Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Nhịp sống trẻ
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Còn đâu sự trong sáng của tiếng Việt

Cập nhật: 10:40 ngày 15/08/2014
(BGĐT) - Muốn thể hiện sự khác biệt, sành điệu, nhiều bạn trẻ thường giao lưu bằng ngôn ngữ pha tạp, biến tấu, đệm từ lóng thô tục.
{keywords}

Biến dạng tiếng Việt  

Tình cờ nghe nhóm học sinh trường THPT Thái Thuận (TP Bắc Giang) nói chuyện, tôi lạ lẫm như nghe ngôn ngữ nơi nào. "Kiểm tra Lý, ông được mấy điểm?" "8!" "Ái chà! Vãi lúa thế! Tôi được 5 thôi! Chán như con gián!" "Bao giờ kiểm tra Toán?" "Tuần sau"! "Thế à! Kinh vãi!"... 

Nhiều phụ huynh phản ánh, nghe con em nói chuyện mà không thể hiểu. Bất kỳ lúc nào chúng cũng sẵn sàng "vãi lúa", "vãi tè", "bồ kết", hay "hoành tá tràng"... Mỗi câu nói đều được ghép từ ngữ lạ lùng: “ Dạo này mày “lê văn luyện” ở đâu mà "xăm lốp" căng thế!", “Mai dịch”, chỗ này là chỗ ngồi của tao!", "Trà đá Hằng béo nhé, tao bao công"... Với cách ghép, thêm, bớt, biến tấu nửa Tây, nửa ta, giới trẻ cho “ra lò” nhiều thuật ngữ mới. 

Chẳng hạn như nếu làm việc gì đó nổi trội sẽ được gọi là “bá đạo”; hay bị ganh ghét thì nói rằng mình bị “gato” (ghen ăn tức ở); chỉ sự cay cú thì "a-kay", "chim cú"; chê bai từ chối điều gì đó thì "cá trê"; "ha- oai" nghĩa là tinh tướng; "lợn rừng" là dừng lại... Những từ ngữ này được các bạn trẻ "phát" ra rất nhuần nhuyễn, trơn tru nhưng hỏi ý nghĩa thì không giải thích được, chỉ là thấy các bạn nói thì đua nhau nói theo thành quen. 

Một số bạn trẻ cho rằng, bây giờ nói gì cũng phải có vần vè, nghe mới hợp thời, hợp bạn. Nhiều câu “thành ngữ kiểu mới” ra đời và lưu truyền rộng rãi, nào là: Phê như con tê tê, chuẩn không cần chỉnh, cướp trên giàn mướp, chảnh con cá cảnh, thần kinh giẫm phải đinh, không cười không phải là người, buồn như con chuồn chuồn, ác như con tê giác, nhỏ như con thỏ... 

Chị Giang, Tổ dân phố 7B, phường Trần Nguyên Hãn phàn nàn: Bình thường nghe thanh, thiếu niên dùng tiếng lóng, từ đệm, mình không quan tâm. Chỉ đến khi nghe con trai 12 tuổi  cũng sử dụng thành thục kiểu ngôn ngữ này mới giật mình. Hỏi cháu đi chơi ở đâu mà về muộn, cháu thản nhiên: "Đi đâu còn lâu mới nói". Mình mắng "Con vừa nói gì đấy? Đi tắm giặt ngay!" thì cháu cự lại: "Mẹ không phải xoắn!". Bị mẹ mắng, thằng bé im nhưng vừa đi vào nhà tắm vừa lầm bầm: Nhục như con trùng trục!!! Không biết xử lý thế nào bây giờ?

Đáng buồn hơn, nhiều bạn trẻ quen gọi bố mẹ bằng những từ ngữ: cụ khốt, ông bô, bà bô, ông già, bà già... Chưa kể, nhiều thanh, thiếu niên văng tục, chửi thề sau mỗi câu nói. Đi trên đường hoặc ở những nơi công cộng, thường xuyên bắt gặp các em mặc đồng phục học sinh nói chuyện đệm những câu chửi thề tục tĩu khiến nhiều người xung quanh ngỡ ngàng, khó chịu. 

Giáo dục từ nhiều phía 

Nhiều bạn trẻ cho rằng "sáng tạo" trong ngôn ngữ thấy thân mật gần gũi hơn. Tuy nhiên, càng ngày ngôn ngữ dạng này càng trở nên phổ biến trong giao tiếp và giới trẻ lạm dụng ở bất kỳ hoàn cảnh, môi trường nào thì thật đáng lo ngại.Thậm chí đang trở thành trào lưu đến nỗi nếu học sinh nào không sử dụng thì bị coi là lỗi thời, không sành điệu. Có ý kiến coi đây là một thứ “rác ngôn ngữ” làm “ô nhiễm” tiếng Việt, đánh mất bản sắc dân tộc. 

Nguyên nhân của tình trạng này là do tâm lý giới trẻ muốn thể hiện mình không lạc hậu, quê mùa, thích bắt chước và chạy theo phong trào, lại được tiếp nhận thông tin rộng rãi ở xã hội, trên mạng Internet. Đồng thời, việc sử dụng ngôn ngữ kiểu này không được nhắc nhở chấn chỉnh kịp thời từ phía gia đình, nhà trường. Chưa kể không ít phụ huynh còn "cổ suý", cười theo khi nghe con em nói ngôn ngữ lạ. 

Cô Ngô Thu Hương, giáo viên giỏi cấp tỉnh môn Giáo dục công dân, Phó Bí thư Đoàn trường THPT Yên Dũng 1 chia sẻ: "Học sinh bây giờ thích dùng tiếng lóng, từ đệm trong giao tiếp. Các em vô tư sử dụng trên các diễn đàn, nơi công cộng vì cho đó là bình thường, nói theo trào lưu mà không hiểu ý nghĩa. Nhà trường xử lý nghiêm việc văng tục, chửi bậy, từng kỷ luật một học sinh vi phạm lỗi này. Tuy nhiên, việc sử dụng từ lóng, từ đệm thì khó cấm triệt để. Khi nghe các em giao tiếp bằng ngôn từ lạ, tôi thường nhắc nhở và phân tích để học sinh hiểu rằng nói như vậy là không phù hợp với môi trường học đường". 

Để hạn chế tình trạng này rất cần sự phối kết hợp giáo dục giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó, sát sao nhất vẫn là phụ huynh học sinh nhắc nhở, uốn nắn kịp thời khi con em nói điều không hay bằng thái độ nghiêm khắc đi đôi với sự phân tích hợp lý giúp chúng tự nhận thức lời nói đúng mực thể hiện sự tôn trọng mình và những người xung quanh. 

Cùng đó, nhà trường tổ chức các diễn đàn, tọa đàm giáo dục đạo đức lối sống, trao đổi thảo luận về giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt... thu hút học sinh tham gia, góp phần định hướng cho các em có suy nghĩ và lời nói phù hợp.

Vi Lệ Thanh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...