Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 24 °C / 24 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Nhịp sống trẻ
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Thanh niên khởi nghiệp trong nông nghiệp: Cơ hội rộng mở

Cập nhật: 09:34 ngày 18/12/2017
(BGĐT) - Năm 2017 được đánh giá là năm làn sóng khởi nghiệp từ nông nghiệp nở rộ trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Nhiều bạn trẻ đã khai thác thế mạnh, tìm kiếm cơ hội làm giàu từ chính mảnh đất quê hương.
{keywords}

Anh Ngọc Văn Viên (giữa) xã Long Sơn (Sơn Động) thành công với mô hình nuôi tắc kè.

Làm giàu trên quê hương

Ghé thăm trang trại của ông chủ trẻ Ngọc Văn Viên (SN 1990), thôn Thượng, xã Long Sơn (Sơn Động) vào một ngày đông, không khí xây dựng tất bật. Trên diện tích hơn 2 nghìn m2 đất đồi vườn của gia đình, anh Viên đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng chuồng trại và dây chuyền sản xuất cao từ tắc kè và cây đinh lăng. Nhờ nhạy bén nắm bắt nhu cầu thị trường, năm 2011, khi kết thúc thời gian tham gia nghĩa vụ quân sự tại tỉnh Gia Lai, anh Viên dùng số vốn 10 triệu đồng mua hơn 130 con tắc kè miền Nam về nuôi. Lúc đó, do chưa có kinh nghiệm chăm sóc, tắc kè không kịp thích nghi với khí hậu nên toàn bộ con giống bị chết. Xót của, gia đình ngăn cản nhưng anh Viên vẫn quyết tâm theo đuổi ý tưởng làm giàu. Anh cho hay: “Qua tìm hiểu, tôi biết tắc kè được ví như một loại sâm sống, thị trường rất ưa chuộng. Vì vậy, tôi khăn gói đến nhiều nơi học hỏi những người chăn nuôi thành công rồi dùng số vốn 30 triệu đồng vay được từ nguồn ủy thác của tổ chức đoàn mua hơn 80 con tắc kè miền Bắc". Đến nay, anh có hơn 1 nghìn con tắc kè đen, mỗi năm thu lãi hơn 200 triệu đồng.

Tương tự, anh Đồng Văn Hiệp (SN 1981), thôn Khoát, xã Nghĩa Hưng (Lạng Giang) cũng khởi nghiệp thành công trên chính mảnh đất quê hương. Làm bạn với cây nấm từ năm 2013 khi tham gia lớp dạy nghề do Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện mở, anh Hiệp chăm chỉ học tập, tham quan các mô hình ở tỉnh Lạng Sơn, Hòa Bình. Từ năm 2014 đến nay, vụ nào mô hình trồng nấm của anh cũng thắng lớn, doanh thu từ nấm ăn đạt 1,2 tỷ đồng, cơ sở của anh tạo việc làm cho 5 - 7 lao động ở địa phương. Có vốn, anh mở rộng diện tích trồng nấm lên hơn 5 nghìn m2 với hệ thống sản xuất nấm sò, nấm rơm, mộc nhĩ. Đầu năm nay, anh vận động 22 người khác thành lập HTX Nông nghiệp Hưng Vượng liên kết bao tiêu sản phẩm hướng đến xuất khẩu.

Cùng với anh Hiệp, anh Viên, nhiều thanh niên khác cũng đã khởi nghiệp thành công. Điển hình như anh Đoàn Văn Dũng (Yên Thế) đưa cán chổi làm từ gỗ xuất ngoại; anh Nguyễn Văn Tiến (TP Bắc Giang) có mô hình trồng rau mầm; anh Lê Văn Hưng (Hiệp Hòa) chủ chuỗi cửa hàng "Liên kết thực phẩm an toàn"....

Đa dạng nguồn hỗ trợ

Năm nay, Tỉnh đoàn hướng dẫn ba thanh niên làm hồ sơ vay 389 triệu đồng từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm của T.Ư Đoàn. Trong đó, anh Nguyễn Công Tuân, xã Đại Lâm (Lạng Giang) vay 189 triệu đồng mua thiết bị máy móc sản xuất nhôm kính, cơ khí; dự án của anh Dương Thái Nội, xã Đào Mỹ (Lạng Giang) vay 100 triệu đồng; anh Nguyễn Văn Chiến, xã Liên Sơn (Tân Yên) vay 100 triệu đồng xây dựng nhà kho chứa vật tư nông nghiệp.

Nhằm tạo sự lan tỏa tinh thần khởi nghiệp đồng thời tìm kiếm nguồn hỗ trợ cho các ý tưởng, thời gian qua, Tỉnh đoàn, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh tích cực phối hợp với ba ngân hàng gồm: Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt chi nhánh Bắc Giang cam kết dành nguồn vốn ưu đãi cho thanh niên vay. Tổng gói tín dụng hơn 300 tỷ đồng. Nguồn vốn này dành hỗ trợ cho 200 hội viên của Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, các CLB Doanh nhân trẻ tại huyện Hiệp Hòa, Lục Nam, Lục Ngạn, Tân Yên và TP Bắc Giang với mức lãi suất giảm từ 1-2%/năm so với gói thông thường. Đoàn viên thanh niên (ĐVTN) được ưu tiên giải quyết thủ tục, hỗ trợ làm hồ sơ vay vốn, quá trình thẩm định nhanh gọn.

Năm 2017, Tỉnh đoàn cũng triển khai nhiều hoạt động như: Tổ chức diễn đàn "Thanh niên khởi nghiệp", cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp trong nông nghiệp tạo cơ hội cho người trẻ được học hỏi, giao lưu. Bên cạnh đó, một số huyện đoàn thường xuyên hỗ trợ ĐVTN về giống, vốn, khoa học kỹ thuật. Huyện đoàn Sơn Động huy động các tổ chức, doanh nghiệp đóng trên địa bàn gây dựng nguồn quỹ khởi nghiệp cho thanh niên vay với mức lãi suất thấp. Tại Lục Ngạn, Huyện đoàn hỗ trợ 1,8 nghìn cây mít giống cho 18 hộ do thanh niên làm chủ ở các xã vùng cao: Phong Vân, Phong Minh, Hộ Đáp, Tân Sơn.

Thời gian tới, Tỉnh đoàn tiếp tục chỉ đạo các cơ sở đoàn khảo sát nhu cầu của ĐVTN, từ đó căn cứ vào tình hình thực tế để có biện pháp hỗ trợ kịp thời, hiệu quả thông qua kết nối vay vốn ưu đãi của các ngân hàng, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng quản trị; liên kết thành lập chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản. Anh Thân Trung Kiên, Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: “Tỉnh đoàn đang tích cực đề xuất với T.Ư Đoàn tăng nguồn vốn từ Quỹ Khởi nghiệp, đồng thời huy động nguồn vốn nội tại từ các tổ hợp tác, hợp tác xã, khuyến khích mô hình tương trợ phát triển kinh tế của thanh niên”.

Tuyết Mai

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...