Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 29 °C / 23 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Nhịp sống trẻ
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Những “nghệ sĩ nhí” tài năng

Cập nhật: 21:02 ngày 24/06/2022
(BGĐT) - Nhắc đến các em Lê Như Quỳnh và Nguyễn Bảo Nam (cùng SN 2009) ở Câu lạc bộ (CLB) Văn hóa dân gian huyện Việt Yên (Bắc Giang), nhiều người đều biết đó là những “nghệ sĩ nhí” nổi danh trên các sân chơi văn hóa âm nhạc dân gian trong và ngoài tỉnh.  

Liền chị nhí

Lê Như Quỳnh sinh ra và lớn lên ở thôn Nguyễn, xã Trung Sơn (Việt Yên), bố em làm ruộng, mẹ làm công nhân. Phát hiện Quỳnh có năng khiếu hát quan họ, năm lớp 4, cô Tổng phụ trách Đội của trường giới thiệu em tham gia sinh hoạt ở CLB Văn hóa dân gian huyện Việt Yên từ đó đến nay. So với các loại dân ca, quan họ rất kén giọng, không phải cứ hát hay các dòng nhạc là hát quan họ tốt. Ban đầu, Quỳnh gặp khó khăn về kỹ thuật lấy hơi, cách luyến láy, nhấn nhá ca từ.

{keywords}

Các em Lê Như Quỳnh và Nguyễn Bảo Nam chia sẻ kỹ năng biểu diễn nghệ thuật dân gian.

Được sự dìu dắt, hướng dẫn nhiệt tình, chu đáo của ban chủ nhiệm, các nghệ nhân quan họ trong CLB, các thầy, cô giáo Trường Trung cấp Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang, Quỳnh ngày càng tiến bộ. Quỳnh tâm sự: "Ngoài sinh hoạt ở CLB, ở nhà em thường xuyên xem, nghe các video quan họ trên mạng Internet do các nghệ sĩ, nghệ nhân quan họ thể hiện, như NSƯT Thúy Hường, giảng viên Trường Trung cấp Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh; nghệ nhân ưu tú Phú Hiệp - người hát quan họ nổi tiếng ở làng Thổ Hà, xã Vân Hà (Việt Yên). 

Có những hôm em đứng trước gương hàng tiếng đồng hồ để tập phong cách biểu diễn từ dáng đi, động tác, đến nét biểu cảm của gương mặt, nụ cười". Hiện Quỳnh có thể biểu diễn hơn 20 làn điệu quan họ lời cổ, như: “Đi cấy”, “Vào chùa”, "Trên rừng 36 thứ chim”, “Lý cây đa”...

Chị Dương Thị Hoài Thu, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao, Chủ nhiệm CLB Văn hóa dân gian huyện Việt Yên nhận xét: "Quỳnh là cô bé thông minh, xinh xắn, dịu dàng, có chất giọng đẹp, vang, rền; khả năng cảm thụ âm nhạc rất tốt; phong cách biểu diễn tự tin, duyên dáng. Nhiều làn điệu quan họ cổ rất khó thể hiện nhưng với niềm đam mê cháy bỏng, sự nỗ lực cao độ, em đã khẳng định được bản thân".

Vài năm gần đây, Quỳnh để lại dấu ấn ở nhiều hội thi, cuộc liên hoan lớn trong và ngoài tỉnh, như: Giải Nhất tại Liên hoan quan họ tỉnh Bắc Giang năm 2019; Huy chương Đồng Liên hoan Giai điệu sơn ca toàn quốc năm 2020 do Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức; giải Nhì sân chơi Măng non quan họ Bắc Ninh mở rộng năm 2021... 

Hiện em là Liên đội trưởng Trường THCS Trung Sơn, hạt nhân nòng cốt phong trào văn nghệ của trường. Quỳnh mong muốn sau này trở thành nghệ sĩ, giảng viên chuyên dạy quan họ cho học sinh và các bạn trẻ, góp sức nhỏ bé của mình để bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Biệt tài sáo trúc

Nguyễn Bảo Nam vừa học xong lớp 7 Trường THCS Thân Nhân Trung (Việt Yên). Hồi nhỏ theo mẹ đi chùa, Nam được mẹ mua cho cây sáo làm quà kỷ niệm, em tỏ ra thích thú với nhạc cụ độc đáo này. Vốn có năng khiếu âm nhạc, kết hợp tự học hỏi thổi sáo trên mạng, em tiếp thu nhanh và biết cách chơi. Những lúc rảnh rỗi, tiếng sáo vi vu lại cất lên trong ngôi nhà của cậu học trò nhỏ. 

