Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Nhịp sống trẻ
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Thú vị với mô hình “Thư viện xanh” ở sân trường

Cập nhật: 17:53 ngày 07/10/2017
Khác với thư viện truyền thống, một “Thư viện mở” nơi sân trường rợp bóng cây xanh làm cho các em học sinh thích thú và ham đọc sách, báo hơn…
{keywords}

Các em học sinh đọc sách báo mỗi giờ ra chơi

Đó là thư viện ở sân Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Trung học cơ sở Trà Don (PTDTBT THCS) ở huyện miền núi Nam Trà My, Quảng Nam.

Hiệu trưởng nhà trường - thầy Võ Đăng Chín cho biết, từ năm học 2016-2017, trường đã phát động xây dựng mô hình “Thư viện xanh”; đây là loại hình thư viện được xây dựng dưới tán cây với những tủ sách được bố trí hợp lý, theo tiêu chí “thân thiện, gần gũi với thiên nhiên” để giúp các em có tinh thần học tập thoải mái, dễ dàng trao đổi tri thức, góp phần hình thành thói quen tự học, tự nghiên cứu, nâng cao chất lượng dạy và học.

Tại “Thư viện xanh” này, ấn tượng đầu tiên là các tủ đựng sách, báo được bố trí ngay ngắn ở các vị trí dễ nhận biết, thuận tiện cho việc đọc ngay trên sân trường, dưới những tán cây xanh rợp bóng mát và dưới những mái che. Khu vực ghế ngồi được thiết kế có mái che để các em học sinh ngồi đọc mà không sợ mưa nắng.

Vào giờ ra chơi, ngay trên sân trường, chỉ cần với tay là các em có thể chọn được những cuốn sách, cuốn truyện ưng ý, phù hợp với lứa tuổi để đọc tại chỗ. Hết giờ ra chơi, các em lại tự giác sắp xếp, đem sách, truyện trả lại vị trí cũ.

Để tránh nhàm chán, hàng tuần, cán bộ thư viện đều tiến hành luân chuyển sách, truyện để cho học sinh có điều kiện được đọc nhiều thể loại sách, truyện hơn. “Có nhiều học sinh từ chỗ không ham mê đọc sách, nhưng từ khi có “Thư viện xanh” dần dần các em tự tìm đến sách nhiều hơn. Các em là người tự quản lý, bảo vệ tủ sách, luôn có trách nhiệm giữ gìn sách”, thầy Chín cho biết.

Để tăng thêm sự phong phú về nguồn sách cho thư viện nhà trường, ngoài việc trang bị, bổ sung hàng năm, Ban Giám hiệu đã phối hợp với giáo viên tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của mô hình “Thư viện xanh”, đồng thời kêu gọi sự ủng hộ, giúp đỡ từ các mạnh thường quân.

Năm học vừa qua, nhà trường đã vận động ủng hộ theo phương thức xã hội hóa trên 10 triệu đồng để đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung thêm nhiều bản sách có giá trị giáo dục về biển đảo, truyền thống uống nước nhớ nguồn, pháp luật...

Mô hình “Thư viện xanh” cũng được nhà trường áp dụng để chủ động đưa sách đến gần hơn với học sinh, các loại hình thư viện của nhà trường luôn hướng đến mục tiêu thân thiện, gần gũi với học sinh.

Nhà trường cũng thường xuyên thay đổi các hình thức tuyên truyền giới thiệu sách như: Tuyên truyền giới thiệu sách theo chủ đề, chủ điểm hàng tháng trong các buổi chào cờ đầu tuần, kể chuyện theo sách... để khuyến khích các em say mê hơn với việc đọc sách. Đây cũng là một hoạt động góp phần nâng cao chất lượng dạy và học ở nhà trường hiện nay.

Là một trong những học sinh thường xuyên đọc sách báo ở đây, em Nguyễn Thị Hà My, học sinh lớp 8 chia sẻ: “Từ ngày có thư viện ở sân trường, cứ mỗi giờ ra chơi em lại tranh thủ đọc sách tham khảo, báo các loại. Thư viện xanh này giúp em nâng cao kiến thức trong học tập mà không bị gò bó như các thư viện truyền thống. Tại đây, các em có ý thức hơn sau khi đọc sách báo tham khảo nên bảo vệ, giữ gìn tài liệu ở thư viện này rất tốt”.

Theo Dân trí

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...