Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 23 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Nhịp sống trẻ
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

GS Ngô Bảo Châu chia sẻ trải nghiệm hướng nghiệp

Cập nhật: 19:22 ngày 04/05/2017
Giáo sư (GS) Ngô Bảo Châu làm “nóng” hội trường buổi tọa đàm định hướng nghề nghiệp cùng các bậc phụ huynh và các em học sinh diễn ra tối 4-5 tại Hà Nội ngay từ giây phút mở màn với kỷ niệm vui về quyết định chọn nghề cắt tóc khi ông còn là học sinh cấp 2.

{keywords}

GS Ngô Bảo Châu và các em nhỏ xuất sắc ở trò chơi: “Nghề nghiệp hot trong 50 năm tới”.

Buổi Toạ đàm “Cùng con định hướng tương lai” được chủ trì bởi GS Ngô Bảo Châu - người sáng lập “Vườn ươm Tài năng” cùng các chuyên gia đầu ngành trong nhiều lĩnh vực đã thu hút sự quan tâm đông đảo của phụ huynh, học sinh Thủ đô.

Giáo sư Châu cho biết, trước đây các thầy cô giáo cấp 2 của ông ở Trường THCS Trưng Vương (Hà Nội) rất nhiệt huyết trong việc hướng nghiệp cho học trò. Nhưng cái khó là học sinh bấy giờ chỉ có 4 lựa chọn nghề nghiệp. Hai lựa chọn cho các học sinh nữ là nghề đan rổ và vá bít tất. Những học sinh nam như ông có thể chọn cắt tóc hoặc sửa dây đàn.

Cuối cùng, GS Ngô Bảo Châu đã chọn nghề cắt tóc thay vì sửa dây đàn. Buổi đầu tiên gặp gỡ CLB các học sinh chọn nghề cắt tóc, thầy giáo nói: “Theo thầy các em theo nghề cắt tóc thì không cần học lý thuyết đâu, cứ lao vào thực hành đi”. Vậy là nhóm có 6 bạn thì một bạn được chọn làm mẫu, 5 bạn còn lại lao vào cắt cho đến trụi, cắt xong thì giải tán.

Kể câu chuyện vui đáng nhớ về trải nghiệm hướng nghiệp đầu đời ở trường, GS Ngô Bảo Châu khẳng định ý tưởng hướng nghiệp của phụ huynh, thầy cô cho học sinh là rất cần thiết. Tuy rằng, để làm tốt hướng nghiệp thì tất nhiên không thể chỉ gói gọn trong 4 nghề cắt tóc, đan rổ, sửa dây đàn, vá bít tất. Sự lựa chọn nghề nghiệp thời nay của học sinh vô cùng phong phú.

Về cách thức hướng nghiệp, GS Ngô Bảo Châu nhấn mạnh “Tôi không tin hướng nghiệp bằng sách vở mà tin hướng nghiệp dựa vào sự kết nối con người”.

Theo đó, những khía cạnh cần thiết để có định hướng nghề nghiệp tốt trước tiên phải xuất phát từ việc lắng nghe sở thích, nguyện vọng của các con. Thứ hai là phải giúp các cháu gặp gỡ, trò chuyện với những người trong ngành có lòng yêu nghề, tài năng, có ước muốn chia sẻ và truyền lại lòng yêu nghề cho các cháu.

Cuối cùng và quan trọng nhất là tạo môi trường tăng cơ hội cọ xát, thử nghiệm/trải nghiệm nghề nghiệp mơ ước để các cháu có hình dung đúng hơn như thế nào là nghề kiến trúc, như nào nào là nghề nhà giáo, như thế nào là nghề bác sĩ…

Qua trải nghiệm, cháu có thể nhận thấy đó là nghề không phù hợp với mình nhưng cũng có thể cảm thấy tuyệt vời, được cuốn hút bởi cá tính, lòng yêu nghề và muốn theo đuổi thực sự. GS Ngô Bảo Châu cho rằng, đó chính là cách hướng nghiệp tốt - hướng nghiệp từ sự kết nối giữa con người với nhau.

Tại buổi tọa đàm, các bạn trẻ còn bị lôi cuốn bởi những chia sẻ của các chuyên gia khác trong việc hướng nghiệp. Qua những câu chuyện riêng, các chuyên gia khẳng định tầm quan trọng của phụ huynh trong việc định hướng con em chọn nghề nghiệp phù hợp nhất với bản thân.

“Tôi cho rằng, đó phải là cuộc đối thoại cởi mở giữa phụ huynh và con em mình. Và cần có thời gian khá lâu để dần dần các cháu tự tìm ra và lựa chọn đúng con đường của mình. Cuộc đối thoại đó nên thực hiện từ rất sớm”, GS Ngô Bảo Châu nói.

Theo Dân trí

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...