Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 33 °C / 25 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Nhịp sống trẻ
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Ba gương mặt học sinh dân tộc thiểu số tiêu biểu

Cập nhật: 14:19 ngày 27/11/2020
(BGĐT) - Nhằm động viên, khích lệ học sinh miền núi, vùng cao vươn lên trong học tập, Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang vừa tổ chức lễ tuyên dương 40 học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) có thành tích xuất sắc năm 2020. Các em đều là những đóa hoa tiêu biểu cho phong trào thi đua học tốt, con ngoan trò giỏi, đội viên tốt, là niềm tự hào của gia đình và nhà trường. Dưới đây là ba gương mặt tiêu biểu.

Lê Văn Tô Đức, dân tộc Tày, xã Đồng Lạc (Yên Thế): Tân sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội

{keywords}

Em Lê Văn Tô Đức.

Chúng tôi gặp Đức khi em vừa từ Thủ đô Hà Nội về dự lễ tuyên dương. Đức cho biết: “Khi biết được khen thưởng em rất vinh dự, thu xếp mọi việc ở Trường Đại học Y Hà Nội để tham gia”.

Sinh ra tại thôn Trại Cả, xã Đồng Lạc, từ nhỏ Đức đã thể hiện sự thông minh, sáng dạ. Ông Lê Văn Công, bố em chia sẻ: “Bậc mầm non, Đức thích đếm các con vật và chơi với chữ số. Lên tiểu học, được làm quen với phép tính cháu nhẩm kết quả khá nhanh. Nhận thấy con thích học môn Toán, gia đình đã định hướng em theo các môn khoa học tự nhiên”. Tại Trường THPT Bố Hạ, Đức được các thầy cô lựa chọn vào đội tuyển thi học sinh giỏi môn Toán và đạt nhiều thành tích. Điển hình, giải Nhì môn Toán trong kỳ thi Học sinh giỏi cấp tỉnh năm học 2019 - 2020; danh hiệu học sinh “ba tốt” cấp huyện năm học 2019 -2020; học sinh giỏi toàn diện lớp 10, 11, 12.

Nói về học môn Toán, Đức cho biết, cần có phương pháp học hợp lý, ví như thường xuyên trao đổi với thầy cô, bạn bè về những điều thắc mắc, chưa hiểu rõ bản chất vấn đề. Từ đó sẽ mở rộng được kiến thức. Bên cạnh đó, Đức chọn cách thư giãn bằng việc nghe nhạc sau khi học bài căng thẳng. Sở trường được phát huy cộng với sự động viên, khích lệ của gia đình, nhà trường, năm 2020, Đức có tổng điểm ba môn khối B xét tuyển đại học đạt 29,85 và em đỗ vào Trường Đại học Y Hà Nội. 

Lý giải cho việc trở thành bác sĩ, Đức tâm sự: “Em muốn bằng việc làm của mình có thể giúp đỡ được nhiều người, nhất là những người nghèo khó, sinh sống ở vùng khó khăn. Giờ đây, em đang nỗ lực học tập, phấn đấu trở thành bác sĩ giỏi để có thể làm được những điều mình mong muốn, góp sức cho quê hương, đất nước”. Với thành tích nổi bật, Đức được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen.

Lý Hồng Ánh, dân tộc Nùng (Lạng Giang): Cây vợt “nhí” triển vọng

{keywords}

Em Lý Hồng Ánh.

Mới 7 tuổi, cô học trò nhỏ dân tộc Nùng Lý Hồng Ánh, thôn Tân Sơn 1, xã Tân Dĩnh (Lạng Giang) khiến thầy cô và bạn bè ngưỡng mộ khi tháng 7/2020 xuất sắc giành Huy chương Vàng giải cầu lông các nhóm tuổi thiếu niên toàn quốc năm 2020. Em vừa được Ban Dân tộc tỉnh tặng Giấy khen.

Thi đấu quyết liệt trên sân đấu nhưng khi trở về là thành viên lớp 3A7, Trường Tiểu học Tân Dĩnh, Lý Hồng Ánh là cô bạn hòa đồng, năng động. Em luôn hăng hái tham gia các hoạt động ở trường. Không phải là “con nhà nòi”, cũng không hề được định hướng từ trước, đam mê cầu lông của em đến rất tình cờ. Ngoài giờ học, cô bé cùng chị của mình luyện tập đánh cầu. 

Thấy con có đam mê và muốn thử sức với môn thể thao này, gia đình đã đưa em tới Câu lạc bộ Cầu lông xã Tân Dĩnh tập luyện. Những ngày đầu mới học, em đã thể hiện năng khiếu, tiếp cận nhanh và thể hiện thuần thục các động tác khó dù trước đó em chưa từng tham gia bất kỳ bộ môn thể thao nào, cũng không ai trong gia đình theo nghiệp thể thao.

Mỗi ngày Ánh dành khoảng hai tiếng sau giờ học cùng các bạn luyện tập cầu lông. Vì Ánh còn nhỏ, bố mẹ phải tìm những chiếc vợt nhẹ, phù hợp với vóc dáng của con. Ngày ngày, em miệt mài với những bài tập. Có những lúc tay mỏi nhừ không nhấc lên được, đau đớn khi đập cầu không đúng kỹ thuật, trượt ngã do chạy theo cứu cầu… nhưng Hồng Ánh không nản lòng, kiên trì tập luyện. Cô Ngô Thị Phương Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Dĩnh cho biết: “Cầu lông là niềm đam mê lớn nhất của Hồng Ánh. Nhà trường và gia đình sẽ cố gắng hết sức tạo điều kiện cho em vừa có thể học tốt, vừa thỏa được niềm đam mê của mình”. Học tập tốt lại có năng khiếu thể thao, Hồng Ánh sẽ là gương mặt triển vọng của làng cầu lông trong tương lai.

