Thứ năm, 18/04/2024
Bắc giang 24 °C / 24 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Nhịp sống trẻ
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Teen Việt và “bệnh” nói dối

Cập nhật: 16:22 ngày 18/09/2014
Nói dối đang trở thành thói quen xấu dẫn nhiều teen đến lối sống thiếu trung thực, hư hỏng...

{keywords}
Ảnh minh họa.

Chị Nguyễn Ngọc Lan (40 tuổi) trú tại huyện Thanh Oai, Hà Nội có cậu con trai Hoàng Xuân Hùng năm nay lên lớp 9. Cậu quý tử luôn khiến chị đau đầu mỗi khi họp phụ huynh. Chị Lan kể, từ ngày lên lớp 8 đến nay, rất nhiều lần cô giáo gọi điện thông báo Hùng thường xuyên nghỉ học với các lí do, hôm thì cáo ốm, lúc bảo nhà có việc… 

Chị Lan ngớ người vì ngày nào cũng đưa con trai đến lớp và thấy Hùng còn tất bật đăng kí học thêm cả ngoài giờ. Khi bị “chất vấn”, cậu con trai cứ đây đẩy chối, rằng đến lớp đầy đủ, chỉ ra ngoài giờ giải lao… 

“Lúc đầu, tôi nghĩ thằng bé ở tuổi này thường ương ngạnh, mải chơi, không làm bài tập, nói dối là chuyện bình thường. Thế nhưng sau khi tôi nói mãi, cô giáo khiển trách, bắt làm kiểm điểm, bị bố đánh mấy lần mà Hùng vẫn không chừa. Giờ phải kiểm soát thằng bé từng ngày”, chị Lan phân trần. 

Cũng đau đầu với cậu quý tử trong độ tuổi “ẩm ương”, anh Lê Minh Vương (45 tuổi) trú tại Long Biên, Hà Nội lúc nào cũng phải giữ bộ mặt lạnh lùng và nghiêm khắc với cậu con trai tròn 15 tuổi Lê Minh Tú. 

Mới lên cấp ba nhưng “cậu ấm” đã rất ăn chơi, hay đàm đúm bạn bè, chơi game, hút thuốc lá, bộc lộ nhiều hành vi xấu. Anh Vương không cho Tú nhiều tiền tiêu vặt. Mỗi khi có khoản đóng học là anh đến tận nơi nộp cho thầy cô. Tuy nhiên, bằng rất nhiều cách, lúc thì lấy cớ học thêm, sinh nhật bạn bè, ăn sáng… Tú xin tiền bố mẹ sau đó đi chơi game. 

Anh Vương ngao ngán giãi bày: “Tôi bận nhiều việc nên không kiểm soát được các hành vi của con, không ngờ thằng bé lại sinh thói “đi nói dối cha, về nói dối chú” nhanh như vậy. Tôi rất lo và đang tìm cách dạy dỗ làm sao để cháu ngoan ngoãn, trú tâm học hành”.

Không chỉ còn là tự phát… 

Cô học trò Trần Hoài Thương (SN 1998) đang là một học sinh rất ngoan hiền bỗng chốc “nói dối như cuội” vì chơi cùng nhóm bạn hư trong khu phố. Sau một thời gian lêu lổng, Thương học hành tụt dốc. 

Nghe các bạn trong nhóm truyền đạt kinh nghiệm về chiêu trò gian lận trong phòng thi, Hoài Thương học theo. Kì thi khảo sát chất lượng đầu năm học vừa qua, Thương thủ tài liệu vào phòng thi quay cóp nhưng đã bị phát hiện. 

Trên mạng xã hội facebook, giới trẻ còn lập ra nhiều diễn đàn như: “Hội những người thích nói dối”, “Hội những người thủ đoạn vô biên- độ điên vô đối- nói dối như siêu nhân”…thu hút hàng chục nghìn thành viên. Điều này thể hiện giới trẻ nói dối không chỉ còn là tự phát. 

Bạn trẻ Hà Tuyết Minh, sinh năm 1996, trú tại Sóc Sơn, Hà Nội chia sẻ: “Em đã từng nói dối thầy cô và bố mẹ vài lần. Mỗi lần nói dối, em đều cảm thấy rất xấu hổ và cuối cùng cũng bị phát hiện. Bây giờ, mỗi khi làm sai điều gì, em hít thở thật sâu, bình tĩnh “khai báo thành khẩn”, xin lỗi mọi người thì cảm thấy tâm lí thoải mái hơn nhiều”. 

Một số chuyên gia tâm lí cho rằng, nói dối lặp đi lặp lại sẽ trở thành một hành vi mất kiểm soát. Gặp chuyện nan giải, cần thiết phải nói dối cũng nói, không gặp chuyện nan giải gì cũng nói dối. 

Để chữa “căn bệnh” này của trẻ, các bậc phụ huynh, thầy cô giáo cần quan tâm, rèn giũa các em. Hãy nghiêm khắc, đúng mực, kể cả nếu cần cũng phải "vạch lỗi" vài lần "nắm tận tay day tận trán" để dạy dỗ con trẻ.


Theo Tuổi trẻ Thủ đô


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...