Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 23 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Pháp luật
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Kiểm sát chặt chẽ công tác thi hành án hình sự

Cập nhật: 08:57 ngày 04/03/2019
(BGĐT) - Bằng nhiều cách làm sáng tạo, công tác kiểm sát thi hành án hình sự của Viện KSND hai cấp trong tỉnh Bắc Giang đã đạt những kết quả rõ nét, góp phần để bản án, quyết định của tòa án được chấp hành nghiêm túc. 

Một trong những nội dung của kiểm sát thi hành án hình sự là kiểm sát chặt các trường hợp hoãn, không tự nguyện thi hành án, án treo, cải tạo không giam giữ và các hình phạt bổ sung như quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ...

{keywords}

Kiểm sát viên Viện KSND huyện Hiệp Hòa tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại cơ sở.

Nhằm hạn chế tình trạng đối tượng hưởng án treo có tư tưởng chống đối, trốn tránh, không chấp hành, cơ quan kiểm sát đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong thống kê, quản lý, theo dõi lý lịch các bị án cũ hoặc phát sinh. Từ đó, bảo đảm tính chính xác, thuận tiện khi báo cáo và giảm tải khối lượng lớn công việc cho kiểm sát viên. Các đơn vị tăng cường kiểm sát đột xuất những trường hợp bị kết án phạt tù nhưng chưa thi hành, trốn thi hành án; kiểm sát trách nhiệm của tòa án, công an.

Ông Hoàng Văn Quý, Viện trưởng Viện KSND huyện Hiệp Hòa cho biết: “Cuối năm 2018, Viện KSND huyện kiểm sát việc ra quyết định thi hành án của TAND huyện và phát hiện đơn vị chưa thực hiện đúng về thời hạn giải quyết đơn xin hoãn chấp hành án phạt tù. Chúng tôi đã có văn bản kiến nghị để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, quyền lợi cho bị án và được TAND huyện tiếp thu, cam kết không để tình trạng đó tiếp tục xảy ra”.

Cách thức kiểm sát cũng được đổi mới. Kiểm sát viên không chỉ làm việc với UBND xã, công an xã, người quản lý, giáo dục đối tượng được hưởng án treo mà còn gặp gỡ trực tiếp bị án để kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong thời gian thử thách. 

Bà Dương Thị Thúy, kiểm sát viên bộ phận kiểm sát thi hành án hình sự Viện KSND huyện Hiệp Hòa cho biết: “Hiện đơn vị đang kiểm sát 173 trường hợp hưởng án treo thuộc địa bàn 18/26 xã, thị trấn. Lồng ghép trong các buổi kiểm sát trực tiếp, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho bị án. Đồng thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, động viên họ khắc phục những khó khăn trong cuộc sống, không phạm tội mới, sớm tái hòa nhập cộng đồng”.

Ông Nguyễn Văn Thế ở xã Hoàng Vân (Hiệp Hòa) phạm tội đánh bạc, giữa năm 2018, ông bị TAND huyện ra quyết định chấp hành án phạt tù 9 tháng và được hưởng án treo, thời gian thử thách 18 tháng. Qua những buổi tuyên truyền pháp luật, ông hiểu rõ hơn về quyền lợi và nghĩa vụ của bản thân trong việc thi hành án. Vì thế, ông luôn chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, đến UBND xã viết bản cam kết đúng quy định. 

Hay như anh Nguyễn Xuân Th ở xã Ninh Sơn (Việt Yên) phải chấp hành 18 tháng tù treo, thời gian thử thách 36 tháng vì phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Cơ quan kiểm sát thấy rõ trong quá trình thi hành án, anh Th không phạm tội mới, chấp hành nghiêm các quy định, tích cực tìm hiểu pháp luật nên có đủ các điều kiện để được rút ngắn thời gian thử thách của án treo còn 30 tháng.

Ở nhiều đơn vị, kiểm sát viên theo dõi công tác thi hành án hình sự có sự ổn định, không luân chuyển sang bộ phận khác nên tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Kiểm sát viên luôn nắm chắc việc ra, gửi bản án, quyết định thi hành án của tòa án. Vì thế, việc kiểm sát thi hành án hình sự đạt kết quả cao. Nhiều đơn vị vượt chỉ tiêu của ngành giao về việc kiểm sát tổng số xã, phường, thị trấn có đối tượng hưởng án treo.

Tuy nhiên, công tác kiểm sát thi hành án hình sự vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Ông Thân Hồng San, Viện trưởng Viện KSND huyện Việt Yên cho biết, có thời điểm, việc áp giải bị án đang thi hành án phạt tù được tại ngoại không thành công do họ trốn tránh nghĩa vụ hoặc liên tục phải điều trị tại bệnh viện hay cố tình vắng mặt tại nơi cư trú. 

Ngoài ra, cán bộ ở một số xã, thị trấn kiêm nhiệm nhiều việc, có thời điểm chưa sâu sát giám sát, kiểm điểm bị án, công tác phối hợp với cơ quan kiểm sát chưa thường xuyên. Chế độ đãi ngộ cho cán bộ cấp xã khi phối hợp thực hiện kiểm sát thi hành án hình sự chưa cao. Đây cũng là khó khăn chung của các huyện, TP khác.

Khắc phục những khó khăn này, Viện KSND tỉnh đã đề nghị các đơn vị cấp huyện, TP và trực tiếp là kiểm sát viên phụ trách kiểm sát thi hành án hình sự phải nghiêm túc trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả trách nhiệm, quyền hạn của mình. 

Tích cực phối hợp với cơ quan liên quan duy trì chế độ thông tin, báo cáo để sớm phát hiện sai sót, kịp thời chấn chỉnh. Kiểm sát viên quan tâm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thi hành án hình sự cho bị án cũng như cán bộ, người có trách nhiệm liên quan để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của bị án, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan chuyên môn thực thi pháp luật.

Mạc Yến

Cưỡng chế kê biên tài sản thi hành án: Kiên quyết ngay từ đầu năm
(BGĐT)- Thực hiện nhiệm vụ năm 2019, ngay từ những tháng đầu năm, cơ quan thi hành án dân sự tỉnh Bắc Giang đã vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt thi hành những án có đủ điều kiện, án tồn đọng kéo dài, số tiền lớn và liên quan đến tín dụng ngân hàng. 
 
Khởi tố Chi cục trưởng thi hành án dân sự nhận hối lộ
Ngày 11-12, ông Vũ Văn Diến, Viện trưởng Viện KSND tỉnh Lâm Đồng xác nhận thông tin: Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao đã tống đạt Quyết định khởi tố bị can đối với ông Bùi Văn Hoạt, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự TP Bảo Lộc (Lâm Đồng).
 
Thi hành án liên quan đến nợ xấu tại các tổ chức tín dụng còn bất cập
(BGĐT) - Xử lý nợ xấu tại các ngân hàng thương mại thường gặp nhiều khó khăn, song vướng mắc lớn nhất hiện nay là thi hành án (THA) tài sản của tổ chức, cá nhân đã thế chấp. Điều này đòi hỏi có sự điều chỉnh, tháo gỡ những bất cập nảy sinh từ cơ chế chính sách đến công tác phối hợp giữa các bên liên quan.
 
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...