Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Nhịp sống trẻ
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Lấp khoảng trống cho trẻ nông thôn

Cập nhật: 07:00 ngày 23/06/2017
(BGĐT) - Trong khi ngày hè ở thành phố, thị trấn, trẻ em có nhiều điều kiện tiếp cận các dịch vụ vui chơi, giải trí thì ở khu vực nông thôn dường như còn khoảng trống. Do đó, để các em có sân chơi an toàn, bổ ích, rất cần sự chung tay của cả cộng đồng.
{keywords}

Trường Tiểu học Việt Lập (Tân Yên) và Đoàn xã phối hợp mở cổng trường học đón học sinh tham gia sinh hoạt hè.

Tìm “chốn” vui chơi

Đã bước vào kỳ nghỉ hè được vài tuần nhưng ngày nào em Nguyễn Văn Hiếu (SN 2005), thôn Quyết Chiến, xã Lão Hộ (Yên Dũng) cũng chỉ quanh quẩn xem ti vi. Hiếm lắm em và nhóm bạn mới có buổi chơi đá bóng, thả diều ở khoảng sân nhỏ gần nhà. Thế nhưng chơi đá bóng, thả diều mãi cũng chán, một số em rủ nhau lên trung tâm xã chơi game  ở một tiệm internet.

Có mặt bên bờ hồ Hàm Rồng, xã Nam Dương (Lục Ngạn) vào chiều 3-6, chúng tôi thấy nhiều em nhỏ đang bì bõm tắm, tập bơi. Dịp hè mấy năm gần đây, hồ Hàm Rồng trở thành điểm đến của nhiều người dân, trong đó phần lớn là các em nhỏ. Em Nguyễn Văn Nam (SN 2006), xã Quý Sơn cho biết, nhóm của em có 4 bạn, bạn biết bơi tự bơi ra xa, bạn chưa biết bơi mặc áo phao tắm ở gần bờ. Khi hỏi được ai dạy bơi, các em đều hồn nhiên trả lời: “Nhìn các anh chị lớn tập, chúng cháu bắt chước rồi biết bơi”. Theo bà Lê Thị Loan, nhà ở gần hồ, vào những ngày nắng, hồ trở thành địa điểm vui chơi ưa thích của trẻ em các xã Quý Sơn, Nam Dương, Thanh Hải, Trù Hựu. Trẻ em ở đây phải tự thích nghi với sông nước vì có muốn chơi trò khác cũng không có. Được biết, huyện Lục Ngạn hiện có một bể bơi và một khu vui chơi dành cho trẻ em ở thị trấn Chũ. Tuy nhiên do khả năng hạn chế cộng với khoảng cách xa xôi, đi lại khó khăn nên chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu vui chơi của các em nhỏ.

Toàn tỉnh hiện có hơn 208 nghìn trẻ độ tuổi từ 6 -15 song theo đánh giá, số em được tiếp cận với các dịch vụ vui chơi theo đúng nghĩa không đáng kể. Dù toàn tỉnh có gần 2 nghìn nhà văn hóa làng, thôn, bản, cụm dân cư, không ít nơi nhà văn hóa được xây dựng rất khang trang nhưng chủ yếu chỉ để phục vụ hội họp, sinh hoạt của người lớn. Vì thiếu điểm vui chơi, nhiều em tự tìm đến vui chơi ở những nơi thiếu an toàn và thiếu sự kiểm soát của người lớn.

Vai trò "nhà" tổ chức

Toàn tỉnh có gần 2 nghìn nhà văn hóa làng, thôn, bản, cụm dân cư, trong đó nhiều nhà văn hóa được xây dựng rất khang trang nhưng chủ yếu phục vụ hội họp, sinh hoạt của người lớn. Vì thiếu điểm vui chơi, lại không có người tổ chức, hướng dẫn nên nhiều em tự tìm đến vui chơi ở những nơi thiếu an toàn và thiếu sự kiểm soát của người lớn.

Thiếu sân chơi, thiếu người tổ chức, hướng dẫn là nguyên nhân khiến nhiều em tham gia vào trò chơi nguy hiểm dẫn đến những vụ tai nạn thương tích đáng tiếc. Tình trạng thanh, thiếu niên nông thôn tìm đến trò chơi bạo lực, chơi điện tử... dẫn đến bỏ bê học hành không còn cá biệt. Nhiều ý kiến cho rằng, thay vì chỉ đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng các khu vui chơi, trẻ em ở nông thôn rất cần sự hỗ trợ, hướng dẫn của người lớn, nói cách khác là vai trò của các nhà tổ chức. Chị Dương Thị Hằng, Bí thư Đoàn xã Việt Lập (Tân Yên) cho hay, ngoài nhu cầu về thể thao, tập bơi, trẻ em ở địa phương vẫn biết chơi nhiều trò chơi dân gian như: Đánh chuyền, chơi ô ăn quan, bịt mắt bắt dê, thả đỉa ba ba… Các em có thể chơi ở bất cứ đâu, nhưng quan trọng là phải có người đứng ra tổ chức, hướng dẫn? Chỉ khi có sự quan tâm hỗ trợ của người lớn, trực tiếp là tổ chức đoàn, đội mới tạo cho các em có điều kiện được tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh.

Nắm bắt được những khó khăn của trẻ ở khu vực nông thôn, hè năm nay, Hội đồng Đội tỉnh phối hợp triển khai nhiều hoạt động thiết thực. Trong đó điểm mới nổi bật là phối hợp với ngành giáo dục thực hiện hoạt động "mở cửa trường học", phấn đấu có ít nhất 50% số trường tiểu học trong tỉnh có hoạt động vui chơi, giải trí dành cho các em. Cụ thể, các trường duy trì mở cửa thư viện, thành lập các câu lạc bộ theo sở thích, năng khiếu, dạy kỹ năng sống. Ở những nơi có điều kiện tổ chức các lớp dạy bơi cho trẻ, trang bị bộ đồ dùng, đồ chơi tại nhà văn hóa khu dân cư. Thực hiện chỉ đạo đó, mới đây, nhiều cơ sở đoàn đã phối hợp với các nhà trường "mở cửa trường học". Điển hình như, Trường Tiểu học Việt Lập (Tân Yên) mở cửa đón các em từ ngày 1-6 với các câu lạc bộ dạy kỹ năng sống, võ thuật, cầu mây, tiếng Anh, đọc sách, bơi... thu hút khoảng 400 em tham gia. Các trường: Tiểu học Phúc Sơn, Đại Hóa (Tân Yên), Tiểu học Tân Hưng (Lạng Giang), thị trấn Thắng (Hiệp Hòa), thị trấn Cầu Gồ (Yên Thế)... cũng lần lượt khai giảng các khóa dạy bơi an toàn cho trẻ. Mục tiêu của các hoạt động trên là tạo cho các em có được một sân chơi bổ ích trong dịp hè, tránh thiệt thòi so với các bạn cùng trang lứa ở khu vực thành thị.

Tuyết Mai

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...