Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 32 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Nhịp sống trẻ
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Đổi mới hoạt động, thu hút đoàn viên thanh niên

Cập nhật: 09:42 ngày 17/04/2018
(BGĐT) - Ở nhiều địa phương, cơ sở đoàn đã chủ động xây dựng chương trình, hoạt động thu hút, tập hợp đoàn viên thanh niên (ĐVTN) nhưng công tác này còn gặp khó khăn. Vì vậy, đổi mới phương thức hoạt động là yêu cầu cấp thiết đặt ra cho công tác đoàn, phong trào thanh thiếu niên để tránh hiện tượng "nhạt đoàn". 
{keywords}

Đoàn xã Tân Mỹ (TP Bắc Giang) huy động đoàn viên tham gia vệ sinh môi trường.

Phong trào gặp khó

Bắc Giang có hơn 28,2 nghìn ĐVTN nông thôn, chiếm 28% tổng số đoàn viên toàn tỉnh. Dù rất nỗ lực song thực tế hoạt động của các cơ sở đoàn bộc lộ nhiều hạn chế như: Lực lượng mỏng, chất lượng phong trào thấp, vai trò của đoàn viên chưa được phát huy. Nội dung, hình thức hoạt động đoàn ở nhiều đơn vị thiếu hấp dẫn, ít sáng tạo. Khả năng vận động, tập hợp ĐVTN của một số cán bộ đoàn còn hạn chế. Một bộ phận đoàn viên thụ động, thậm chí thờ ơ, bỏ sinh hoạt đoàn.

Trao đổi với chị Nguyễn Thị Thương, Bí thư Đoàn thị trấn Bích Động (Việt Yên) được biết, hiện thị trấn có hơn 200 người ở độ tuổi thanh niên (18 đến 35) nhưng chỉ có 50 người tham gia sinh hoạt thường xuyên. Số còn lại không mấy mặn mà bởi lý do “bận” học, làm việc. 5 năm qua, Đoàn thị trấn không thể tổ chức thi nghi thức đội vì rất ít đoàn viên tham gia hỗ trợ. Giải pháp tình thế của cơ sở đoàn này là phối hợp với một số hội, đoàn thể khác trên địa bàn triển khai hoạt động. “Bản thân tôi rất tâm huyết với công tác đoàn và phong trào thiếu nhi ở địa phương nhưng thiếu đội ngũ đoàn viên. Từ việc khó thu hút tập hợp ĐVTN, cả chất và lượng của phong trào đoàn cơ sở vì thế mà sụt giảm. Đây là thách thức không nhỏ cho nhiều cán bộ, bí thư đoàn cơ sở hiện nay”, chị Thương cho hay.

Không riêng thị trấn Bích Động, nhiều cơ sở đoàn trên địa bàn TP Bắc Giang, huyện Hiệp Hòa, Lạng Giang... cũng gặp khó khăn trong việc thu hút tập hợp ĐVTN. Đoàn phường Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang) có hơn 100 ĐVTN sinh hoạt trong tổ chức. Mỗi dịp huy động nhân lực tham gia các chương trình tuyên truyền, giáo dục cho thanh niên, thiếu niên không đơn giản. Đông nhất chỉ được một nửa số đó. Đơn cử như nhiều năm nay, Chi đoàn tổ dân phố 8 không tìm được người để kiện toàn Ban Chấp hành dẫn đến hoạt động cầm chừng, hình thức. Chi đoàn thôn Mới, xã Cấm Sơn (Lục Ngạn) có 30 ĐVTN nhưng sinh hoạt thường xuyên chỉ có 8 người.

Thay đổi để phù hợp với tình hình mới

Cuối năm 2017, Tỉnh đoàn tổ chức cuộc khảo sát về tình hình đoàn viên, thu về 2.767/2.925 phiếu. Trong đó có tới 10% số lượng ĐVTN được khảo sát bày tỏ "không quan tâm đến hoạt động đoàn".

Nhằm khắc phục tình trạng "nhạt đoàn", hơn một năm nay, Thành đoàn Bắc Giang đề xuất nhiều giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi đoàn thôn, tổ dân phố. Anh Phạm Kiều Hưng, Bí thư Thành đoàn thông tin, các cơ sở đoàn của TP duy trì hình thức sinh hoạt ghép liên chi đoàn, kết hợp hoạt động vui chơi, giải trí tránh sự nhàm chán, khô khan. Trên cơ sở đó, cơ sở đoàn kịp thời nắm bắt tình hình tư tưởng đoàn viên, nhất là người đi làm ăn xa không rõ địa chỉ. Tỉnh đoàn cũng chỉ đạo thành lập hơn 130 CLB, tổ, đội, nhóm tập hợp ĐVTN theo sở thích, kỹ năng ở khu vực dân cư, trường học. Điển hình như: CLB Exiter, Yoga Bình An, Bóng chuyền hơi thanh niên, Quan họ. Những CLB này hoạt động theo cơ chế tự nguyện đóng góp kinh phí và được các cấp đoàn, hội định hướng.

Thời gian tới, các cấp bộ đoàn, hội tiếp tục là cầu nối, hướng dẫn tạo môi trường ĐVTN chia sẻ, học hỏi. Nhiệm vụ trọng tâm là phát triển các CLB thể dục thể thao, kỹ năng, sở thích. Mỗi cán bộ, thủ lĩnh đoàn cần tự bồi dưỡng nâng cao kỹ năng tổ chức hoạt động tập thể, chủ động sáng tạo khi triển khai phong trào đòan. Anh Lê Minh Hải, Phó Bí thư Tỉnh đoàn nói: "Để tăng sức hút của đoàn với các bạn trẻ, các cơ sở đoàn phải thoát ly khỏi tình trạng trông chờ, ỷ lại trong việc tổ chức phong trào, không kết nạp đoàn viên ồ ạt, chú trọng chất lượng. Phát triển cơ sở đoàn thành nơi đáp ứng nhu cầu thiết thực đối với giới trẻ. Ví như, họ cần vốn phát triển kinh tế, các cấp bộ đoàn kết nối giúp đoàn viên vay vốn lãi suất thấp; tổ chức giới thiệu việc làm, bồi dưỡng kỹ năng, ngoại ngữ cho thanh niên, thiếu niên".

Tuyết Mai

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...