Triệu Thị Vân Anh, dân tộc Dao (Sơn Động): Đam mê sáng tạo

{keywords}

Em Triệu Thị Vân Anh.

Nụ cười tươi, gương mặt sáng, tự tin là cảm nhận của người đối diện khi tiếp xúc với em Triệu Thị Vân Anh, học sinh lớp 12 D, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh.

Vân Anh quê ở tổ dân phố Thanh Chung, thị trấn Tây Yên Tử (Sơn Động). Học và sinh sống xa nhà, Vân Anh luôn tự giác và vươn lên đạt nhiều thành tích cao trong học tập. Năm lớp 10 và 11, em đạt học sinh giỏi toàn diện. Hiện nay, bước sang lớp 12, Vân Anh đang tập trung ôn luyện để thỏa mong ước sau này trở thành dược sĩ. Đặc biệt, với niềm đam mê sáng tạo, Vân Anh đã giành giải Ba Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh bậc trung học năm học 2019-2020.

Vân Anh chia sẻ, nhiều người thân của em bị đau dạ dày, nhìn bố mẹ nhăn nhó mỗi khi bị bệnh, Vân Anh luôn đặt câu hỏi làm thế nào để phòng ngừa, hạn chế bệnh này. Em bàn với một bạn cùng lớp và xin tư vấn từ thầy cô giáo để thực hiện đề tài “Chữa đau dạ dày bằng hỗn hợp nghệ tươi và mật ong nguyên chất”. Theo Vân Anh, qua các bài giảng được học, em nhận thấy viêm loét dạ dày là bệnh khá phổ biến, nếu không được điều trị sớm và đúng cách có thể gây ung thư dạ dày. 

Dưới sự hướng dẫn của thầy cô, nhóm tác giả đã tạo ra sản phẩm phòng ngừa, chữa trị bệnh viêm loét dạ dày từ nghệ vàng tươi và mật ong nguyên chất. Theo đó, tỷ lệ phối trộn tinh bột nghệ tươi, mật ong nguyên chất là 1:1. Hỗn hợp được 5 người bị bệnh về dạ dày tự nguyện sử dụng, kết quả sau 6 tháng cho thấy có chuyển biến rõ nét. Hỗn hợp bột nghệ tươi và mật ong nguyên chất hội tụ đầy đủ các yếu tố như an toàn cho người sử dụng, rẻ tiền, dễ kiếm, dễ làm; hiệu quả khi điều trị bệnh viêm loét dạ dày.

Ghi nhận thành tích đạt được, Triệu Thị Vân Anh vừa được Ban Dân tộc tỉnh tặng Giấy khen.

Trịnh Lan - Mai Anh
Vũ Văn Bình - gương mặt tiêu biểu toàn quân năm 2017
Những áp lực từ các dự án lớn tại Viettel và môi trường làm việc “không dễ dàng” tại đơn vị chính là động lực lớn để Vũ Văn Bình (SN 1989, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội - Viettel) phải luôn nỗ lực hằng ngày, hàng giờ và trưởng thành. Anh được bầu chọn là gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu khối lao động sản xuất năm 2017 đồng thời cũng là gương mặt tiêu biểu toàn quân năm 2017.
Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu Nguyễn Thị Oanh: Coi khó khăn là động lực để giành lấy vinh quang
Vượt qua mọi khó khăn, thử thách, bệnh tật với sự nỗ lực, bền bỉ vươn lên không ngừng, cô gái trẻ Nguyễn Thị Oanh, sinh năm 1995, đến từ Bắc Giang đã mang về hàng chục tấm huy chương trong nước và quốc tế tại các giải điền kinh, đem lại niềm tự hào cho điền kinh nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung. Vừa qua, Oanh vinh dự được bầu chọn là một trong 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019.
Gặp mặt gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu
Tối 23/3, các gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2019 đã có mặt tại Hà Nội và tham dự buổi gặp gỡ với Ban tổ chức giải thưởng.
Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2019 Trương Thế Diệu: Gặt hái thành công nhờ sự bền bỉ và nỗ lực vượt khó
Với nỗ lực không ngừng nghỉ và thành tích xuất sắc đoạt Huy chương Bạc nghề Phay CNC tại kỳ thi Tay nghề Thế giới lần thứ 45, Trương Thế Diệu (sinh năm 1997, Viện Đào tạo Kỹ năng nghề DENSO, Công ty DENSO Việt Nam) đã được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh bình chọn là một trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2019, lĩnh vực lao động sản xuất.
Gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam 2019 Hoàng Hoa Trung: Lan tỏa tình yêu thương đến trẻ khuyết tật
Gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam 2019 Hoàng Hoa Trung, sinh năm 1990 (quận Thanh Xuân, Hà Nội) được biết đến không chỉ là Trưởng nhóm tình nguyện Niềm Tin, làm thiện nguyện từ năm 17 tuổi, mà còn được biết đến với biệt danh: “Trung nuôi em”, “Trung đồng nát”. 



Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...