Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 23 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Pháp luật
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Kháng nghị phúc thẩm dân sự: Bảo đảm lợi ích hợp pháp cho đương sự

Cập nhật: 13:58 ngày 22/03/2019
(BGĐT) - Thông qua công tác kháng nghị phúc thẩm dân sự của Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) hai cấp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, nhiều bản án, quyết định chưa đúng của phiên tòa sơ thẩm được kịp thời sửa đổi trong phiên xử phúc thẩm. Nhờ vậy bảo đảm lợi ích hợp pháp cho công dân, tổ chức. 

Rà soát kỹ bản án

Ngày 12-2-2019, tại phiên xét xử sơ thẩm, TAND TP Bắc Giang xét xử vụ án "Tranh chấp hợp đồng vay tài sản" giữa các đương sự gồm: Nguyên đơn là ông Nguyễn Văn M (SN 1967) ở phường Xương Giang (TP Bắc Giang), bị đơn là ông Nguyễn Văn D (SN 1956) ở cùng địa chỉ. 

{keywords}

Các kiểm sát viên trao đổi về nội dung bản án sơ thẩm có tính chất phức tạp để đưa ra kháng nghị chuẩn xác.

Theo giấy biên nhận vay tiền, năm 2009, ông M cho ông D vay 450 triệu đồng và không ghi mức lãi suất. Mức lãi suất được hai bên thỏa thuận miệng. Bản án của TAND TP tuyên đã buộc ông D phải trả cho ông M số tiền vay gốc và thanh toán số tiền lãi là gần 394 triệu đồng.

Tuy nhiên, thông qua công tác kiểm sát bản án, Viện KSND tỉnh thấy phán quyết của tòa cấp sơ thẩm chưa hợp lý nên đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại. Kháng nghị phúc thẩm đã đề nghị TAND tỉnh đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm bởi các lý do: Hợp đồng vay tiền giữa hai bên đương sự không ghi rõ mức lãi suất nên căn cứ theo quy định của Bộ Luật Dân sự ông D phải trả tiền lãi theo mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm vay là 9,0%/năm. 

Việc tòa án cấp sơ thẩm xử buộc ông D phải trả gần 394 triệu đồng tiền lãi là áp dụng mức lãi suất 10%/năm, nhiều hơn so với quy định của pháp luật, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của ông D.

Ở một vụ án khác, tại bản án sơ thẩm ngày 19-6-2018 về giải quyết vụ án "Yêu cầu tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu" giữa các đương sự, TAND huyện Việt Yên đã tuyên vợ chồng ông, bà Nguyễn Văn N và Lê Thị B ở khu 2, thị trấn Nếnh (Việt Yên) phải chịu tiền án phí dân sự sơ thẩm tương đương với số tiền của thửa đất đang bị khởi kiện là 300 nghìn đồng.

Nghiên cứu kỹ bản án, kiểm sát viên Viện KSND tỉnh nhận thấy kết luận như vậy chưa chuẩn xác, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước. Nguyên nhân là trường hợp này, ngoài việc chịu án phí không có giá ngạch thì còn phải thực hiện nghĩa vụ về tài sản. Do vậy, Viện KSND tỉnh đã đưa ra kháng nghị và yêu cầu tòa án cấp sơ thẩm sửa bản án sơ thẩm về phần án phí buộc vợ chồng ông, bà N, B phải nộp thêm 36 triệu đồng theo đúng quy định.

Bảo đảm chất lượng kháng nghị

Kháng nghị phúc thẩm dân sự là nhiệm vụ, đồng thời là quyền pháp lý được Nhà nước giao cho Viện KSND để kháng nghị đối với những bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật khi phát hiện có sai phạm. Theo đó, tòa án cấp trên phải xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm nhằm bảo đảm đúng pháp luật.

Thống kê của cơ quan chức năng, từ năm 2018 đến nay, Viện KSND tỉnh đã kháng nghị phúc thẩm dân sự 32/158 vụ. Trong đó 100% kháng nghị phúc thẩm án dân sự của Viện KSND tỉnh đều được TAND tỉnh chấp nhận.

Bà Nguyễn Thị Tuyết, Trưởng Phòng Kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình (Phòng nghiệp vụ 9 -Viện KSND tỉnh) cho biết: “Với chức năng được giao, thời gian qua, Phòng đã tích cực tham mưu giúp lãnh đạo Viện nắm, theo dõi, quản lý các đơn vị cấp huyện gửi bản án sơ thẩm về Viện KSND tỉnh. Mặt khác coi chất lượng kháng nghị phúc thẩm là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua hằng năm của kiểm sát viên".

Bên cạnh việc nắm rõ nội dung bản án sơ thẩm, phát hiện vi phạm để tham mưu ban hành kháng nghị phúc thẩm hoặc kiến nghị khắc phục vi phạm, Phòng nghiệp vụ còn ban hành các thông báo kết quả gửi bản án, thông báo rút kinh nghiệm những trường hợp bản án có vi phạm nhưng Viện KSND cấp huyện không phát hiện được để thực hiện quyền pháp lý của mình. 

Ngoài ra, Viện KSND hai cấp cũng thường xuyên tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm. Tại đây, các bản án sơ thẩm được xem xét mức độ phù hợp với tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án và kết quả tranh luận tại tòa án. Nếu phát hiện sai phạm, kiểm sát viên sẽ báo cáo lãnh đạo ban hành kháng nghị trong từng trường hợp cụ thể.

Ông Nguyễn Văn Lượng, Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh cho biết: "Số vụ việc tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình còn xảy ra nhiều, tính chất vụ việc ngày càng đa dạng. Thời gian tới, để nâng cao hơn nữa chất lượng phúc thẩm dân sự, đơn vị tiếp tục thực hiện tốt việc rèn luyện kiểm sát viên về kỹ năng kiểm sát bản án, quyết định của TAND, kịp thời phát hiện vi phạm để xem xét, quyết định kháng nghị. 

Cùng đó, thực hiện tốt hơn nữa việc phối hợp giữa các đơn vị để tháo gỡ khó khăn đối với vụ việc phức tạp; những việc có nhiều ý kiến, nhận thức khác nhau trong việc áp dụng pháp luật trước khi đưa ra xét xử hoặc sau khi tuyên án để kịp thời ban hành kháng nghị nếu có vi phạm".

Vân Anh

Kháng nghị giám đốc thẩm vụ án tranh chấp đất tại xã Hoàng Ninh
(BGĐT) - TAND cấp cao tại Hà Nội vừa có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án dân sự phúc thẩm số 65/2015/DS-PT ngày 15-9-2015 của TAND tỉnh Bắc Giang xét xử vụ tranh chấp quyền sử dụng đất giữa hộ bà Phùng Thị Liên và hộ ông Ngô Văn Thoải cùng trú tại thôn My Điền 1, xã Hoàng Ninh (Việt Yên).
 
Kháng nghị phúc thẩm hình sự: Bảo đảm đúng tội danh, khung hình phạt
(BGĐT) - Thông qua công tác kháng nghị phúc thẩm hình sự của Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) hai cấp, nhiều bản án, quyết định chưa đúng của phiên tòa sơ thẩm được kịp thời sửa đổi trong phiên xử phúc thẩm, bảo đảm sự công bằng, nghiêm minh của pháp luật.
 


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...