Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 26 - 35 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Nhịp cầu bạn đọc
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Xã Tiến Thắng (Yên Thế): Đường bị chiếm dụng, nông dân để ruộng hoang

Cập nhật: 16:25 ngày 02/08/2019
(BGĐT) - Công dân thôn Tiến Trung, xã Tiến Thắng, huyện Yên Thế (Bắc Giang) phản ánh, hộ ông Lục Văn Phổ rào chiếm đường đi ra khu đồng Gốc Cọ. Hậu quả, nhiều hộ dân có ruộng ở khu vực này phải bỏ hoang vì không có lối vào sản xuất.

Ngang nhiên rào chiếm đường thôn

Tháng 5-2015, ông Lục Văn Phổ làm đơn gửi Tòa án nhân dân (TAND) huyện Yên Thế đề nghị xét xử, yêu cầu hộ ông Lý Văn Hồi phải trả lại 184 m2 đất lấn chiếm, trong đó có một phần là đất của hộ ông và một phần là đất đường đi của thôn. 

{keywords}

Đoạn đường ra đồng Gốc Cọ bị hộ ông Lục Văn Phổ rào chiếm làm đất vườn.

Trên thực tế, ranh giới phân định đất giữa hộ ông Hồi và ông Phổ là một con đường đất đã có từ rất lâu, người dân trong thôn dùng để đi ra khu đồng Gốc Cọ. Đường rộng 3m, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong thôn. Tuy nhiên đến đầu năm 2016 đoạn đường bị gia đình ông Phổ rào chiếm dụng.

Được biết, hộ ông Phổ khai phá, sử dụng mảnh đất đang ở từ năm 1955. Năm 2002, hộ ông được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (CNQSD) đất với diện tích 3.427m2. Tương tự, hộ ông Hồi cũng được cấp giấy CNQSD mảnh đất đang ở. Năm 2006, gia đình ông Phổ thuộc hộ nghèo, được Nhà nước hỗ trợ tiền làm nhà. 

Lúc này, ông Phổ nhờ cán bộ địa chính xã xác định ranh giới và phát hiện thửa đất bị thay đổi hình dạng so với bản đồ năm 1978. Ông Phổ cho rằng, khi ông Hồi xây nhà và làm tường rào đã lấn chiếm 184m2 đất, trong đó có 117 m2 là đường đi ra đồng Gốc Cọ và 67,7 m2 đất thuộc quyền sử dụng của hộ ông nên làm đơn kiện đòi đất.

Qua xem xét, đề nghị của ông Lục Văn Phổ bị TAND huyện Yên Thế bác bỏ tại bản án số 03 ngày 25-2-2016. Đáng chú ý, sau khi Tòa tuyên án, cả nguyên đơn, bị đơn đều không kháng nghị bản án. Nhưng sau khi bản án có hiệu lực, ngày 26-3-2016, ông Phổ rào khoảng 20m đoạn cuối con đường của thôn ra đồng Gốc Cọ và trồng cây ăn quả trên phần đất này. Từ đó, người dân có ruộng ở khu đồng này không còn đường đi(!?).

Chính quyền bó tay, người dân chịu thiệt

Ông Lê Đức Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Tiến Thắng thông tin: Tranh chấp giữa hai hộ đã xảy ra hơn chục năm nay. UBND huyện, xã đã giải quyết nhiều lần nhưng hộ ông Phổ không đồng ý. 

Khi hộ ông Phổ rào chiếm đường, chính quyền, các đoàn thể địa phương đã nhiều lần tuyên truyền, mời hai hộ lên hòa giải, thậm chí lập biên bản vi phạm, ra quyết định xử phạt hành chính hành vi rào đường dân sinh đối với hộ ông Lục Văn Phổ, đồng thời yêu cầu tự tháo dỡ rào, trả lại con đường cho thôn nhưng hộ vi phạm không chấp hành. 

Để bảo đảm việc đi lại sản xuất của nhân dân, UBND xã Tiến Thắng đã vài lần bố trí cán bộ hỗ trợ bảo vệ để người dân tháo dỡ rào, lấy đường vào làm lúc mùa vụ, nhưng quá trình thực hiện đều bị gia đình ông Phổ gây khó khăn, thậm chí lấy nước phân hất vào cán bộ tổ công tác. Khi đường thông, cán bộ xã về rồi, ông Phổ tiếp tục rào lại… 

Được biết thời gian qua, người dân thôn Tiến Trung đã nhiều lần kiến nghị giải tỏa con đường trên nhưng UBND xã và cơ quan chuyên môn huyện vẫn án binh bất động.

Hành vi lấn đường thôn của hộ ông Phổ đã gây thiệt hại cho gần 20 hộ có ruộng, bãi ở khu đồng Gốc Cọ. Không có đường đi, nhiều hộ phải bỏ ruộng hoang. Bà Nguyễn Thị Cửu, thôn Tiến Trung bức xúc nói: “Đến chính quyền còn bó tay thì người dân chúng tôi biết làm sao? Tôi có gần 3 sào ruộng ở đó, hơn 3 năm nay để cho cỏ mọc. Vì muốn trồng, chăm sóc lúa, hoa mầu ở khu đồng này phải đi vòng khoảng 2 km qua bờ ruộng của người khác rất vất vả. Có hộ ngại đi xa, nhờ chở lúa qua vườn nhà ông Phổ thì họ yêu cầu phải trả tiền. Một số hộ đã nộp tiền mua đường đi với giá 100 nghìn đồng/sào”. 

