Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Nhịp cầu bạn đọc
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Xã Đức Thắng (Hiệp Hòa): Lò mổ gia súc xây dựng trái quy hoạch, nguy cơ ô nhiễm môi trường

Cập nhật: 09:13 ngày 17/01/2018
(BGĐT) - Lò mổ gia súc, gia cầm tập trung xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường khu dân cư. Đó là phản ánh của người dân về cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm của hai ông Lê Văn Hưng, Nguyễn Văn Quý tại thôn Phúc Thắng, xã Đức Thắng, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang).
{keywords}

Cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm ở thôn Phúc Thắng, xã Đức Thắng.

Đầu năm 2017, hai ông Lê Văn Hưng, Nguyễn Văn Quý ở xã Hoàng An liên kết với ông Đinh Văn Đông, thôn Phúc Thắng, xã Đức Thắng xây lò giết mổ gia súc, gia cầm tập trung. Lò mổ đặt trên đất của hộ ông Đinh Văn Đông. Dây chuyền có công suất giết mổ 30-50 con lợn/giờ, được đầu tư theo công nghệ tiên tiến hiện đại. Đi vào hoạt động khoảng ba tháng nay song sự tồn tại của lò mổ tập trung này lại gây lo lắng, băn khoăn cho người dân địa phương.

Ông Nguyễn Đức Nam, Phó Bí thư chi bộ, Phó trưởng thôn Phúc Thắng nói: Khu vực tiếp giáp với đất của hộ ông Đông vài năm trước được UBND huyện quy hoạch khu dân cư, hơn 100 lô đất tại đây đã chuyển giao cho hộ gia đình, cá nhân làm đất ở. Khi cơ sở hạ tầng xây dựng xong, người dân sẽ ra định cư. Cách đây vài tháng, thấy lò giết mổ gia súc, gia cầm quy mô lớn “mọc” lên cạnh khu dân cư mới, ông Nam và nhiều người dân trong thôn không khỏi băn khoăn: “Dù cơ sở này áp dụng kỹ thuật tiên tiến, nhưng với công suất mổ hàng trăm con lợn mỗi ngày, về lâu dài nguồn nước, môi sinh xung quanh không tránh khỏi bị ảnh hưởng”.

Làm việc với phóng viên, ông Lê Văn Hưng, đại diện cơ sở giết mổ gia súc kể trên cung cấp các giấy tờ liên quan, như: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Giấy chứng nhận cơ sở  đủ điều kiện để sản xuất, kinh doanh giết mổ gia súc, gia cầm; Giấy khám sức khỏe cho công nhân. Về nguồn gốc thửa đất đặt lò mổ, ông Hưng cho biết ký hợp đồng mượn của hộ ông Đinh Văn Đông. Hợp đồng được UBND xã Đức Thắng chứng thực ngày 5-7-2017, ghi rõ diện tích mượn là 120 m2 đất ở. Theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ông Đông cung cấp thì gia đình chỉ có 120 m2 đất ở và hơn 2.350 m2 đất nông nghiệp liền kề. Phần lớn diện tích đất ở đã được sử dụng làm nhà từ nhiều năm trước. Mục sở thị thấy lò mổ được xây trên phần đất diện tích khoảng 400- 500 m2, phía sau là hầm biogas chiều sâu khoảng 3 m, rộng vài trăm m2 dùng để xử lý nước thải từ lò mổ. Toàn bộ khu đất trên sổ sách vẫn là đất hai lúa hộ ông Đông đang sử dụng.

Tại Quyết định số 574 ngày 25-4-2013 của Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt “Quy hoạch cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh đến năm 2020”, xã Đức Thắng (Hiệp Hòa) không có điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung.

Ông Nguyễn Đức Khoa, Chủ tịch UBND xã Đức Thắng cũng thừa nhận mảnh đất đang đặt lò giết mổ gia súc, gia cầm tại thôn Phúc Thắng là đất nông nghiệp, chưa được chuyển sang đất phi nông nghiệp. Do địa điểm xây dựng lò mổ cách xa UBND xã nên địa phương phát hiện thì chủ cơ sở cơ bản xây dựng xong (?!). Hiện UBND xã đã tổ chức kiểm tra, lập biên bản và báo cáo UBND huyện về sự việc này để chờ hướng dẫn giải quyết. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, đại diện Ban quản lý thôn Phúc Thắng nói rằng, khi phát hiện hộ ông Đông cho mượn đất trồng lúa làm lò mổ, thôn đã báo cáo lên xã nhưng không thấy chính quyền có động thái gì.

Được biết, hiện mỗi ngày cơ sở giết mổ vài chục con lợn. Lý giải về việc làm sai quy hoạch, thủ tục, ông Lê Văn Hưng nói: “Dây chuyền mới đang hoạt động thử nghiệm thôi, nếu hiệu quả, chúng tôi sẽ hoàn thiện các thủ tục còn thiếu trong thời gian tới”. Theo quy định của Luật Thú y và các văn bản hướng dẫn liên quan, địa điểm cơ sở giết mổ động vật tập trung phải được xây dựng theo quy hoạch của chính quyền địa phương (phải nằm trong quy hoạch được UBND cấp tỉnh phê duyệt và được cơ quan có thẩm quyền cấp phép). Địa điểm phải cách biệt tối thiểu 500 m với khu dân cư, trường học, bệnh viện, nơi thường xuyên tập trung đông người và các nguồn gây ô nhiễm khác; có hệ thống xử lý nước thải, chất thải bảo đảm an toàn dịch bệnh… Đối chiếu với các quy định, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm của ông Nguyễn Văn Quý không chỉ vi phạm pháp luật xây dựng, phá vỡ quy hoạch sử dụng đất tại địa phương mà về lâu dài còn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước cho khu dân cư mới của thôn Phúc Thắng.

Đề nghị UBND huyện Hiệp Hòa và các cơ quan liên quan sớm kiểm tra giải quyết vụ việc một cách nghiêm túc, thấu đáo. Nếu xác định cơ sở giết mổ trên gây ảnh hưởng môi trường, không được người dân đồng thuận cần di chuyển khỏi khu dân cư. Quá trình giải quyết quan tâm hướng dẫn, tạo cơ chế thuận lợi cho cơ sở chọn địa điểm thích hợp, phù hợp quy hoạch, góp phần bảo vệ môi trường, phòng ngừa dịch bệnh và nâng cao chất lượng sản phẩm động vật trên địa bàn.

Thùy Ninh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...