Thứ ba, 23/04/2024
Bắc giang 28 °C / 24 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Nhịp sống trẻ
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Cứ đi sẽ thấy con đường

Cập nhật: 10:29 ngày 24/10/2014
(BGĐT) - Từng loay hoay chọn nghề, đeo đuổi bao ước mơ nhưng rồi anh vẫn quyết định chọn chốn quê lập nghiệp. Không chỉ là Bí thư Chi đoàn năng nổ, nhiệt huyết, Đặng Văn Tuyến (SN 1985), thôn Đồng Cạn, xã Ngọc Vân, huyện Tân Yên (Bắc Giang) còn được biết đến là tấm gương tiêu biểu, nghị lực, sáng tạo trong lao động. 

{keywords}

Đặng Văn Tuyến (trái) chia sẻ kinh nghiệm nuôi chim trĩ cho thanh niên.

Tuổi trẻ nhiều ước mơ

Đến xã Ngọc Vân, hỏi đường vào nhà Đặng Văn Tuyến rất nhiều người biết bởi cái tên Tuyến "trang trại", Tuyến "chim trĩ", Tuyến "Vịt trời"... đã vang xa. Khuôn viên trang trại chăn nuôi tổng hợp này nằm sâu trong khu đất thoải cuối thôn Đồng Cạn được quy hoạch gọn gàng, thường xuyên có người đến tham quan, giao dịch. Trò chuyện với chủ trang trại mới biết để có cơ ngơi khang trang, Tuyến đã từng vun đắp và từ bỏ bao ước mơ của tuổi trẻ để gây dựng. 

Tốt nghiệp THPT năm 2003, cũng như bạn bè cùng trang lứa với bao khát vọng cho tương lai, Tuyến thi đỗ và theo học ngành cơ khí, Trường Cao đẳng Công nghiệp Thái Nguyên. Là con trai cả trong gia đình làm nông nghiệp đông con, cuộc sống khó khăn, Tuyến được đi học chuyên nghiệp đã là sự cố gắng lớn của cả nhà. Ba năm sau, cầm tấm bằng đi xin việc ở nhiều nơi nhưng đều bị từ chối. 

Chán nản, chàng thanh niên theo bạn lên Thái Nguyên, xuống Hải Dương, ra Hà Nội... làm công nhân, rồi lăn lộn làm thuê. Làm việc xa nhà, thu nhập thấp lại không ổn định, có lúc Tuyến nảy ý định theo học sư phạm để dễ có cơ hội việc làm, rồi lại nghĩ sẽ phấn đấu xuất ngoại kiếm tiền... 

Tuyến tâm sự: "Lúc ấy, 4 chị em đều đang học phổ thông, đại học, gánh nặng cơm áo gạo tiền do cha mẹ lo. Mình được học, đã ra trường lại chưa giúp được gì nên lúc nào cũng canh cánh phải làm điều gì đó cho gia đình. Một lần về quê nghe nói có người trồng cây ăn quả cho thu hàng chục triệu đồng mỗi năm, rồi nuôi cá, nuôi gà cũng lãi hàng trăm triệu đồng. Thế là mình quyết định từ bỏ những ước mơ, trở về quê hương lập nghiệp".    

Mỗi lần vấp ngã là một lần nên khôn       

Tuyến làm trang trại khi kinh nghiệm chưa có, tiền vốn cũng không mà chỉ có khát khao làm giàu, vài sào ruộng khoán và mấy sào ao đấu thầu của thôn. Năm 2008, Tuyến "gõ cửa" ngân hàng vay vốn nhưng bị từ chối vì không có gì làm bảo đảm. Không bỏ cuộc, anh tới từng người trong họ thuyết phục cho vay tiền phát triển kinh tế. Có ít tiền, anh cải tạo ao nuôi cá, chăn thêm đàn vịt, lứa lợn, vài chục con gà, chim bồ câu. Anh kể: "Khởi nghiệp muộn khi trong vùng có nhiều trang trại chăn nuôi, trồng trọt lâu năm quy mô lớn, thu nhập cao khiến sản phẩm của mình khó cạnh tranh, dễ bị ép giá. Cũng do chưa có kinh nghiệm sản xuất nên có lần đàn cá, lứa gà sắp cho thu hoạch bỗng nhiễm bệnh, thất thu, có khi đến kỳ bán sản phẩm giá xuống thấp lãi chẳng là bao. 

Làm trang trại như vậy không chắc phần thắng trong tay, gặp rủi ro "mất cả chì lẫn chài"". Đang loay hoay tìm hướng đi mới thì biết ở Hà Nội có mô hình nuôi chim trĩ đỏ cho thu nhập cao, Tuyến tìm đến tận nơi học hỏi kinh nghiệm, mua 20 con giống về nuôi.

