Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 23 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Nhịp sống trẻ
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

“Không đâu bằng quê mình”

Cập nhật: 15:44 ngày 22/08/2014
(BGĐT) - Văn phòng Đoàn xã Chu Điện (Lục Nam) treo rất nhiều ảnh hoạt động, Bí thư Đoàn xã Phan Thị Huế (ảnh) nổi bật trong trang phục Đoàn, áo dài truyền thống. Vẫn nữ Bí thư đoàn ấy, nhưng ở phòng làm việc bộ phận quân sự, ảnh Huế lại nghiêm trang, mạnh mẽ trong bộ đồ dân quân tự vệ, khi đang huấn luyện võ thuật, lúc vác súng, ném lựu đạn… khiến tôi thật ấn tượng.

{keywords}

Duyên nợ với Đoàn

Tìm gặp Huế tại nhà chồng ở thôn Ngọc Mai, tôi nào biết em vừa sinh con được…4 ngày. Thấy tôi thoáng bối rối vì e làm ảnh hưởng đến sức khỏe, định cáo từ để dịp khác gặp lại thì Huế nhỏ nhẹ: “Chị đã đến nhà thì cứ ở lại. Em khỏe mà, vẫn tiếp chuyện được. Em đã từng làm báo nên biết chị vất vả thế nào mới đến được đây”. Thì ra, Huế là cựu sinh viên Trường Cao đẳng Phát thanh- Truyền hình Hà Nam. Em tâm sự: Tốt nghiệp tháng 9-2008 với kết quả học tập tốt, như bao bạn trẻ thế hệ 8X (Huế sinh năm 1987-PV), em cũng có mơ ước được làm ở một cơ quan báo chí Trung ương, Đài tỉnh hoặc nơi thành phố, đúng ngành nghề được đào tạo. 

Sự lựa chọn ở lại hay về quê công tác khiến em bao đêm mất ngủ. Thế rồi bước ngoặt khi em trở về quê hương Chu Điện, thử sức với công việc ở Đài Truyền thanh xã. Được mọi người khen ngợi, bố mẹ lại động viên chẳng đâu bằng quê mình, nghe bùi tai nên em ở lại, nhưng trong thâm tâm thì vẫn “nhấp nhổm” lắm chị ạ. Làm ở Đài truyền thanh xã một thời gian, thấy em có năng lực, khả năng tham mưu, tổng hợp, nhìn nhận đánh giá tốt nhiều vấn đề nên được chuyển sang làm cán bộ Văn phòng Đảng ủy xã. 23 tuổi, em vinh dự được kết nạp Đảng. 

Tại Đại hội Đoàn Thanh niên xã (tháng 4-2012), em được bầu là Bí thư khi vừa tròn 25 tuổi- trẻ nhất trong số 27 Bí thư Đoàn xã, thị trấn huyện Lục Nam.

- Là thủ lĩnh của hơn 2.300 đoàn viên, thanh niên trong xã, em có thấy “ngợp” không? -Tôi hỏi

Rất tự tin, Huế trả lời: 

- Em thấy bình thường chị ạ.

- Vậy em có bí quyết gì không ?

- Cũng chỉ là kế thừa và phát huy những ý tưởng, việc làm của các anh chị khóa trước thôi. Toàn người nhà mà chị, em sinh ra và lớn lên ở đây, cũng tiện cho công việc. Em cũng có ít nhiều kinh nghiệm khi ba năm sinh viên đều tham gia công tác Đoàn.

Nghe Huế kể về công việc, tôi thấy câu trả lời đó là có cơ sở. Là xã nông nghiệp, thanh niên Chu Điện định hình rõ ba nhóm lao động. Thứ nhất là thanh niên công nhân; thứ hai là làm ruộng, kinh tế trang trại; thứ ba là làm nghề phụ (chủ yếu mở xưởng hàn xì). Ở mỗi nhóm, Đoàn xã có cách quản lý, tập hợp khác nhau. Chẳng hạn nhóm làm nghề phụ và phát triển kinh tế trang trại, họ rất cần nguồn vốn, nhưng phải đúng thời điểm. Lúc họ đang “máu” làm ăn, đang rất cần vốn thì mình phải nhanh chóng giúp họ, chứ cứ trả lời “chờ để xét đã”, “thủ tục chưa xong đâu”… thì họ sẽ mất hứng, chán ngay. Nắm được nhu cầu này, Đoàn xã tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giải ngân hơn 2,2 tỷ đồng cho thanh niên vay, qua đó gắn kết họ với tổ chức. 

Hiện nay, Chu Điện có hơn chục hộ thanh niên mở xưởng hàn xì, mỗi hộ lại thuê từ 2-3 lao động; mấy chục hộ phát triển kinh tế trang trại với mô hình VRAC, thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng. 

Ở một lĩnh vực khác mà nhiều nơi kêu khó, đó là sinh hoạt Đoàn thường thưa vắng đoàn viên. Có nhiều lý do trong đó có việc thanh niên mải lo làm ăn kinh tế, ít có thời gian sinh hoạt. Sau khi tìm hiểu, Huế nhận thấy thanh niên thời nào cũng cần một sân chơi, cần sự khuấy động phong trào trên tinh thần tự nguyện. Một Bí thư Đoàn dù nghiệp vụ vững đến đâu, am hiểu nhiều thế nào, triển khai hoạt động tốt ra sao nếu không có sự trợ giúp đắc lực từ chính đoàn viên, thanh niên thì rất khó để lại dấu ấn. 

{keywords}

Phan Thị Huế huấn luyện võ thuật.

