Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 23 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Nhịp cầu bạn đọc
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Xã Tân Dĩnh (Lạng Giang): Chưa thấu đáo trong xem xét, xác định hộ nghèo

Cập nhật: 08:52 ngày 03/01/2018
(BGĐT) - Nhà ở tạm bợ, 2/3 con nhỏ bị bại não, tật nguyền, bản thân chị Viên phải phẫu thuật hai lần nhưng nhiều năm, gia đình không nằm trong diện hộ nghèo. Cho rằng cán bộ thôn chưa công tâm, khách quan khi bình xét hộ nghèo, chị Viên đã phản ánh đến cơ quan chức năng.
{keywords}

Hằng ngày, anh Hoan thường xuyên phải ở nhà phụ giúp vợ chăm sóc các con.

Trong đơn phản ánh, chị Bùi Thị Viên (SN 1977) ở thôn Tân Văn 3, xã Tân Dĩnh (Lạng Giang) trình bày: Từ năm 2009 trở về trước, gia đình chị nằm trong danh sách hộ nghèo. Từ đó đến nay, có một năm, thương hoàn cảnh chị, cụ Tính cùng thôn đã “nhường tiêu chuẩn”, năm 2015 chị sinh con thứ ba, lại phẫu thuật khối u nên được xét, những năm còn lại địa phương không đưa vào danh sách hộ nghèo dù hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn.

Tại buổi tiếp xúc, phóng viên ghi nhận thực tế vợ chồng anh chị Hoan-Viên có một quán cắt tóc khoảng 20 m2 xây cay, mái tôn, gian trong mượn hai bên tường hàng xóm, ghép tấm Fibro xi-măng cũ thành mái, chăng ni-lông chắn mưa, bụi làm nơi ăn ở, sinh hoạt của cả nhà. Thứ quý giá nhất của gia đình là chiếc xe máy và chiếc ti vi Daewoo cũ được họ hàng cho hơn mười năm trước.

Kể về hoàn cảnh, chị Viên nghẹn ngào cho biết: Năm 2002, chị nên duyên với anh Đinh Văn Hoan (cùng thôn), gia cảnh rất khó khăn nên vợ chồng phải thuê nhà ở. Hằng ngày, chị mở hàng cắt tóc, anh Hoan làm thuê tại một xưởng cơ khí. Hai năm sau, chị sinh bé trai đầu Đinh Ngọc Tấn nhưng không may bị bại não, 14 năm nay đặt đâu cháu nằm đấy. Con gái thứ hai 9 tuổi bị liệt tay phải, yếu và ngắn chân phải từ nhỏ, phải rong ruổi các bệnh viện tỉnh, T.Ư điều trị vật lý trị liệu chống teo cơ, bản thân chị phẫu thuật khối u hai lần. Năm 2010, để đỡ khoản thuê nhà, anh chị bán ruộng, vay thêm ngân hàng mua mảnh đất trong ngõ làm chỗ ở hiện tại.

{keywords}

Trong các đợt tập huấn, chúng tôi đều hướng dẫn các địa phương vận dụng linh hoạt trong rà soát, tính điểm xác định đối tượng nghèo. Quá trình thực hiện thấy còn trường hợp khó khăn thì cơ sở tiếp tục xem xét, bổ sung danh sách hằng tháng, bảo đảm không bỏ sót, lọt người nghèo”.