Anh Thêm, hộ dân khác ở thôn Tiến Trung cho hay: “Gia đình có 3 sào đất ở đồng Gốc Cọ, trong đó 2 sào trồng bạch đàn. Có một sào trước trồng ớt, mỗi năm cho thu trên dưới 10 triệu đồng nhưng mấy năm nay phải chuyển sang trồng keo, bạch đàn. Dù vậy, tôi vẫn lo lắm, bởi đến lúc được thu hoạch chưa biết vận chuyển bằng cách nào?”.

Sớm trả lại đường cho dân

Tại bản án sơ thẩm số 03 của TAND huyện Yên Thế nêu rõ: Hộ ông Phổ lấy bản đồ đo đạc năm 1978 để làm cơ sở khởi kiện đòi đất là không chính xác. Bởi lẽ, bản đồ đo năm 1978 là cơ sở để Nhà nước xác định hình thửa, ranh giới cụ thể cho các hộ, còn diện tích được cấp cụ thể trong giấy CNQSD đất đối với từng hộ gia đình theo bản đồ chỉnh lý năm 2000 mới là căn cứ để các hộ có toàn quyền sử dụng. 

{keywords}

Nhiều thửa ruộng ở đồng Gốc Cọ phải bỏ hoang vì người dân không có đường vào sản xuất.

Trên thực tế, diện tích đất ở của hộ ông Phổ và hộ ông Hồi qua thời gian đều có sự biến động tăng lên. Riêng hộ ông Phổ tăng 2.493 m2 đất so với giấy chứng nhận được cấp năm 2002. Đáng chú ý, tại thời điểm làm thủ tục cấp giấy CNQSD, cả hai gia đình đều ký xác nhận hồ sơ đăng ký và không thắc mắc gì. Mặt khác, năm 1999 khi ông Hồi xây nhà và năm 2000 xây tường rào phân định đất với đường dân sinh, hộ ông Phổ cũng không có ý kiến gì. 

Hơn nữa, con đường ra đồng Gốc Cọ là đường đất, không phải bê tông hay đường nhựa, việc đi lại của người dân lâu dài qua nhiều năm làm xáo trộn về hình thể. Tuy nhiên việc thay đổi không làm mất đi hoàn toàn hoặc nhân tăng diện tích mà chỉ là thay đổi về hình thái ban đầu theo quy luật tự nhiên… Do đó, việc hộ ông Phổ chỉ căn cứ vào bản đồ năm 1978, tự ý rào chiếm đường dân sinh trồng cây là trái pháp luật.

Đề nghị UBND xã Tiến Thắng, cơ quan chuyên môn huyện Yên Thế nghiên cứu, giải quyết dứt điểm vụ việc, sớm lấy lại con đường, tạo điều kiện cho người dân đi lại sản xuất nông nghiệp, kiên quyết không để tái diễn tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai, gây ảnh hưởng quyền lợi của người khác.

Chiếm dụng vỉa hè để bán hàng
(BGĐT) - Mặc dù UBND thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã nhiều lần ra quân giải tỏa lều quán lấn chiếm hành lang quốc lộ 31 qua địa bàn để kinh doanh. Tuy nhiên thời điểm này, tình trạng trên lại tái diễn và có chiều hướng gia tăng
Lấn chiếm đất công ở phường Dĩnh Kế: Vừa xử lý xong, lại tái phạm
 (BGĐT) - Báo Bắc Giang số ra ngày 14-3 có bài “Cần xử lý dứt điểm vi phạm lấn chiếm đất công”, trong đó nêu một số hộ dân lấn chiếm khu đất công phía sau Trường Quân sự tỉnh, thuộc tổ dân phố Phú Mỹ 1, phường Dĩnh Kế (TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang). 
Giải tỏa công trình lấn chiếm hạ tầng thoát thải và khắc phục úng ngập đô thị tại thành phố Bắc Giang
(BGĐT)- Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang) về tăng cường xử lý vi phạm hạ tầng phía sau khu dân cư, mới đây, một số phường, xã và đơn vị chức năng của thành phố đã tổ chức ra quân giải tỏa công trình lấn chiếm hệ thống thoát thải sau nhà dân và khắc phục tình trạng tắc cống rãnh, hố ga gây ngập úng tại một số khu vực.
Giải tỏa vi phạm hành lang an toàn giao thông: Khắp nơi tái lấn chiếm
(BGĐT)- Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Bắc Giang, các địa phương đều có kế hoạch chi tiết xử lý vi phạm hành lang an toàn giao thông (ATGT), kịp thời tháo dỡ các công trình vi phạm. Tuy nhiên, tình trạng tái lấn chiếm vẫn xảy ra đòi hỏi cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt hơn. 
Cần xử lý dứt điểm vi phạm lấn chiếm đất công
(BGĐT) - Việc quản lý đất đai chưa chặt chẽ dẫn đến không ít vi phạm trên địa bàn TP Bắc Giang ảnh hưởng đến an ninh trật tự, mỹ quan đô thị, gây dư luận không tốt trong nhân dân.
Cần mạnh tay xử lý tình trạng phơi rơm, thóc lấn chiếm đường
(BGĐT) - Sau thu hoạch vụ mùa, bà con nông dân TP Bắc Giang (Bắc Giang) lại phơi rơm, thóc xuống lòng đường gây mất an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.

Tuấn Dương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...