Cậu bé đam mê đến nỗi khi ngủ cũng để cây sáo bên người, coi sáo như người bạn thân thiết. Năm 2018, qua giới thiệu của người quen, Bảo Nam được gia đình đưa đến học sáo nâng cao do NSƯT Đức Liên-người chơi sáo nổi tiếng trong giới âm nhạc, nguyên Trưởng Phòng Nhạc cụ dân tộc, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam trực tiếp truyền dạy.

Để chơi sáo trúc hay đòi hỏi phải có sự sáng tạo, tinh tế. Người chơi phải liên tục điều chỉnh môi, lưỡi, cột hơi, góc độ lỗ thổi, ngón tay, các nốt sao cho linh hoạt, nhịp nhàng. Với lối chơi khá chuyên nghiệp, những tác phẩm do Bảo Nam thể hiện có sức truyền cảm, lôi cuốn, hấp dẫn người nghe. Đặc biệt, Bảo Nam thể hiện rất xuất sắc những tác phẩm do các nhạc sĩ phổ nhạc, phát triển, sáng tạo, làm mới trên chất liệu âm nhạc cũ. Các video clip thổi sáo của Bảo Nam được đăng tải trên Youtube thu hút sự quan tâm, theo dõi của hàng nghìn người hâm mộ.

Ngoài sở trường sáo trúc, Bảo Nam còn chơi rất tốt các loại nhạc cụ khác như: Sáo H’Mông, tiêu (loại sáo thổi dọc), sáo bầu, đàn môi... với nhiều dòng nhạc khác nhau (nhạc cách mạng, nhạc trẻ, nhạc dân gian). Các tác phẩm "Trên đường chiến thắng", "Bình minh quê hương", "Trăng sáng quê tôi", "Bài ca trên núi", "Tiếng hát giữa rừng Pác Bó", "Bèo dạt mây trôi"... do Bảo Nam thể hiện đã chinh phục khán giả ở nhiều sân chơi âm nhạc lớn.

Từ năm 2018 đến nay, Bảo Nam tham gia nhiều chương trình, hội thi và giành giải cao như: "Biệt tài tí hon" trên sóng VTV3 năm 2018 (xếp thứ 2 trong tốp 5 thí sinh); Liên hoan nghệ thuật măng non toàn quốc khu vực miền Bắc năm 2019 (giải A); Hội thi ca, múa, nhạc những tác phẩm viết về Bắc Giang năm 2018, 2022 (giải A); Cuộc thi tìm kiếm tài năng nhí tỉnh Bắc Giang năm 2019 (cúp Bạc).

Không chỉ giỏi chơi sáo, Bảo Nam còn có đam mê với môn Lịch sử, được thầy, cô giáo và bạn bè yêu mến. Từ năm lớp 1 đến nay, em liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi. Những ngày hè, Bảo Nam vẫn thường xuyên tự nghiên cứu, trau dồi kiến thức để nâng cao chất lượng chuyên môn nghệ thuật.

Bài, ảnh: Công Doanh

Bắc Giang tổ chức Liên hoan hát Quan họ lần thứ VII năm 2022
(BGĐT) - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang vừa ban hành Kế hoạch tổ chức Liên hoan hát Quan họ tỉnh Bắc Giang lần thứ VII năm 2022 nhằm tuyên truyền, quảng bá, tôn vinh những giá trị di sản văn hóa Quan họ trong đời sống cộng đồng.
Bắc Giang: Mạch nguồn quan họ chảy mãi
(BGĐT) - Dân ca quan họ được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại ngày 30/9/2009. Thời gian qua, công tác bảo tồn, quảng bá và phát huy giá trị di sản quan họ ở nhiều địa phương và trên quy mô cấp tỉnh được chú trọng. Việc truyền dạy quan họ cho thế hệ trẻ được quan tâm, giúp cho loại hình nghệ thuật này sống mãi với thời gian.
Hội Văn hóa quan họ Bắc Giang: Chung tay bảo tồn, lan tỏa di sản
(BGĐT) - Được thành lập năm 2016, Hội Văn hóa quan họ Bắc Giang trở thành mái nhà chung của những người yêu thích và có khả năng biểu diễn, truyền dạy các làn điệu dân ca quan họ. Hoạt động tích cực và sáng tạo với các tiêu chí “mạnh về tổ chức, giỏi về chuyên môn, đẹp về lối sống”, Hội góp phần bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc.
Gần 400 liền anh, liền chị tham dự Liên hoan dân ca quan họ huyện Việt Yên lần thứ XX
(BGĐT) - Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Việt Yên (Bắc Giang) vừa tổ chức Liên hoan dân ca quan họ lần thứ XX.
Truyền dạy hát chèo, quan họ cho hạt nhân văn nghệ cơ sở TP Bắc Giang
(BGĐT) - Trung tâm Văn hoá - Điện ảnh tỉnh Bắc Giang và UBND phường Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang) vừa phối hợp tổ chức lớp truyền dạy hát dân ca. 


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...