Ông Nguyễn Văn Ngọc, Trưởng Phòng Bảo trợ (Sở LĐ-TB&XH tỉnh)

Cho chúng tôi xem tập hồ sơ bệnh án dày cộm với hàng chục đơn thuốc chống teo cơ, bại liệt, bổ thần kinh của hai con, chị Viên nói trong nước mắt: “Bao năm chúng tôi không thoát được đói nghèo là vì con bệnh nặng chứ không phải do lười lao động, ỷ vào chính sách ưu đãi của nhà nước”. Chị cho biết thêm, tuy có nghề phụ nhưng hàng chục năm nay vợ chồng thay nhau trông nom, chạy chữa bệnh cho con, trung bình mỗi tháng anh chỉ đi làm được mươi công, chị tối mắt việc nhà, lại không học nâng cao tay nghề nên họa hoằn mới có người quen đến cắt tóc, gội đầu ủng hộ 10-15 nghìn đồng. “Vậy mà cán bộ thôn, xã bảo chúng tôi thu nhập mấy triệu một người. Mới đây, địa phương chấm điểm xác định gia đình tôi nhà cửa đàng hoàng, có tủ lạnh mà thực tế không phải vậy. Ở đây ai cũng biết gia cảnh tôi rất khốn khó”, chị Viên nói.

Trò chuyện với chị Đỗ Thị Thảo, Nguyễn Thị Hoàn, nhà liền kề với chị Viên, hai chị đều bày tỏ thương cảm: Anh chị ấy con tàn tật quanh năm đi viện, ăn uống còn kham khổ nói gì đến cải thiện nhà ở. Năm trước, anh Hoan ôm con vào tận nhà một thầy lang ở Nghệ An chạy chữa. Chúng tôi chẳng ai bảo ai, người góp 5 chục, người một trăm hỗ trợ chi phí dọc đường...

Làm việc với các ông, bà: Đào Văn Dư, Chủ tịch UBND và Nguyễn Thị Nga, cán bộ Lao động-Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH) xã Tân Dĩnh; Vũ Văn Thanh, Bí thư Chi bộ và Lưu Văn Sửu, Trưởng thôn Tân Văn 3, chúng tôi được giải thích: Theo ước tính của địa phương, những năm trước xác định hộ nghèo theo thu nhập, gia đình chị Viên có nghề phụ, mỗi vợ chồng làm một tháng vài triệu, chưa kể hai con tàn tật đang hưởng chế độ bảo trợ xã hội sẽ vượt ngưỡng nghèo. Đến giai đoạn 2016-2020, Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn quy trình rà soát hằng năm theo tiêu chí tiếp cận đa chiều, gia đình đạt điểm cao nên không thể “lọt” vào danh sách hộ nghèo.

Thực tế các con của vợ chồng anh Hoan, chị Viên bị tàn tật, phần lớn thời gian của hai vợ chồng phải tập trung chăm sóc, chữa bệnh cho con. Ngoài ra, theo thông tin từ chương trình Tư vấn Luật Dân sự trực tuyến 24/7: 1900 6172, khoản trợ giúp xã hội thường xuyên cho người khuyết tật không tính vào thu nhập bình quân đầu người để rà soát hộ nghèo (quy định tại Điểm b Khoản 2.2 Phần 2 Mục III Phụ lục số 3d  của Thông tư số 17/2016 của Bộ LĐ-TB&XH). Bên cạnh đó, hai năm qua, việc rà soát theo thang điểm, nơi ở tạm bợ của anh chị Hoan-Viên được tính là nhà ở bằng vật liệu bền chắc (trong khi theo quy định, vật liệu chính của tường nhà, cột nhà phải bằng bê tông, gạch, đá, xi-măng, gỗ bền chắc), rồi cộng điểm xe máy, ti vi đã cũ nát, gần như không còn giá trị là chưa hợp lý. Trường hợp này, nếu linh hoạt và công tâm hơn, hẳn gia đình anh chị đã ở danh sách hộ nghèo.

Thiết nghĩ, xã Tân Dĩnh cần rà soát, xác định lại các tiêu chí đối với hộ chị Viên sao cho thấu tình đạt lý, kịp thời bổ sung vào danh sách hộ nghèo trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Qua đây, tạo thuận lợi để những hoàn cảnh khó khăn được thụ hưởng đầy đủ chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, cũng là bảo đảm mục tiêu công bằng và an sinh xã hội.

Thu Hằng

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...