Nhiều tháng "ăn ngủ" với giống vật nuôi mới và tìm hiểu trên mạng Internet, Tuyến biết trĩ đỏ là giống chim hoang dã được thuần phục nên có sức đề kháng cao, ít dịch bệnh, ăn ít, tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có như gạo, ngô, các loại rau xanh. Tuy nhiên, chúng không biết ấp trứng, khi trưởng thành, chim đực có thể mổ nhau đến chết nên "khổ chủ" phải mày mò học cách ấp trứng, cắt mỏ, làm kính nhựa đeo cho chim bảo đảm chúng có thể nhìn để ăn và uống nhưng không mổ nhau. Sau nhiều lần ấp nở thất bại, những lứa chim non đầu tiên ra đời tiếp thêm niềm tin cho chàng trai trẻ. 

Lại có người bảo nuôi vịt trời rất khó nhưng thị trường đang chuộng món này nên giá cao, Tuyến lại mày mò học cách nuôi, đầu tư giống, xây dựng khu nuôi. Giống vịt trời cũng có những đặc điểm mà qua nhiều tháng mày mò tìm hiểu, chủ trang trại áp dụng trong quá trình nuôi như thắp đèn đêm trong chuồng để chúng khỏi tìm cách rời xa, cắt cánh vịt trưởng thành, phối thức ăn hợp lý bảo đảm vịt lớn nhanh. Có lần đàn vịt trời gần 200 con xổng chuồng bay đi gần hết. 

Tuyến chia sẻ: "Nuôi con đặc sản thành công là việc khó, mỗi lần vấp ngã, mình tự nhủ đó là "học phí" để có kinh nghiệm quý. Khi có sản phẩm, việc tiêu thụ cũng không hề dễ dàng bởi nhu cầu không phải của khách bình dân. Mình lại học cách tiếp thị, tìm hiểu khách hàng, thị trường qua mạng, trực tiếp đến từng nhà hàng, khách sạn lớn ở Hà Nội, Lạng Sơn... chào hàng. Bây giờ có hàng, chỉ cần... alô là khách đến mua ngay". 

Những lứa chim trĩ đỏ, vịt trời làm cảnh, thương phẩm ngày càng nhiều, khách đến mua và đặt hàng ngày càng đông. Mỗi đôi chim trĩ đỏ làm cảnh có giá tiền triệu, chim thương phẩm 500 đến 700 nghìn đồng/con. Tính ra, chi phí nuôi các con đặc sản này chưa bằng nửa gà, vịt ta nhưng giá bán cao hơn 3 đến 4 lần. 

Từ năm 2011, Tuyến vay ngân hàng gần 100 triệu đồng tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi đàn chim trĩ bố mẹ lên 150 con, chim thương phẩm 500 con/lứa, vịt trời sinh sản khoảng 200 con. Trang trại mỗi năm thu lãi hơn 420 triệu đồng. Bây giờ thì chẳng phải đôn đáo đâu xa, "ông chủ" trẻ Đặng Văn Tuyến điều hành trang trại, giao dịch với khách hàng ở xa qua điện thoại, mạng Internet... tại gia, thuê thêm lao động cùng làm. 

Những niềm vui nhân lên  

Không chỉ cần cù, năng động trong phát triển kinh tế gia đình, chủ trang trại còn nhiệt tình, gương mẫu trong các phong trào ở xã, thôn. Năm 2011, Tuyến được tín nhiệm làm Bí thư Chi đoàn thôn, được kết nạp vào Đảng. Tháng 9 vừa qua, chủ trang trại Đặng Văn Tuyến vinh dự nhận Giải thưởng Lương Định Của năm 2014 dành cho thanh niên nông thôn có thành tích trong sản xuất, kinh doanh do T.Ư Đoàn trao tặng. "Dự lễ trao thưởng tại Hà Nội, mình được làm quen, trao đổi với nhiều chủ trang trại ở mọi miền Tổ quốc. Họ có nhiều cách làm hay, sáng tạo, liên kết để sản xuất mang lại thu nhập cao cho nhiều người. Mình cũng nghĩ về điều này, đã hướng dẫn nhiều người làm nhưng hiệu quả chưa rõ nét" - Tuyến bộc bạch. 

Kể từ khi trang trại "ăn nên làm ra", nhiều người đến học hỏi kinh nghiệm, mua con giống về thử nghiệm, Tuyến nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm. Năm 2013, Hội Nông dân xã gây dựng mô hình nuôi chim trĩ đỏ cho 10 hộ, Tuyến sẵn sàng "lên lớp" giúp mọi người thành công. Đoàn Thanh niên xã Ngọc Vân coi trang trại này là địa chỉ để đoàn viên tham quan, học tập về ý chí vươn lên của "ông chủ" trẻ và cách làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Với Đặng Văn Tuyến (ĐT: 0986418356), mở rộng trang trại của mình và có nhiều người cùng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đang là niềm mong ước hướng tới.

Bảo Khánh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...