Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Nhịp cầu bạn đọc
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Thực hiện quy chế hoạt động của bộ phận một cửa, một cửa liên thông: Khắc phục tình trạng thiếu đồng bộ

Cập nhật: 11:34 ngày 08/11/2017
(BGĐT) - Thực hiện Quyết định số 711/QĐ-UBND ngày 4-12-2015 của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang ban hành quy chế thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính nhà nước (HCNN) trên địa bàn tỉnh, nhiều cơ quan, đơn vị đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần quan trọng cải cách thủ tục hành chính. Tuy vậy, qua hai năm thực hiện, ở nhiều nơi vẫn còn những khó khăn, hạn chế cần sớm khắc phục.
{keywords}

Người dân giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa xã Tân Lập (Lục Ngạn).

Ghi nhận tại cơ sở

Theo quy định hiện hành, bộ phận một cửa UBND cấp xã phải bảo đảm diện tích tối thiểu 40 m2, cấp huyện 80 m2; phòng làm việc có ghế ngồi chờ, máy vi tính, máy scan, máy in, tủ đựng tài liệu… song thực tế ở nhiều nơi, cơ sở vật chất còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu.

Do diện tích phòng làm việc khoảng 30 m2, chỉ đủ kê một dãy bàn cho cán bộ, công chức làm việc nên dù chỉ có 5-6 công dân đến giao dịch buổi sáng nhưng Bộ phận một cửa xã Đồng Vương (Yên Thế) đã khá lộn xộn, người đứng, ngồi tạo cảm giác bức bối. Ông Long Văn Tú, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Là xã miền núi, điều kiện kinh tế khó khăn nên việc đầu tư cơ sở vật chất phục vụ công tác cải cách hành chính (CCHC) đối với địa phương là bài toán khó. Bản thân Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND xã cũng không có máy vi tính riêng mà phải sử dụng chung với cán bộ chuyên môn". Tương tự, tại xã Tân Lập (Lục Ngạn), dù trụ sở làm việc của UBND xã được xây mới năm 2014 song diện tích của bộ phận một cửa cũng chưa đáp ứng yêu cầu.

Cũng theo Quyết định 711, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, với hồ sơ quá hạn trả kết quả, người đứng đầu cơ quan, tổ chức chuyên môn; Chủ tịch UBND cấp huyện, xã; người đứng đầu cơ quan, tổ chức theo ngành dọc cấp huyện phải có văn bản xin lỗi cá nhân, tổ chức. Văn bản phải nêu rõ lý do và thông báo rõ thời gian trả kết quả. Tuy vậy, từ tháng 5-2017 đến nay, các tổ kiểm tra do UBND tỉnh thành lập về CCHC, công nghệ thông tin... đã kiểm tra tại 6 huyện, 30 xã, phường, thị trấn và 12 sở ngành song hầu hết các cơ quan, đơn vị không thực hiện nghiêm quy định này. 

Ông Chu Huy Quang, Giám đốc chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Sơn Động cho rằng: Nhiều hồ sơ quá hạn một phần do cán bộ, công chức bộ phận một cửa đã trả đúng hạn song chưa kịp tích trên phần mềm, còn lại do các đơn vị tư vấn “ngâm” hồ sơ, nhiều diện tích đất cần thời gian để xác minh nguồn gốc, tình trạng hồ sơ nộp dồn vào một thời điểm dẫn đến chậm muộn. Dù vậy đến thời điểm hiện tại đơn vị chưa gửi văn bản xin lỗi trường hợp nào. Tình trạng này cũng diễn ra ở nhiều cơ quan, đơn vị khác.

Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu

Quyết định 711 ra đời nhằm mục đích thống nhất hoạt động cơ chế một cửa, một cửa liên thông của các cơ quan HCNN trên địa bàn tỉnh, tránh tình trạng mỗi nơi một kiểu. Theo đó, các điều kiện về diện tích, cơ sở vật chất, thiết bị làm việc của công chức trực tại bộ phận một cửa; quy trình giải quyết thủ tục hành chính; trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị thực thi công vụ được quy định rõ ràng. Ông Kiều Phương, Trưởng phòng CCHC (Sở Nội vụ) cho biết: Sau hai năm thực hiện Quyết định 711, tồn tại chủ yếu là cơ sở vật chất bộ phận một cửa cấp xã còn hạn chế. Nguyên nhân do nhiều địa phương khó khăn về điều kiện kinh tế nên chưa bố trí được kinh phí đầu tư. Cùng đó, người đứng đầu một số cơ quan, ngành chưa quan tâm đến công tác này. Còn tình trạng ngại, né tránh việc xin lỗi công dân do sợ ảnh hưởng đến kết quả xếp loại nhiệm vụ hằng năm của đơn vị.

Bên cạnh các địa phương gặp khó, nhiều nơi đã chủ động thực hiện các giải pháp để bảo đảm hoạt động của bộ phận một cửa. Ví như xã Tam Dị (Lục Nam), với dãy nhà làm việc cũ, mỗi phòng diện tích chỉ khoảng 25 m2, trên cơ sở hiện trạng trụ sở làm việc, năm 2015 UBND xã chọn hai phòng liền kề, phá thông bức tường ngăn để tạo không gian rộng cho cán bộ, công chức thực thi công vụ. Tại huyện Yên Thế, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Xác định CCHC là nhiệm vụ quan trọng, hằng năm huyện đều cân đối ngân sách, bố trí kinh phí đầu tư vào lĩnh vực này”. Tháng 8 vừa qua, UBND huyện đưa vào sử dụng bộ phận một cửa hiện đại, diện tích hơn 100 m2 cùng các trang thiết bị như: Máy bấm số tự động, bảng tra mã vạch, toàn bộ quầy tủ, bàn làm việc mới... 

Còn tại Trung tâm Hành chính công tỉnh, với các trường hợp hồ sơ quá hạn, Trung tâm gửi văn bản nhắc các sở, ngành; yêu cầu giải trình lý do. Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành văn bản đề nghị các cơ quan HCNN trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm Quyết định 711, trong đó nhấn mạnh việc thực hiện xin lỗi bằng văn bản đối với những hồ sơ giải quyết quá thời hạn. Đồng thời hướng dẫn công dân hoàn thiện hồ sơ, tránh tình trạng đi lại nhiều lần.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo tinh thần Quyết định 711, nhiều ý kiến cho rằng trước hết cần nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác CCHC; các địa phương quan tâm bố trí ngân sách đầu tư hạ tầng, trang thiết bị cho bộ phận một cửa; tăng cường kiểm tra tình hình thực thi công vụ của cán bộ, công chức kết hợp với thường xuyên mở các lớp tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Cơ quan chuyên môn của tỉnh, trực tiếp là Sở Nội vụ tiếp tục quan tâm đôn đốc các địa phương, đơn vị không thực hiện nghiêm quy định về quy trình giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

Nhật Tiến

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...