Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 26 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Nhịp sống trẻ
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Chinh phục đỉnh cao bằng niềm đam mê

Cập nhật: 19:33 ngày 27/12/2014
(BGĐT) - Với đầu bài "đóng chiếc tủ đầu giường" trong ba ngày, em Trần Văn Huân (dân tộc Tày), học sinh lớp 12B, Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) - Dạy nghề Sơn Động (Bắc Giang) đã xuất sắc vượt qua hàng chục thí sinh để giành giải nhất Cuộc thi tay nghề giỏi ASEAN vừa tổ chức cuối tháng 10 tại Việt Nam. Từ một cậu học trò nghèo vùng cao, em đã chinh phục đỉnh cao bằng chính niềm đam mê và đôi tay khéo léo của mình.

{keywords}

Trần Văn Huân (ngoài cùng bên phải) tại cuộc thi tay nghề giỏi do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức (tháng 2 năm 2014).

Vượt lên gian khó

Trần Văn Huân sinh ra và lớn lên ở vùng núi cao đầy khó khăn - thôn Đồng Mặn, xã Vĩnh Khương (Sơn Động). Cả gia đình 5 nhân khẩu nhưng chỉ trông vào 4 sào ruộng nên bữa đói, bữa no. Lúc nông nhàn, bố mẹ Huân đi kéo gỗ thuê trên rừng hay làm thợ xây, phụ hồ quanh xóm. Quần quật quanh năm nhưng đói nghèo vẫn đeo bám. 

Gia cảnh khó khăn là vậy nhưng Huân vẫn nuôi chí đến trường. Con đường từ nhà em đến lớp là đường rừng hơn 6km. Những ngày mưa lũ, nước suối ngầm xoáy cuồn cuộn, không dám lội qua, Huân phải đi đường vòng xa hơn và vượt cầu khỉ cheo leo. Nhiều ngày đến trường học, quần áo em lấm bê bết bùn đất. Lớn lên, cảm nhận được nỗi vất vả của bố mẹ, ngoài buổi học, Huân phụ gia đình việc đồng áng, cơm nước. 

Cuối tuần, cậu học trò nghèo còn đi phụ vữa cùng bố để thêm thắt cho bữa ăn gia đình. Huân chia sẻ: "Năm vừa rồi, nhà em mới thoát nghèo".  Bố Huân cho hay, gia cảnh khó khăn nhưng cháu đã biết thương yêu, chia sẻ vất vả với bố mẹ. Huân là niềm hy vọng của cả gia đình. 

Sống nơi vùng đất xung quanh là rừng cây, núi đồi, Huân từng ấp ủ mơ ước lớn lên sẽ tìm một nghề để làm việc, gắn bó với quê hương. Chính vì vậy, học hết THCS, Huân theo học tại Trung tâm GDTX - Dạy nghề huyện với mục tiêu vừa học nghề, vừa học văn hóa. Vào đây, em đã đăng ký lớp "Gia công chế biến sản phẩm mộc" - một nghề mà em có cơ hội để thỏa niềm đam mê. 

Thành công từ sự kiên trì

{keywords}

{keywords}

Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên mơ ước của em là học thật thuần thục nghề mộc để sau này có thể làm giàu từ niềm đam mê của mình, đồng thời góp phần giúp gia đình và quê hương”. 


Em Trần Văn Huân 

Cùng học ở Trung tâm GDTX - Dạy nghề Sơn Động có hàng chục học sinh chọn nghề gia công chế biến sản phẩm mộc, riêng Huân có sự đam mê đặc biệt. Theo thầy giáo Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm, đơn vị đã chọn liên kết với Trường Cao đẳng nghề Công nghệ và Nông - Lâm Đông Bắc (Lạng Sơn)- cơ sở đào tạo nghề mộc có tiếng ở phía Bắc. Hàng ngày, vào giờ học nghề, Huân được giảng lý thuyết tại Trung tâm, riêng hai, ba tháng hè, em lên xưởng của trường tại Lạng Sơn để thực hành. 

Trong nghề mộc, Huân chọn học mộc mỹ nghệ. So với mộc dân dụng, mộc mỹ nghệ khó hơn nhiều, đòi hỏi người học phải có năng khiếu, sự kiên trì, nhẫn nại, tính sáng tạo nên lớp Huân chỉ có vài bạn theo học. Khác với bạn bè, khi hết giờ thực hành tại xưởng, buổi tối Huân lại một mình lên đó tự học. Vừa làm quen với hàng chục loại máy móc, em vừa kiên trì học cách vẽ họa tiết, lấy mực, làm mộng...