Vậy là, thay vì vận động, gặp gỡ vào ban ngày, Huế và BCH Đoàn xã đến với thanh niên vào buổi tối, ngày thứ Bảy, Chủ nhật. Năm nào cũng vậy, cứ chiều 30 Tết và Rằm Trung thu, dưới sự “chủ trò” của Đoàn xã, tất cả 8/8 chi đoàn nông thôn tổ chức liên hoan văn nghệ. Huế bảo, ngày 30 Tết, thanh niên nào chả có nhà, vậy là chúng em tổ chức sinh hoạt, trao học bổng cho con em trong xã có thành tích học tập tốt, kêu gọi, vận động sự đóng góp của mọi người. Hằng năm chúng em tổ chức hoạt động ca múa nhạc; tham gia hội trại thanh thiếu nhi toàn huyện. Để làm được điều đó, là Bí thư trước hết phải tiên phong. 

“Giải bóng đá thanh niên toàn huyện năm ngoái, đích thân em đi vận động đóng góp, chi hết 23 triệu đồng, vậy mà các gia đình ủng hộ gần đủ, có hộ ủng hộ 5 triệu đồng. Mừng lắm chị ạ, các hoạt động Đoàn của xã được người dân quan tâm, ủng hộ”- Huế chia sẻ. Rồi nội dung sinh hoạt phải thiên về hoạt động bề nổi, chú trọng nhiều hơn đến phần hội như: ca hát, khiêu vũ, từ đó khéo léo đan cài nội dung quán triệt nghị quyết, văn bản mới. Bằng cách làm này, từ chỗ chỉ tập hợp được 20% đến nay tỷ lệ này ở xã Chu Điện là 41,3% -  con số mơ ước đối với bất cứ tổ chức Đoàn nào ở nông thôn. 

 

{keywords}

Huế là cán bộ có năng lực, tuy còn trẻ nhưng em nhanh chóng tiếp cận với công việc, có nhiều sáng kiến, việc làm để “truyền lửa” cho thế hệ trẻ; tập hợp lực lượng thanh niên tham gia sinh hoạt đoàn; hỗ trợ, giúp đỡ đoàn viên thanh niên xóa đói, giảm nghèo, là tấm gương để tuổi trẻ noi theo”. 

----------------------------------------

Ông Nguyễn Đức Cẩm, Thường trực Đảng ủy xã Chu Điện.

Với những hoạt động đó, nhiều năm liên tục, Đoàn xã Chu Điện là một trong những đơn vị đứng tốp đầu phong trào thanh thiếu niên của huyện Lục Nam. Năm 2013, Phan Thị Huế được UBND huyện Lục Nam khen thưởng trong công tác xóa đói, giảm nghèo cho thanh niên.

Cô giáo Huế

Đó là cách gọi thân mật của các chiến sĩ dân quân dành cho Phan Thị Huế. Là Bí thư Đoàn kiêm Chính trị viên phó Ban CHQS xã Chu Điện, nhiệm vụ chính của Huế là giáo dục chính trị cho lực lượng dân quân xã. Huế tâm sự: “Phải soạn giáo án về quân sự, trực tiếp lên lớp giảng dạy, ban đầu em cũng lo lắm. May mắn là khi học ngành báo chí đã giúp em có được kỹ năng thuyết trình nhưng vẫn phải khắc phục nhiều bằng cách đọc, học và nghiên cứu sâu. Đọc nhiều để hiểu, mình hiểu mới giảng cho người khác hiểu được; học hỏi những người đi trước để có thêm kinh nghiệm thuyết trình. Còn nghiên cứu tình hình để có thêm kiến thức thực tế vận dụng vào bài giảng, biến những nội dung chính trị lý luận khô khan thành bài học sinh động, lý thú”. 

Huế “khoe”: “Ngày ở Trường, em tham gia các giải cầu lông, bóng đá, chạy… và lần nào cũng có giải thưởng. Năm 2013, huyện tổ chức hội thao dân quân tự vệ, ai ngờ đến ngày thi, vận động viên bị ốm không thể tham gia, bí quá em đành xung phong và xuất sắc giành giải Nhất. Rất tiếc là hôm đó không có tấm ảnh nào lưu lại khoảnh khắc ấy chị ạ”. Trong những đợt huấn luyện, nhìn ảnh Huế vác súng, đeo vật dụng, đánh võ, chạy… không kém gì nam giới khiến tôi thật khâm phục.

Vị quê hương

Chia tay Huế đã gần trưa, Huế nằng nặc mời tôi ở lại dùng cơm với gia đình. Em bảo, chẳng phải đi chợ đâu chị à, gà, cá, chim bồ câu nhà em đều tăng gia được, rau thì khỏi phải nói, loại nào cũng có. Tiễn tôi ra tận cổng, Huế còn kịp giới thiệu về gia đình: Chị thấy đấy, diện tích vườn đồi nhà em rộng gần 1 mẫu, tha hồ tăng gia. Ngoài cấy ba sào lúa, gia đình em còn làm vườn đồi, trồng cây ăn quả. Với mức lương làm việc ở xã là 3,6 triệu đồng/ tháng, cộng với thu nhập từ chồng làm công nhân gần nhà, cuộc sống như vậy là ổn rồi phải không chị. 

Nhìn cơ ngơi đàng hoàng của gia đình (vợ chồng Huế ở cùng mẹ chồng), hai con một gái một trai, nghe em kể về công việc, về cuộc sống của một cán bộ ở xã, tôi tin sự lựa chọn về quê làm việc của em là đúng đắn.

Thu Phong

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...