Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Nhịp sống trẻ
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Giọt hồng của những tình nguyện viên áo trắng

Cập nhật: 07:00 ngày 21/08/2018
(BGĐT) - Chứng kiến tính mạng người bệnh nguy kịch, nhiều bác sĩ, nhân viên y tế không ngần ngại hiến những giọt máu hồng của mình cứu họ. Nghĩa cử cao đẹp đó góp phần xây dựng hình ảnh “lương y như từ mẫu” trong lòng nhân dân.
{keywords}

Đồng chí Nguyễn Việt Ước, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Động và lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa huyện trao giấy khen của Sở Y tế cho 2 y sĩ hiến máu cứu sống bệnh nhân. Ảnh: Xuân Thỏa.

Một đêm tháng 2-2018, bệnh nhân Nông Thị Huyền, xã Hương Vĩ (Yên Thế) nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội, chảy máu âm đạo cấp. Trong quá trình khám, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Thế phát hiện bệnh nhân mang thai ngoài tử cung bị vỡ đe dọa tính mạng và được chỉ định truyền máu để phẫu thuật khẩn cấp trong đêm. Tuy nhiên, dịp này, lượng máu dự trữ tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh khan hiếm ở mức báo động, ảnh hưởng không nhỏ đến việc điều trị, cấp cứu người bệnh. Trong lúc nguy kịch, điều dưỡng Phùng Thị Lan Hương xem bệnh án, biết người bệnh có nhóm máu A giống mình nên đã hiến tặng bệnh nhân 350ml máu. Chị Nông Thị Huyền bày tỏ: “Tôi rất cảm động và biết ơn điều dưỡng Hương đã cho tôi những giọt máu quý giá trong lúc nguy cấp. Sự sống của tôi có dòng máu ân tình hòa quện, cả cuộc đời tôi không bao giờ quên được nghĩa cử này”.

Năm 2017, toàn tỉnh có 32 nhân viên y tế trực tiếp hiến máu cho bệnh nhân. Từ đầu năm 2018 đến nay có 26 trường hợp.

Là những người thường xuyên tiếp xúc và điều trị cho người bệnh, hơn ai hết, các y, bác sĩ là người hiểu được sự cấp thiết đối với những ca bệnh nguy kịch. Có lẽ vì thế mà mỗi khi được thông báo có bệnh nhân cần truyền gấp, cán bộ, nhân viên y tế nhanh chóng sắp xếp công việc đến Khoa Huyết học tự nguyện hiến tặng. Như mới đây, điều dưỡng Hoàng Văn Phát, Khoa Nội - Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa huyện Sơn Động), y sĩ Phạm Văn Tuân, Trạm Y tế thị trấn An Châu đã tham gia hiến máu, kịp thời cứu sống bệnh nhân Đinh Thị Hương, xã Phúc Thắng. Nữ hộ sinh Nguyễn Thị Lanh, kỹ thuật viên Nguyễn Thị Thúy (Bệnh viện Đa khoa huyện Lục Nam) hiến máu cho bệnh nhân Lâm Thị Thắm, xã Thanh Lâm. Chia sẻ về những lần hiến máu khẩn cấp, chị Tạ Thị Hợp, Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh) nói: “Đặt mình vào vị trí gia đình hay người thân của bệnh nhân nếu không được giúp đỡ thì rất lo lắng. Bởi vậy, bất kể thời gian sớm tối hay đêm khuya, khi có bệnh nhân cần mà mình thấy đủ điều kiện sức khỏe thì không ngần ngại cho máu, vì sức khỏe, tính mạng người bệnh là quan trọng nhất”.

Xuất phát từ nhu cầu truyền máu cứu chữa bệnh nhân, nhất là trong trường hợp đặc biệt khẩn cấp, khi người bệnh không có người thân ở gần, nguồn máu dự trữ khan hiếm, không phù hợp, nhiều bệnh viện đã thành lập mô hình câu lạc bộ (CLB) ngân hàng máu sống với sự tham gia của cán bộ, nhân viên y tế.

Để hoạt động hiệu quả, ban chủ nhiệm các CLB rà soát, phân loại nhóm máu của các tình nguyện viên đưa về từng khoa, phòng điều trị để khi có tình huống khẩn cấp dễ dàng liên hệ trực tiếp. Khó khăn nhất trong công tác tình nguyện là khi gặp phải những trường hợp bệnh nhân mắc các bệnh máu khó đông hoặc cần truyền nhóm máu hiếm như AB (Rh-); O (Rh-). Lúc này, ngoài huy động thầy thuốc bệnh viện, CLB còn liên hệ với Ban chỉ đạo hiến máu tình nguyện tỉnh, CLB nhóm máu hiếm của Viện Huyết học và Truyền máu trung ương để tìm người cho máu tương thích. Không chỉ phục vụ cấp cứu, các CLB còn là cầu nối với Hội Chữ thập đỏ tỉnh kêu gọi, vận động các tình nguyện viên tự nguyện cho máu bệnh nhân trong các trường hợp khẩn cấp.

Minh Thu

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...