Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Nhịp sống trẻ
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Thăng hoa cùng thư pháp

Cập nhật: 07:00 ngày 18/03/2018
(BGĐT) - Tốt nghiệp ngành Kỹ thuật điện tử - Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp nhưng anh Dương Thế Tạo (SN 1995) lại đam mê với thư pháp quốc ngữ. 
{keywords}

Anh Dương Thế Tạo cho chữ tại chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng).

Nhà ở cạnh chùa Vĩnh Nghiêm, xã Trí Yên (Yên Dũng) nên từ lúc lên 6, 7 tuổi, Tạo thường được bố mẹ đưa đi lễ Phật. Hình ảnh “thầy đồ” cho chữ để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm hồn và Tạo đam mê thư pháp từ đó.

Nhà xa trung tâm, mỗi lần muốn mua bút lông, mực Tàu, Tạo phải đạp xe cả chục km lên TP Bắc Giang. Bố mẹ cho tiền ăn trưa, Tạo nhịn để dành cho đam mê của mình. Không thầy dạy, không kiến thức về hội họa, anh tự mò mẫm học qua một số clip trên Youtube hay trao đổi với những người yêu bộ môn này trên trang facebook. Ban đầu chỉ là những chữ viết chưa rõ bố cục, ý tưởng nhưng anh vẫn mạnh dạn chụp lại và chia sẻ trên mạng xã hội để giao lưu, xin nhận xét, góp ý của lớp người đi trước. Nhờ kiên trì, Dương Thế Tạo tiến bộ từng ngày, tay viết cũng mềm mại, nhuần nhuyễn hơn. Ngay sau khi thi đỗ vào Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp, Tạo vừa học nghề vừa làm thêm kiếm tiền trang trải chi phí sinh hoạt. Cùng lúc, anh dành dụm một khoản để đầu tư học thư pháp. 

Mong muốn gìn giữ, giới thiệu nét văn hóa truyền thống đến với bạn bè quốc tế, Dương Thế Tạo đầu tư hơn 50 triệu đồng ứng dụng thư pháp trên những chất liệu mới như: Gốm sứ, đá, gỗ. Những sản phẩm này được mọi người đón nhận, trong số đó có nhiều Việt kiều, du khách nước ngoài. Anh ấp ủ dự định sẽ nâng tầm giá trị thư pháp và quảng bá đến với nhiều bạn bè nước ngoài bằng những sản phẩm có tính ứng dụng cao.

Nếu chưa hiểu cặn kẽ, có lẽ nhiều người nghĩ thư pháp dễ thực hành, chỉ cần viết đẹp là được song để theo đuổi cần khổ luyện, không thể một sớm một chiều. Chẳng thế mà nhiều người nói luyện thư pháp chính là cách để thử thách sự kiên nhẫn. Đơn cử như việc chọn một câu văn, bài thơ để viết lên trang giấy phải hết sức cẩn thận. Hiểu được những điều này, Tạo ngày đêm miệt mài luyện tập cùng nét chữ. Anh cho hay: “Sau khi tìm được thầy dạy, tôi đến với thư pháp một cách nghiêm túc. Tôi học lại từ thế ngồi, cách cầm bút, mực, trải giấy rồi đến học các lối viết từ chân phương đến phức tạp, rồi chữ cách điệu, thảo, mộc; cách phân bố chữ, dấu, triện trên giấy”. Bên cạnh nắm chắc bộ chữ cơ bản, anh cũng không ngừng cố gắng học hỏi, sáng tạo phong cách riêng cho bản thân, dần tạo dấu ấn trong làng thư pháp Việt. 

Dù đang làm nhân viên đào tạo kỹ thuật tại Công ty TNHH Sam Sung Việt Nam (Khu công nghiệp Yên Phong- Bắc Ninh) nhưng mỗi ngày Tạo cũng dành thời gian để luyện thư pháp. Khi mặc bộ quần áo the, đóng khăn xếp, tay cầm bút lông, Tạo trở nên khắt khe hơn với chính mình. Luôn mong muốn gìn giữ, giới thiệu nét văn hóa truyền thống của dân tộc đến với bạn bè quốc tế, anh đầu tư hơn 50 triệu đồng ứng dụng thư pháp trên những chất liệu mới như: Gốm sứ, đá, gỗ. Từ đó làm ra đồ nội thất, tranh treo tường có giá trị về mặt nhân văn, tinh thần và thẩm mỹ cao. Những sản phẩm này được mọi người đón nhận, rất nhiều trong số đó là Việt kiều, du khách nước ngoài đến từ Mỹ, Đức, Hàn Quốc. Vì vậy, anh ấp ủ dự định sẽ nâng tầm giá trị thư pháp và quảng bá đến với nhiều bạn bè nước ngoài bằng những sản phẩm có tính ứng dụng. 

Từ mùa xuân năm 2015, Dương Thế Tạo bắt đầu tặng chữ miễn phí tại chùa Vĩnh Nghiêm. Được nhà chùa tạo điều kiện, Tạo có một hội quán riêng tại đây. Chưa bao giờ nghĩ “cho chữ” là việc làm để kiếm tiền, Tạo chỉ mong truyền lửa tình yêu dành cho thư pháp đến mọi người. Tính đến nay, anh đã tặng tác phẩm thư pháp vào dịp năm mới ở các chùa Vĩnh Nghiêm, Bổ Đà, Tây Yên Tử cho hàng nghìn người. Ba năm qua, anh hướng dẫn, chia sẻ kiến thức về thư pháp Việt cho hơn 100 lượt trẻ em ở địa phương.

Tuyết Mai

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...