Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 34 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Nhịp sống trẻ
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Tiếp sức cho thanh niên khởi nghiệp

Cập nhật: 15:09 ngày 02/02/2018
(BGĐT) - Năm 2017 được coi là năm bội thu của những ý tưởng, mô hình khởi nghiệp trong nông nghiệp của đoàn viên thanh niên (ĐVTN) toàn tỉnh. Nhiều bạn trẻ sớm bắt kịp xu thế, nhanh nhạy đưa kỹ thuật mới vào sản xuất, kinh doanh. Thời gian tới, hoạt động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tiếp tục đi vào chiều sâu để phong trào thực sự phát triển bền vững.
{keywords}

Anh Diệp Văn Đoàn, xã Thanh Hải (Lục Ngạn) kiểm tra  chất lượng cam Vinh trước khi xuất bán.

Làn sóng khởi nghiệp ở nông thôn

Dịp này, người dân địa phương và du khách không khỏi ấn tượng với vườn cam Vinh trĩu quả, vàng ối cả một góc trời của gia đình chàng trai trẻ người Sán Dìu Diệp Văn Đoàn (SN 1995) thôn Xẻ Mới, xã Thanh Hải (Lục Ngạn). Năm nay, khu vườn cho thu khoảng 20 tấn cam Vinh, giá bán trung bình 23 nghìn đồng/kg. 

Vậy mà trước đây, ít ai dám tin Đoàn sẽ thành công khi đốn bỏ hàng trăm gốc vải hơn 20 năm tuổi đưa 300 cây cam Vinh, bưởi Diễn về trồng ở đất này. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Nghề Bắc Giang (TP Bắc Giang), anh quyết định về quê đưa khoa học kỹ thuật vào làm vườn. Ban đầu, anh gặp không ít khó khăn, do chưa nắm chắc đặc tính cây trồng rồi hệ thống thoát nước kém khiến nửa số gốc cam thối rễ chết yểu. Qua tìm hiểu từ sách báo cùng chủ vườn có kinh nghiệm, anh vay hơn 100 triệu đồng đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt tự động, diệt sâu bọ bằng phương pháp hữu cơ bảo đảm an toàn. Đất chẳng phụ người, cam sinh trưởng, phát triển tốt. Mỗi năm, Đoàn tích lũy nguồn vốn mở rộng diện tích canh tác cũng như giúp đỡ đoàn viên thanh niên địa phương về cây giống, kỹ thuật sản xuất.

Công tác tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, anh Dương Văn Cường (SN 1990), thôn Đồng Tân, xã Thái Sơn (Hiệp Hòa) đặc biệt yêu thích cây lan rừng. Năm 2016, anh bàn với gia đình xây dựng 200 m2 vườn, mua gốc, nhập 2 giống lan: Phi điệp tím, trầm tím về trồng, chăm sóc. Sau khi nghiên cứu, anh áp dụng các phần mềm để chẩn đoán sớm bệnh cho hoa lan cũng như theo dõi quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trên hệ thống máy vi tính. Nhờ sự nhạy bén đó, chỉ sau một năm, vườn lan cho thu lãi 100 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động. 

{keywords}

Anh Nguyễn Văn Tiến (phải) phường Xương Giang (TP Bắc Giang) khởi nghiệp với mô hình trồng rau mầm.

Làn sóng khởi nghiệp lan tỏa tạo không khí thi đua sôi nổi trong ĐVTN khắp các địa phương. Từ đó, xuất hiện nhiều tấm gương khởi nghiệp thành công, ví như anh Nguyễn Văn Thành, xã Đào Mỹ (Lạng Giang) có xưởng đồ gỗ với doanh thu hàng tỷ đồng/năm; chị Nguyễn Thị Duyên, xã Đan Hội (Lục Nam) tạo việc làm cho hàng chục lao động với mô hình sản xuất tăm hương...

Từng bước gỡ khó, kịp thời hỗ trợ

Nhằm thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, HĐND tỉnh có nghị quyết về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp (DN); tạo điều kiện cho DN tiếp cận đất đai bằng cách tích tụ ruộng đất, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Tỉnh đoàn, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh phối hợp với 3 ngân hàng gồm: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt chi nhánh Bắc Giang cam kết dành hơn 300 tỷ đồng cho thanh niên vay ưu đãi.

Mặc dù đã có cơ chế hỗ trợ vay vốn ưu đãi hay tạo môi trường, điều kiện thuận lợi nhưng vì một số nguyên nhân mà nhiều thanh niên nông thôn gặp không ít khó khăn trong hành trình khởi nghiệp. Hiện phần lớn quy mô của các mô hình kinh tế thanh niên nhỏ, hoạt động sản xuất đơn lẻ, manh mún; chưa chủ động xây dựng phương án sản xuất kinh doanh đa ngành, đa nghề. Thêm vào đó, năng lực, hiệu quả kinh tế của các mô hình còn thấp, trình độ quản lý điều hành còn hạn chế. Nhiều ĐVTN thiếu hụt kiến thức phân tích thị trường, tìm kiếm cơ hội, hoạch định chiến lược kinh doanh, phân tích rủi ro.

Nhận định được những trở ngại trên, anh Thân Trung Kiên, Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho hay: “Năm nay, Tỉnh đoàn sẽ đưa hoạt động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp đi vào chiều sâu, cụ thể hỗ trợ trực tiếp về vốn, kết nối kênh phân phối, tiêu thụ sản phẩm cho khoảng 5 dự án khởi nghiệp của thanh niên. Đặc biệt, các cấp bộ đoàn sẽ khảo sát, từng bước phân loại nhu cầu, mong muốn, chú trọng vào đối tượng thanh niên nông thôn để kịp thời giúp những điều họ thực sự cần”. Thời gian tới, các cấp bộ đoàn tiếp tục truyền thông, nâng cao nhận thức về khởi nghiệp cho ĐVTN. Tận dụng các trang mạng xã hội, website để thông tin về chủ trương, chính sách, dự án hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế... Để khởi nghiệp thành công, chính ĐVTN cần dựa vào nguồn lực nội tại để chọn xây dựng mô hình phát triển kinh tế phù hợp với đặc điểm của địa phương.

Tuyết Mai

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...