Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 29 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Nhịp sống trẻ
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Cậu học trò mồ côi, cụt tứ chi đậu đại học

Cập nhật: 07:44 ngày 17/09/2017
Ngay từ khi sinh ra, cậu bé cụt tứ chi Trần Văn Lạc đã bị mẹ ruột bỏ rơi. Ấy vậy nhưng với nghị lực phi thường và tình yêu thương, chăm sóc của những người có trách nhiệm trong xã hội, đến nay Lạc đã thi đậu đại học vào ngành mình mơ ước. Và dù thế nào đi chăng nữa, cậu học trò khuyết tật mồ côi này vẫn luôn khao khát được gặp lại cha mẹ ruột của mình.
{keywords}

“Lạc cụt” giờ đã là chàng thiếu niên khỏe mạnh, đẹp trai. Ảnh: P.N

Cụt tứ chi vẫn đậu đại học

Việc cậu học trò khuyết tật mồ côi Trần Văn Lạc đậu đại học vào ngành Công tác xã hội của Trường Ðại học Quy Nhơn làm rộn ràng Trung tâm Bảo trợ xã hội và Công tác xã hội tỉnh Bình Định (gọi tắt là Trung tâm, ở phường Bình Định, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định). 

Nhắc đến Lạc, hầu hết người dân thị xã An Nhơn đều biết, bởi hình ảnh và nghị lực của cậu học trò này đã được nhiều phụ huynh nhắc đến khi giáo dục con cái mình. Ngay từ khi sinh ra, đứa trẻ có đôi mắt sáng, hai má phúng phính, bị khuyết hai tay, hai chân đã bị bỏ rơi. Sau đó, em lớn lên trong sự đùm bọc của các cán bộ, nhân viên tại Trung tâm. 

Trước thời khắc thi THPT Quốc gia, Lạc sợ nhất là mình làm bài môn Văn không kịp, nhưng rồi với sự nỗ lực của mình, em cũng thi đậu vào ngành học mình mơ ước. “Vì không cầm bút bằng ngón tay nên em viết chậm hơn so với bạn bè cùng lứa. Những năm cấp 3, bên cạnh việc học, làm bài tập, em còn phải dành nhiều thời gian cho việc chép lại bài học vì trên lớp viết không kịp. Nhận kết quả với 15,75 điểm, vừa đủ để đậu vào ngành học mình yêu thích, em rất mừng”, Lạc tâm sự.

Với “Lạc cụt” - cái tên quen thuộc mà cán bộ, nhân viên Trung tâm vẫn gọi, học đại học ngành Công tác xã hội là giấc mơ nhiều ý nghĩa. Bởi, không có gia đình riêng, không có quê nhà, Lạc muốn gắn bó với mái nhà chung là Trung tâm sau tốt nghiệp. Ngành học hiện tại sẽ giúp em có cơ hội được làm việc, được tiếp tục sống và giúp đỡ các bạn, các em, ông bà, cô chú cùng cảnh ngộ.

Lạc là đứa trẻ bị bỏ rơi tại Trung tâm Y tế thị xã An Nhơn 18 năm về trước. Vào sáng sớm một ngày cuối tháng 11-1999, nhân viên Trung tâm Y tế thị xã An Nhơn phát hiện một đứa trẻ được bọc trong tấm chăn mỏng, khóc ê a trước cổng. Điều đáng nói là đứa trẻ bị cụt tứ chi, sau lưng có một bì thư đựng một trăm nghìn đồng và một mảnh giấy viết tay, với dòng chữ nguệch ngoạc.

Sau khi phát hiện ra đứa bé bị bỏ rơi, lãnh đạo Trung tâm Y tế thị xã An Nhơn đã phân công các hộ lý quan tâm chăm sóc đặc biệt đối với bé trai dị tật bẩm sinh này. 

Ước mơ gặp lại cha mẹ

Ngoài ước mơ sau này giúp đỡ lại những người kém may mắn ở Trung tâm, Lạc còn một giấc mơ khác - giấc mơ tìm về nguồn cội. “Nhiều người nói với em, người nhà không cần em nên mới bỏ rơi em. Nhưng em vẫn nghĩ nếu bỏ rơi, hoàn toàn không cần em nữa, chắc phải bỏ em ở nơi hẻo lánh chứ không phải là nơi đông đúc như bệnh viện, rồi để lại tiền, lời nhắn gửi… Em vẫn muốn tìm thấy gia đình, những người đã sinh ra mình”, Lạc tâm sự.

Cho đến giờ, dù đã cố công tìm kiếm, những người có trách nhiệm vẫn chưa rõ tung tích của người mẹ lâm vào cảnh ngộ bi đát thuở ấy hiện đang ở đâu, làm gì. “Nhiều bạn ở Trung tâm nhưng vẫn có người thân, nên mỗi dịp lễ, đặc biệt là Tết Nguyên đán, các bạn được người thân đưa về quê ăn tết, còn em từ nhỏ đến nay vẫn ở nơi này. Nếu cho em điều ước, em sẽ ước được đón cái Tết đầm ấm cùng cha mẹ”, Lạc nói nghẹn giọng.

Ông Nguyễn Quỳnh - Giám đốc Trung tâm, cho biết: “Khi tiếp nhận cháu Lạc về nuôi dưỡng, tất cả cán bộ, nhân viên Trung tâm đều rất thương yêu và quan tâm chăm sóc cháu. Chỉ trong một thời gian ngắn, Lạc đã cho thấy được nghị lực vượt qua tật nguyền của mình. Trong kỳ thi tuyển sinh vừa qua, cháu đã thi đậu vào ngành học mình mơ ước. Con đường phía trước với cháu còn nhiều khó khăn, nhưng tôi tin, với nghị lực phi thường của mình, cháu sẽ vượt qua, trở thành người có ích cho xã hội”.

Theo Lao động

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...