Không chỉ nắm bắt những điều thầy dạy, ngoài giờ, em còn “học lỏm” thêm môn điêu khắc. Huân tự mày mò khắc các con vật. Để khắc con hổ, em kiên trì thực hiện trong ba tháng. Có chi tiết khó như phải khắc mộng nhỏ vừa đủ sợi tóc chui qua, em phải thực hiện hàng giờ mới xong. 

Những khó khăn của cuộc sống, đòi hỏi khắt khe của nghề khiến Huân nhiều lúc muốn bỏ cuộc. Nhưng niềm đam mê cộng thêm sự động viên khích lệ của các thầy, cô giáo đã tạo động lực để em vượt lên.

Ba lần giành giải nhất

Thầy giáo Trần Văn Hân, Trưởng khoa chế biến gỗ, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ và Nông - Lâm Đông Bắc cho biết: “So với các học sinh khác, Huân có tố chất đặc biệt, rất nhanh nhạy với nghề mộc, có ý thức kỷ luật, khả năng đọc bản vẽ và hơn cả là thực sự say mê”. Huân đã được trường chọn đi dự Cuộc thi tay nghề giỏi do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức tháng 2-2014. Lần đầu tiên bước ra khỏi núi rừng đi "tỉ thí" với các anh tài trong cả nước, Huân chân thật bộc bạch: "Em vừa làm vừa run". Nhưng khi bị cuốn vào niềm đam mê, em đã vượt qua hàng trăm thí sinh và giành giải Nhất bằng chính đôi tay khéo léo. 

Tiếp tục được tham gia Cuộc thi tay nghề giỏi quốc gia vào tháng 5-2014, Huân lại một lần nữa "chinh phục vũ môn" với giải Nhất toàn quốc. Em đã vinh dự cùng một thí sinh khác đại diện cho cả nước ở môn mộc dân dụng và mỹ nghệ tham dự Cuộc thi tay nghề giỏi ASEAN vào cuối tháng 10 vừa qua. Bước vào cuộc thi, Huân thực sự áp lực trước các đội bạn với công nghệ hiện đại, kỹ năng nghề điêu luyện. Tuy nhiên, nghề này, ngoài sự hỗ trợ của máy móc còn đòi hỏi sự khéo léo, tinh tường của người thợ nên Huân có cơ hội bộc lộ tài năng. 

Với đề tài "đóng chiếc tủ đầu giường" thực hiện trong ba ngày, sản phẩm của Huân thực sự nổi bật bởi hình khối vuông thành sắc cạnh, vân hoa sắp xếp khéo léo, nghệ thuật. Em đã vinh dự vượt qua hàng chục thí sinh của 10 nước ASEAN giành giải Nhất. 

Huân tâm sự: "Cảm xúc lúc đó thật vinh dự và tự hào. Không hiểu sao lúc đó em chỉ muốn về ngay quê nhà để báo tin cho gia đình, người thân". Thông tin Huân giành giải cao nhất cuộc thi tay nghề làm rộn rã bản làng. Mọi người kéo đến nhà Huân chia vui. Hơn nữa, phần thưởng trị giá 15 triệu đồng từ cuộc thi là số tiền lớn nhất từ trước đến nay gia đình Huân có được. Từ món tiền này, lần đầu tiên, gia đình Huân sở hữu chiếc xe máy để cả nhà đi lại thuận tiện hơn.

Vươn ra biển lớn

Giành giải Nhất Cuộc thi tay nghề ASEAN lần thứ 10, Trần Văn Huân đã có "tấm vé" để tiếp tục cuộc thi tay nghề giỏi thế giới vào tháng 8-2015 tại Braxin. Tại lễ trao giải, Huân đã nhận được lời mời của nhiều đơn vị về làm việc với lời hứa hấp dẫn. Nhưng với em, con đường trước mắt còn nhiều thử thách. Em đang dồn sức học các môn văn hóa để vượt qua kỳ thi THPT vào tháng 5-2015. Theo thầy giáo Nguyễn Văn Sơn, Huân là học sinh chăm ngoan, có ý thức và học khá đều các môn văn hóa. Tin tưởng rằng, vượt qua cuộc thi này, em sẽ dồn sức đề ôn luyện cho kỳ thi quốc tế sắp tới.

Cuộc sống được ví như một mũi tên được lắp vào cánh cung. Khi những khó khăn kéo ta lại phía sau thì cũng chính là lực đẩy giúp bản thân bật lên đạt mục đích ở phía trước. Với Trần Văn Huân có thể điều này rất đúng. Em đã chọn được cách sống, vươn lên từ nỗ lực không ngừng của bản thân. Chúc cậu học trò tiếp tục chinh phục những đỉnh cao mới.

Hồng Hiếu

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...