Thứ ba, 16/04/2024
Bắc giang 33 °C / 24 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Nhịp sống trẻ
Nhịp sống trẻ
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Bước qua bóng tối, làm lại cuộc đời

Cập nhật: 14:12 ngày 20/10/2017
(BGĐT) - Không ít người nghĩ rằng ở tù là dấu chấm hết thì với anh Nguyễn Trung Thành (SN 1981), quê ở xã Song Vân, huyện Tân Yên (Bắc Giang) lần vấp ngã đầu đời đã dạy cho anh nhiều bài học. Trở về từ trại giam, anh vượt qua khó khăn để hôm nay trở thành giảng viên khoa Tiếng Anh, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội kiêm chủ nhiệm nhiều dự án tình nguyện giáo dục vì cộng đồng.
{keywords}

Giảng viên Nguyễn Trung Thành trong một giờ dạy học miễn phí cho học sinh tại Trung tâm tiếng Anh GECKO (Tân Yên).

Trưởng thành sau vấp ngã

Tuổi trẻ nhiều ước mơ và muốn trải nghiệm trong môi trường làm việc năng động nên sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội), tháng 6- 2005, Nguyễn Trung Thành quyết định vào TP Hồ Chí Minh lập nghiệp. Tại đây, anh làm phiên dịch, đồng thời là trợ lý cho giám đốc một doanh nghiệp nước ngoài. Khi triển khai dự án kinh tế lớn tại tỉnh Khánh Hòa (Nha Trang), anh phiên dịch và nhận chuyển khoản tiền lớn cho đối tác theo yêu cầu của ông chủ mà không ngờ rằng việc làm của mình trái pháp luật bởi đó là khoản tiền hối lộ. "26 tuổi đời, tương lai đang phơi phới rộng mở thì tôi lại đối diện với án 12 năm tù. Khi cánh cửa nhà tù đóng sập, tôi nghĩ mọi thứ đặt dấu chấm từ đó; bản thân vô cùng day dứt và ăn năn. Thế nhưng sau đó tôi nhận ra rằng, một trường học mới lại bắt đầu để tôi thử thách, rèn luyện"- Anh nhớ lại.

Những ngày ở trại giam A2 (Tổng cục VIII, Bộ Công an), huyện Diên Khánh (Khánh Hòa), biết anh là người có kiến thức, lại ăn nói hoạt bát, có tài (giỏi ngoại ngữ, biết thổi sáo), cán bộ giao đảm nhiệm vai trò Trưởng Ban quản lý phạm nhân. Không ngờ rằng chính thời gian này, do thường xuyên đứng trước hơn ba nghìn phạm nhân đã giúp anh rèn luyện kỹ năng thuyết trình, giảng giải, phân tích và mở ra cơ hội tìm việc làm sau này. Một ngày đầu tháng 8-2010, sau 3 năm cải tạo, Trung Thành bất ngờ khi thấy tên mình xuất hiện trong danh sách phạm nhân trở về trước thời hạn. Giữa vòng tay yêu thương của gia đình, bạn bè, anh tự hứa với lòng mình sẽ quyết tâm đứng dậy sau cú ngã đau đớn. 

Được người thân tin tưởng ủng hộ, anh không nề hà bất kỳ công việc gì miễn là đủ trang trải cuộc sống. Tại Hà Nội, anh thuê địa điểm mở quán bán phở. Bạn bè cũ hay tin "Thành còi" ra tù và là chủ quán "Phở Cây bàng" ở Cổ Nhuế đã tìm đến ngày một nhiều để ủng hộ. Cũng qua đây, một người bạn động viên anh nộp hồ sơ dự thi làm trợ giảng Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. May mắn đã mỉm cười, những trải nghiệm trước đó giúp anh tự tin vượt qua vòng kiểm tra năng lực và giảng thử trước sinh viên. Tháng 8-2012, anh Nguyễn Trung Thành trở thành giảng viên khoa Tiếng Anh, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.

Chia sẻ kiến thức, nhận lại nụ cười

Có người yêu mến ví anh như con thằn lằn nhanh nhẹn, dễ thích ứng với mọi điều kiện, hoàn cảnh. Đây cũng là lý do anh đặt tên cho trung tâm tiếng Anh là GECKO (nghĩa là con thằn lằn). Những ngày này, lịch làm việc của anh dày đặc bởi các giờ lên lớp trên trường đại học và dạy học trò giao tiếp ở Trung tâm GECKO (Hà Nội) do anh thành lập. Trong căn nhà ở số 25, đường Cao Kỳ Vân, thị trấn Cao Thượng (Tân Yên), nơi cơ sở thứ hai của Trung tâm vừa khai trương, anh Thành kể: "Được mọi người tin tưởng là niềm hạnh phúc lớn nên tôi sẵn sàng chia sẻ kiến thức và cũng không ngại ngần nhắc lại chuyện cũ với mong muốn các bạn trẻ không mắc phải sai lầm như mình". Hiện Trung tâm duy trì 6 lớp, mỗi lớp từ 25-27 người gồm học sinh tiểu học, THCS, THPT, người lao động. Với học sinh quê Tân Yên, anh Thành miễn toàn bộ học phí.

Để có ngày hôm nay, anh Thành đã vượt qua nhiều trở ngại nhưng điều quan trọng hơn cả là dù hoàn cảnh nào anh luôn nhận được sự giúp đỡ, tiếp sức của người thân, bạn bè. Biết Thành có ý định dạy học miễn phí cho học sinh ở quê, anh Nguyễn Danh Hòa, thương nhân ở thị trấn Nhã Nam nhận tài trợ chi phí thuê văn phòng. Thầy giáo cũ giúp anh làm thủ tục pháp lý thành lập doanh nghiệp. Có phụ huynh ở Yên Thế, Tân Yên, TP Bắc Giang tìm đến ủng hộ bàn ghế, đèn, quạt... Những người bạn là giáo viên tình nguyện chung sức cùng thầy giáo trẻ về mặt chuyên môn. 

Chia sẻ về quan niệm giáo dục, giảng viên Nguyễn Trung Thành cho biết: "Học sinh chưa thích học vì người thầy thiếu thông tin hoặc chưa biết đặt mình vào vị trí học trò. Rút kinh nghiệm từ thực tế đó, tôi coi các em như bạn, luôn gần gũi để hiểu tâm tính, sở thích của từng em từ đó tìm ra phương pháp truyền đạt kiến thức phù hợp". Anh Thành mong muốn, thời gian tới, bên cạnh duy trì hoạt động hiệu quả của trung tâm ở Tân Yên sẽ kết nối với đội ngũ giáo viên dạy Tiếng Anh trong tỉnh để cùng chia sẻ thông tin, kiến thức, kỹ năng làm việc.

Hải Vân

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...