Thứ năm, 18/04/2024
Bắc giang 32 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Nhịp sống trẻ
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Trần Minh Châu để dương cầm lên tiếng

Cập nhật: 10:45 ngày 03/04/2018
Ngoài việc trẻ nhất trong số 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2017, Trần Minh Châu (SN 2004) chắc danh hiệu “ít nói nhất”. Nhưng đã có cây piano nói hộ em bằng 12 giải thưởng trong và ngoài nước, trong đó có nhiều giải danh giá như: Nhất cuộc thi Piano quốc tế Ricard Vines tại Tây Ban Nha, Nhất cuộc thi Concerto cho Piano quốc tế AFAF tại Mỹ, Nhất Piano Future Stars tại Ba Lan…

{keywords}

Trần Minh Châu biểu diễn tiết mục Polonaise Chopin tại lễ trao giải thưởng gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2017, tối 25-3. 

Học cho vui

Châu đến với cây piano từ chủ trương của bố mẹ muốn cho con tiếp xúc với đa dạng các bộ môn nghệ thuật. “Ban đầu cho con đi học với mục đích trang bị thêm những kiến thức về nghệ thuật để các con khi xem một bức tranh biết nó đẹp xấu thế nào, nghe một bản nhạc biết nó hay ở đâu”, anh Trần Đức Minh, bố Châu chia sẻ. Khi Châu lên 4, sẵn chị gái đang học piano nên bố mẹ để Châu học luôn… cho vui.

Châu học đến khoảng 7 tuổi, giáo viên khẳng định có năng khiếu và khuyên gia đình đầu tư thêm. Châu bắt đầu dự các giải trong nước. Thêm kết quả khả quan từ một số giải quốc tế khiến gia đình vững tin cho Châu thi vào Học viện Âm nhạc Quốc gia.

Bố mẹ Châu đều làm trong ngành tư vấn quản lý khách sạn. Bố Châu cũng thích nghe nhạc nhưng từ khi chăm con đi học đàn, mới bắt đầu nghe cổ điển và dần bị ngấm. “Buổi tối tôi cũng phải hy sinh bớt những thú vui như bia bọt, tụ tập để thêm thời gian cho con”, anh Minh kể. Vào dịp hè, khi các bạn vui chơi, lại là lúc Châu và bố mẹ tất bật với các cuộc thi ở nước ngoài.

Thần tượng Đặng Thái Sơn

Giải thưởng khiến Trần Minh Châu tự hào nhất từ trước đến nay là giải Nhất cuộc thi Piano Quốc tế Ricard Vines ở Lleida, Tây Ban Nha. Đây là cuộc thi có tính chuyên môn cao, gần đây mới mở cửa cho tuổi thiếu niên. Châu chỉ có vài tháng chuẩn bị cho mươi phút thể hiện trên sàn diễn để rồi vượt lên đại diện của hơn 30 nước. “Khi Châu thi giải này, cũng gọi là liều. Nhưng khi con đạt giải cao thì gia đình rất bất ngờ và vui mừng”, bố Châu nói.

Việc chọn các cuộc thi cho Châu do GS.TS.NGND Trần Thu Hà, bà giáo của Châu đảm trách. Học viện cử đi thi nhưng kinh phí gia đình tự túc. Đây là giải thưởng lớn nhất cả về tinh thần và vật chất mà Châu từng có được. Kèm theo tiền mặt là 1.000 euro (trừ thuế còn khoảng 800), cũng có thể nói “bù lỗ” ít nhiều cho gia đình.

Bố mẹ Châu cho các con tiếp xúc với tiếng Anh, bơi lội song song hoặc trước cả nghệ thuật. Thành ra bây giờ bên cạnh đọc sách, Châu có sở thích bơi lội. Cũng rất hợp lý vì pianist để giữ tay phải kiêng nhiều môn thể dục, nhưng bơi lại có tác dụng hỗ trợ cột sống rất tốt.

Châu có nghe nhạc pop nhưng chịu không nhắc được tên ca sĩ nào, hỏi thần tượng ai, trả lời ngay: Đặng Thái Sơn. Em thích chơi nhạc Mozart nhất. Còn nếu được chọn một nước để du học thì đó là Đức. “Sớm cũng phải cuối cấp ba hoặc vào đại học, gia đình mới cho cháu đi”, mẹ Châu nói thêm. “Hiện ở Việt Nam cũng có những giáo sư giỏi nên yên tâm cho con học ở trong nước”.

Chị gái Châu xin phép bố mẹ tạm dừng tập đàn năm lớp 9 sau khi thi đỗ vào Trường Hà Nội- Amsterdam và có thêm những đam mê mới: Trống và nhiếp ảnh. Về piano, chị Châu cũng từng dự một liên hoan âm nhạc quốc tế ở Hàn Quốc, giành huy chương bạc.

Theo Tiền phong

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...