Thứ ba, 16/04/2024
Bắc giang 29 °C / 24 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Nhịp sống trẻ
Nhịp sống trẻ
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Chàng trai thích “phá bỏ mọi giới hạn”

Cập nhật: 15:32 ngày 23/10/2017
Vũ Đỗ Khanh (SN 1992), từng là sinh viên Việt Nam đầu tiên được nhận vào Trường Quản lý Nhà nước Blavatnik, một trong những trường có đầu vào cao tại Đại học Oxford (Anh). Mới đây, chàng trai này lại gây bất ngờ khi là người Việt Nam đầu tiên làm việc cho Bộ Số hóa, Văn hóa, Truyền thông và Thể thao Anh Quốc – một cơ quan đầu não của Chính phủ Anh tại London.

{keywords}

Vũ Đỗ Khanh (phải) chụp ảnh cùng với nguyên Thủ tướng Úc Tony Abbott.

Phương pháp học tập khoa học – “lối đi tắt” để thành công

Khi còn ở Việt Nam, Khanh là sinh viên Trường Đại học (ĐH) Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh (HCM). Là một người có khả năng linh hoạt xử lý mọi tình huống, lại đặc biệt yêu thích và học giỏi nhất các môn liên quan đến ngoại giao, quan hệ quốc tế nên Khanh sớm nhận ra mình có đam mê với lĩnh vực này. Ngay từ năm thứ nhất đại học, Khanh đã tham gia nhiều chương trình giao lưu quốc tế dành cho thanh niên. Cậu cũng nhận thấy cơ hội giao lưu quốc tế ngay tại chính ngôi trường mình học, bởi mỗi năm có rất nhiều đoàn đại biểu, đoàn khách từ các trường ở nước ngoài đến đây làm việc và giao lưu.

Vậy là Khanh cùng một nhóm bạn sáng lập ra một câu lạc bộ chuyên về giao lưu quốc tế tại trường, mang tên International Exchange Club (IEC). 

Ngay từ năm đầu đại học, Khanh đã luôn ấp ủ ý định ra nước ngoài học tập. Sau 4 năm học, với bảng thành tích cá nhân và các hoạt động ngoại khóa ấn tượng, năm 2016, Khanh tự tin “apply” học bổng Thạc sĩ của những trường đại học hàng đầu thế giới, như Oxford hay Harvard. Cả hai trường đều “gọi tên” Khanh. Từ chối suất học bổng của Harvard, Khanh chọn chương trình Thạc sĩ Chính sách công, Trường Quản lý Nhà nước Blavatnik, ĐH Oxford (Anh Quốc).

Khanh chia sẻ, ở Oxford, các môn học được thiết kế với sự liên quan mật thiết với nhau và môn nào cũng có tính ứng dụng cao. Sinh viên được học với đội ngũ giáo sư đầu ngành và được trường tạo điều kiện để tiếp xúc học hỏi với các cựu lãnh đạo quốc gia như Thủ tướng David Cameron, hay các học giả nổi tiếng.

Nhưng trong một “cái nôi” toàn người giỏi thì sự cạnh tranh luôn rất cao, yêu cầu của các giáo sư khi giao bài tập cũng không hề “dễ thở”. Trung bình, mỗi tuần Khanh phải đọc hơn 600 trang tài liệu, viết 2 bài luận dài 5.000 từ, chưa kể phải thực hiện các bài phân tích tình huống và làm bài kiểm tra “online” ngắn.

Tất cả sự “khắc nghiệt” đó giúp Khanh nhận ra rằng, thành công không dành cho người lười, tuy nhiên, bên cạnh sự chăm chỉ, cũng có “lối đi tắt” để giải quyết nhanh hơn “núi” bài tập, đó chính là phương pháp học tập khoa học.

Thay vì hì hục một mình “chiến đấu” với lượng tài liệu phải đọc quá lớn, Khanh lập nhóm đọc với một vài người bạn thân, phân công nhau đọc, rồi ghi chú các nội dung chính và chia sẻ. Phương pháp này luôn mang lại kết quả tốt, rất phù hợp với lối tư duy “result oriented” – chỉ quan tâm đến kết quả, không quan tâm đến hành trình mà Oxford đề cao.

Thích chinh phục, muốn phá bỏ các giới hạn truyền thống

Mỗi sinh viên ở Oxford đều có 3 người hỗ trợ việc học và định hướng nghề nghiệp (Supervisor, Academic advisor và Professional mentor). Professional mentor của Khanh là ông Mark Lowcock, Thứ trưởng Bộ Phát triển Quốc tế Anh Quốc.

Chính ông là người đã thông tin cho Khanh biết việc Bộ Số hóa, Văn hóa, Truyền thông và Thể thao Anh Quốc đang tuyển nhân sự. Khanh đã “apply” và trúng tuyển. Đây có thể coi là một việc rất khó, bởi Chính phủ Anh thường chỉ tuyển người không có quốc tịch Anh cho những vị trí tại các cơ quan đại diện của Anh ở nước ngoài (Đại sứ quán, Lãnh sự quán…).

Bí quyết để thành công của Khanh chính là sự cẩn thận và kỹ tính trong mọi việc. Có lẽ, bởi vậy mà Khanh không đồng tình với quan điểm khuyến khích người trẻ “cứ sai đi vì cuộc đời cho phép”. Với Khanh, tuổi trẻ là có hạn, không nên có quá nhiều chỗ cho những sai lầm: “Người ta thường nói, sự sai lầm, thất bại sẽ đem lại những bài học quý giá.

Theo mình, câu trên chỉ đúng nếu một người gặp phải thất bại và hiểu được nguyên nhân thất bại để rút kinh nghiệm. Còn ngoài đời, mình thấy rất ít trường hợp có thể tự nhận ra thất bại của bản thân, toàn là thua rồi mà vẫn không hiểu đã sai ở đâu. Mình nghĩ, nhìn bài học kinh nghiệm của người khác mà học hỏi để bản thân mình tránh thất bại giống họ thì vẫn luôn tốt hơn là tự mình phải trải qua cảm giác đó”.

Với đa số người trẻ, việc tìm ra đam mê của bản thân là việc không hề dễ và theo Khanh, cách duy nhất chỉ có thử và thử: “Nếu có cơ hội, các bạn hãy thử tất cả những gì mình thích. Thử tới khi nào tìm được một thứ các bạn thật sự đam mê. Tới khi đó, các bạn hãy tập trung vào nó và chỉ nó mà thôi”.

Theo Dân trí

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...