(BGĐT) - Phát huy vai trò của thanh niên trong chuyển đổi số, Tỉnh đoàn Bắc Giang đã phối hợp với một số đơn vị triển khai phần mềm tích hợp thông tin, dữ liệu di tích vào mã QR. Qua đó tạo thuận lợi cho du khách tìm hiểu về các điểm đến, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, quảng bá về hình ảnh vùng đất, con người địa phương.
Thông tin phong phú
Sau một năm triển khai, đến nay, Tỉnh đoàn đã hoàn thành 3 công trình tích hợp thông tin vào mã QR tại chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng), chùa Bổ Đà (Việt Yên) và Địa điểm chiến thắng Xương Giang (TP Bắc Giang). Đến dâng hương, vãn cảnh chùa, chị Nguyễn Thị Thúy ở xã Ngọc Châu (Tân Yên) cho biết: “Chùa Bổ Đà là địa điểm tâm linh tôi đã đến nhiều lần nhưng ngại đọc ở các bảng giới thiệu mất nhiều thời gian. Nay trở lại, tôi thấy ở cổng có bảng mã QR sử dụng điện thoại thông minh để quét rất tiện. Nội dung giới thiệu về di tích được thuyết minh trên nền nhạc du dương, hình ảnh ba chiều sinh động kèm tính năng chỉ đường nên tôi có thể quan sát tổng thể di tích, khám phá thêm nhiều điều”.
 |
Du khách quét mã QR tìm hiểu về chùa Bổ Đà. |
Từ 4 năm nay, vào dịp lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm, anh Nguyễn Văn Khánh ở phường Suối Hoa, TP Bắc Ninh (Bắc Ninh) lại về dự hội. Dù nhiều lần đến đây nhưng anh vẫn chưa có dịp tìm hiểu sâu về bộ mộc bản nổi tiếng của chùa. Lần này, anh và các bạn quét mã QR trên tấm bảng lớn lắp đặt ngay cổng vào. Vừa vãn cảnh, vừa nghe thuyết minh về di tích, anh có thể cảm nhận rõ hơn về giá trị lịch sử, văn hoá, kiến trúc của điểm đến. Anh Khánh chia sẻ: “Chỉ vài thao tác đơn giản, tôi có ngay những thông tin thú vị và quan trọng về ngôi chùa. Đặc biệt là dữ liệu về hơn 3 nghìn mộc bản".
Tại TP Bắc Giang, đến nay Thành đoàn đã phối hợp với các phòng chức năng lắp đặt biển hướng dẫn tra cứu, tìm hiểu về các địa danh qua quét mã QR trên ứng dụng Zalo tại 10 di tích, đó là: Đền Xương Giang, đình, chùa Thành (phường Xương Giang); đình Vĩnh Ninh (phường Hoàng Văn Thụ); đền Tân Ninh (phường Trần Phú); chùa Kế (phường Dĩnh Kế); đình - chùa làng Vẽ (phường Thọ Xương); Khu lưu niệm Nhà yêu nước Nguyễn Khắc Nhu và mộ, đền thờ Tiến sĩ Đào Toàn Bân (xã Song Khê); phần mộ, nhà bia, sinh từ Việp quận công Hoàng Ngũ Phúc (xã Tân Mỹ). Trong năm 2023, Thành đoàn tiếp tục số hóa đối với các di tích cấp tỉnh trên địa bàn để tạo thuận lợi cho du khách nghiên cứu, tìm hiểu mà không phải mất công tìm kiếm, tra cứu.
Góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di tích
Ứng dụng công nghệ thông tin có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quảng bá, phát triển du lịch, là cầu nối đưa du khách đến với Bắc Giang. Để đóng góp thiết thực vào nhiệm vụ phát triển du lịch của tỉnh, Tỉnh đoàn chỉ đạo tổ chức đoàn các cấp đẩy mạnh chương trình “Số hóa các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh”. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, đơn vị thực hiện số hóa dữ liệu, thông tin về danh lam, thắng cảnh. Với quyết tâm đó, đến nay, tổ chức đoàn các cấp trong tỉnh đã hoàn thành 92 công trình số hóa. Một số đơn vị tiêu biểu như: Huyện đoàn Lạng Giang, Việt Yên, Yên Thế, Thành đoàn Bắc Giang. Theo anh Lương Văn Huy, Bí thư Thành đoàn Bắc Giang: Mã QR giúp du khách có thể tự mình tìm hiểu và lưu lại các bài viết trên điện thoại để nghiên cứu, tìm hiểu sâu về các điểm đến. Qua đó cảm nhận rõ nét, trọn vẹn hơn về giá trị văn hóa, lịch sử. Các thông tin lưu về có thể dễ dàng chia sẻ cũng góp phần lan tỏa hình ảnh, quảng bá về du lịch địa phương.
Đến nay, toàn tỉnh có 92 công trình được tổ chức Đoàn số hóa thông qua mã QR, trong đó có 3 công trình cấp tỉnh. Giai đoạn 2022- 2025, Tỉnh đoàn phấn đấu hoàn thành ít nhất 15 công trình số hóa các địa danh, khu du lịch trong tỉnh. |
Công trình số hóa các di tích đã thể hiện vai trò, trách nhiệm của tuổi trẻ trong việc góp phần bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử. Thời gian tới, Tỉnh đoàn tổ chức hội thảo đánh giá về quá trình ứng dụng phần mềm nhằm chỉ ra những hạn chế, vướng mắc để kịp thời điều chỉnh, khắc phục. Anh Giáp Xuân Cảnh, Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: Năm 2023, Tỉnh đoàn tiếp tục xây dựng đội hình tình nguyện truyền thông về văn hóa, danh lam, thắng cảnh của tỉnh và phấn đấu hoàn thành thêm 3-5 công trình số hóa. Tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương, doanh nghiệp xây dựng đồng bộ hệ thống tra cứu, gắn biển và lắp đặt các trạm phát sóng, điểm phát wifi miễn phí ở khu du lịch, có công trình số hóa nhằm đáp ứng yêu cầu truy cập mạng Internet của nhân dân, du khách. Đồng thời, phát huy vai trò của tuổi trẻ trong việc bảo tồn, gìn giữ và lan tỏa giá trị di sản địa phương thông qua các chương trình về nguồn, hành trình đến với “địa chỉ đỏ”...
Với những giải pháp tích cực, tin rằng việc quảng bá, giới thiệu hình ảnh vùng đất, con người Bắc Giang đến bạn bè trong, ngoài nước sẽ ngày một lan tỏa mạnh mẽ hơn.
Bài, ảnh: Ngọc Anh
Anh Nguyễn Văn Thức: Cán bộ Đoàn dám nghĩ, dám làm(BGĐT) - Dám nghĩ, dám làm, anh Nguyễn Văn Thức (SN 1987), Bí thư Đoàn xã Bảo Đài, huyện Lục Nam (Bắc Giang) đã mạnh dạn đầu tư mô hình trồng rau công nghệ cao, bảo đảm tiêu chuẩn VietGAP. Hiện mỗi tháng anh Thức có doanh thu 1 tỷ đồng, là người truyền cảm hứng khởi nghiệp cho nhiều thanh niên địa phương.
10 gương mặt trẻ tiêu biểu tỉnh Bắc Giang năm 2022(BGĐT) - Tỉnh đoàn Bắc Giang vừa công bố danh sách 10 gương mặt trẻ tiêu biểu toàn tỉnh năm 2022. Đây là giải thưởng nhằm tôn vinh thanh niên có thành tích xuất sắc trong học tập, rèn luyện, nghiên cứu khoa học, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Lễ trao giải dự kiến tổ chức vào ngày 24/3 trong chương trình "Khát vọng cống hiến - Lẽ sống thanh niên" tại Trung tâm Hội nghị tỉnh