Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 26 - 35 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Nhịp sống trẻ
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Đưa rau rừng về vườn nhà

Cập nhật: 07:00 ngày 15/10/2017
(BGĐT) - Nhóm tác giả Hoàng Văn Khang (SN 1991), Lục Văn Quyết (SN 1993), nhân viên kỹ thuật của Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Yên Thế vừa xuất sắc giành giải Nhì tại Cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp trong nông nghiệp. Với mong muốn nhân giống cây rau bò khai từ rừng về vườn ươm cung cấp cho người dân, hình thành vùng sản xuất cây trồng đặc trưng, hai bạn trẻ đang tích cực mở rộng ứng dụng đề tài nghiên cứu vào thực tiễn.
{keywords}

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương trao giải Nhì cho nhóm tác giả Lục Văn Quyết và Hoàng Văn Khang trong Cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp trong nông nghiệp.

Trong những lần đi rừng, Khang và Quyết được người dân xã Xuân Lương mời thưởng thức món rau bò khai và hai bạn rất thích mùi vị của món ăn này. Có thông tin, trước kia, loài cây này được coi là thực phẩm tiến vua, không chỉ là món ăn mà còn được dùng như một loại thuốc quý chữa bệnh thận, gan. Tìm hiểu được biết lá bò khai thường được dùng để chữa các bệnh viêm thận, gan, viêm đường tiết niệu, tiểu tiện không thông. Hiện nay rau bò khai có giá trung bình 30 đến 35 nghìn đồng/kg, bà con thu hái đến đâu bán hết tới đó. Do khai thác nhiều nên trong tự nhiên ngày càng khó kiếm. 

Nhận thấy bò khai là loài rau tự nhiên có triển vọng thu lợi nhuận cao, sau khi tìm hiểu đặc tính, công dụng của loài cây này, năm 2015, đôi bạn Khang, Quyết thử đem một vài cây về vườn ươm của Công ty để nhân giống. Sau thời gian thử nghiệm, nhóm tác giả xin phép Ban Giám đốc Công ty cho mở rộng mô hình trồng, chăm sóc, nhân giống cây rau bò khai và phát triển thành đề tài nghiên cứu khoa học. 

Được sự ủng hộ của Ban Giám đốc và đồng nghiệp tại Công ty, đến nay, Khang và Quyết đã nhân ươm được 1 vạn gốc rau bò khai. Vườn ươm cây giống có tổng diện tích khoảng 1,5 ha, đặt tại các huyện: Yên Thế, Tân Yên, Lục Nam.

Theo bộc bạch của Hoàng Văn Khang, những ngày đầu do chưa có kinh nghiệm nên cây chết hàng loạt. Sau nhiều lần thất bại, Khang và Quyết nghiên cứu, áp dụng kỹ thuật xử lý gốc bằng chế phẩm sinh học. Cây được nhân giống theo phương pháp vô tính bằng cách giâm hom. Vì vậy, nhóm tác giả đã dành nhiều ngày vào rừng lựa chọn những cành bánh tẻ, khỏe mang về rồi sử dụng túi bầu nhỏ chứa hỗn hợp phân vi sinh, phân chuồng hoai mục và đất mùn tán rừng làm nguyên liệu trồng cây. Hom mang về được rửa sạch, chấm vào thuốc kích thích ra rễ sau đó đưa đi giâm. Để thuận tiện cho việc nghiên cứu, hai bạn xin phép Công ty cũng tạo điều kiện cho sử dụng một phần vườn ươm có mái che. Sau đó tiến hành thuần hóa để cây dần thích nghi với thổ nhưỡng, môi trường sống khác nhau. Gốc được giâm khoảng một năm, khi cây đâm rễ, mầm non mang đi trồng tại vườn ươm. Để cây không bị chết do ảnh hưởng từ thời tiết, nhóm tác giả trồng xen kẽ với cây cam, mít, cây rừng tạo bóng mát. 

{keywords}

Tác giả Hoàng Văn Khang (giữa) và Lục Văn Quyết (ngoài cùng bên trái) giới thiệu về cây rau bò khai.

Ở nhiều địa phương như Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Kạn… rau bò khai đã trở thành cây trồng có giá trị kinh tế cao. Còn ở Bắc Giang thì đây là hướng đi mới cho người dân miền núi nhằm khai thác, tận dụng quỹ đất lâm nghiệp. Rau bò khai là loại cây chịu bóng có thể canh tác dưới tán rừng, vì vậy trên cùng một diện tích đất người dân có thể tận thu, tăng thu nhập. Hiện mỗi gốc cây rau bò khai giống có giá từ 4 đến 6 nghìn đồng; quá trình chăm sóc rất đơn giản, có thể sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh, giảm chi phí đầu tư. Việc làm trên còn góp phần bảo tồn nguồn gen quý rau đặc sản, đa dạng sinh học trước nguy cơ tận diệt. Đề tài nghiên cứu về cây bò khai của Hoàng Văn Khang, Lục Văn Quyết đã xuất sắc giành giải Nhì tại Cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp trong nông nghiệp tỉnh Bắc Giang năm 2017 do Tỉnh đoàn phát động.

Có một tin vui là mới đây, nhóm tác giả đã được Tỉnh đoàn hỗ trợ một phần kinh phí nhân rộng diện tích vườn ươm giống. Hoàng Văn Khang cho hay: “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục nhân giống rau bò khai và mở rộng diện tích trồng tại các huyện Yên Thế, Lục Nam, Tân Yên. Từ đó kết nối với các hợp tác xã để cung cấp giống cho người dân đưa loài cây này trở thành sản phẩm chủ lực ở địa phương”.

Tuyết Mai

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...