là phường) giao cho từ năm 1954. Hai ông bà có 7 con, trong đó chị Nguyễn Thị Thanh là con cả lấy chồng nơi khác. Năm 1993, ông Sản mất không để lại di chúc. Hai năm sau, chị Thanh ly hôn đưa con về nhà mẹ đẻ để ở, được bà Dần cắt một phần đất cho dựng nhà. Năm 1996, chị Thanh đưa mẹ 3 triệu đồng đề nghị viết giấy bán cho phần đất đang ở để tránh tranh chấp và được đồng ý.

Năm 2003, UBND TP Bắc Giang cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (CNQSD) 333,3 m2 đất cho bà Dần, gồm cả phần đất đã bán cho chị Thanh (diện tích 84,9 m2). Cách đây vài năm, hai mẹ con nảy sinh mâu thuẫn, bà Dần khởi kiện ra tòa đề nghị hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho con gái lập trước đó.

Quá trình giải quyết vụ án, Tòa án nhân dân (TAND) TP Bắc Giang xem xét chưa chặt chẽ, toàn diện. Thực tế có việc bà Dần chuyển nhượng đất cho chị Thanh và các đồng thừa kế khác của ông Sản không phản đối gì. Phần chuyển nhượng này nằm trong diện tích thuộc quyền sử dụng của bà Dần trong thửa đất sở hữu chung với ông Sản. Khi thu thập chứng cứ, tài liệu, TAND TP chưa làm rõ việc cơ quan chức năng cấp giấy CNQSD đất cho bà Dần có đúng trình tự, thủ tục hay không...

Tuy nhiên, tại phiên tòa dân sự sơ thẩm ngày 18-9-2013, Hội đồng xét xử TAND TP vẫn phán quyết hợp đồng chuyển nhượng đất lập năm 1996 giữa bà Dần và chị Thanh là vô hiệu; giao chị Thanh tiếp tục sử dụng 84,9 m2 đất đang ở nhưng phải thanh toán hơn 147 triệu đồng cho bà Dần quản lý (đại diện cho các đồng thừa kế của ông Sản). Bản án phúc thẩm số 14 ngày 24-1-2014, TAND tỉnh bác kháng cáo của chị Thanh, tuyên y án sơ thẩm. Án phúc thẩm có hiệu lực ngay sau khi tuyên. Do không có tiền trả bà Dần nên nhà đất chị Thanh đang ở bị Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) TP cưỡng chế thi hành theo đơn đề nghị của người thắng kiện.

Tương tự, liên quan đến vụ án tranh chấp tài sản thừa kế nhà và đất cha mẹ để lại tại đường Lý Thái Tổ, phường Trần Phú (TP Bắc Giang) giữa những nguyên đơn và bị đơn đều là anh chị em ruột, tòa án hai cấp cũng giải quyết chưa khách quan. Dù vụ án còn nhiều tình tiết chưa được làm rõ nhưng tòa cấp sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu của các nguyên đơn chia thừa kế theo di chúc. Ngược lại, tòa phúc thẩm lại căn cứ vào các tài liệu photocopy và việc nguyên đơn có nghĩa vụ chứng minh nhưng không chứng minh được để bác yêu cầu chia thừa kế của nguyên đơn.

Đây chỉ là hai trong số không ít vụ án bị hủy, sửa thời gian qua trên địa bàn tỉnh có phần lỗi từ phía thẩm phán như: Không thu thập kỹ các chứng lý, tài liệu liên quan, đánh giá chứng cứ, áp dụng pháp luật chưa đúng...

Khó khắc phục hậu quả

6 tháng đầu năm nay, TAND tỉnh xét xử theo thủ tục phúc thẩm 58 vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình. Kết quả: Y án 14 vụ, hủy án 12 vụ, sửa án 32 vụ việc.

Vụ tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa mẹ con bà Dần đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh trật tự địa phương và đến nay vẫn tiềm ẩn nhiều phức tạp. Tháng 9-2016, Ủy ban Thẩm phán, TAND cấp cao tại Hà Nội có quyết định hủy cả hai bản án dân sự sơ thẩm và phúc thẩm, giao hồ sơ cho TAND TP Bắc Giang xét xử lại. Lúc này cả bà Dần và chị Thanh đều đề nghị đình chỉ vụ án. Đến nay TAND TP Bắc Giang cũng chưa thể mở lại phiên tòa này.

Liên quan đến vụ án này, người thứ ba không thuộc các bên tranh chấp đang phải gánh nhiều thiệt hại, phiền toái đó là anh Phạm Văn Thành, ở xã Lương Phong (Hiệp Hòa). Tháng 4-2015, qua đấu giá, anh Thành mua được nhà đất của chị Thanh với giá hơn 300 triệu đồng và đã nộp đủ tiền và đã được UBND TP Bắc Giang cấp giấy CNQSD nhưng vẫn chưa được sử dụng tài sản đã mua. Vì sau khi bị cưỡng chế nhà, đất, chị Thanh đã phá khóa cửa vào ở lại trong ngôi nhà đã bán đấu giá và tiếp tục gửi đơn đề nghị xem xét lại vụ án.

Anh Thành bức xúc: “Tôi đã có đơn gửi nhiều nơi, tốn kém tiền của, thời gian cho vụ việc này nhưng không biết khi nào mới lấy lại được nhà đất đã mua". Về phía bà Dần, người thắng kiện trong phiên tòa phúc thẩm cũng cho biết tiền nhận được theo phán quyết của tòa hiện đã tiêu hết, không còn khả năng chi trả (?!).

Đối với vụ tranh chấp chia thừa kế tại phường Trần Phú, tháng 3-2017, TAND cấp cao tại Hà Nội đã tuyên hủy hai bản án sơ thẩm, phúc thẩm, giao TP Bắc Giang thụ lý xét xử lại. Tuy nhiên, sau khi án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật, bà Nguyễn Thị Thọ- bị đơn trong vụ án là người thắng kiện đã bán ngôi nhà và đất tranh chấp trước đó cho người khác. Người mua cũng đã được cấp giấy CNQSD đất. 

Theo ông Nguyễn Thành Bắc, Chi cục trưởng Chi cục THADS TP Bắc Giang thì án bị hủy khi bản án có hiệu lực pháp luật đã được thi hành xong dẫn tới nhiều hệ lụy pháp lý, như: Rất khó để khắc phục tình trạng ban đầu của tài sản tranh chấp; quyền, lợi ích hợp pháp của các bên tham gia tố tụng bị ảnh hưởng; công tác THA cũng như việc giải quyết hậu quả sau này càng khó khăn, phức tạp hơn.

Nhóm PV - CTV

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...