Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 29 °C / 23 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Pháp luật
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số: Đa dạng hình thức tuyên truyền, bảo đảm hiệu quả

Cập nhật: 08:50 ngày 09/07/2019
(BGĐT) - Việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được các cấp ủy, chính quyền, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh Bắc Giang quan tâm với phương châm “mưa dầm thấm lâu”. Qua đó nhằm hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân. 

Phạm tội do thiếu hiểu biết

Lên công tác ở các xã vùng cao thuộc huyện Lục Ngạn, Sơn Động, chúng tôi được nghe về nhiều trường hợp vi phạm pháp luật do nhận thức hạn chế, bị kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo. 

{keywords}

Cán bộ xã Biên Sơn cùng vào cuộc tuyên truyền pháp luật.

Có mặt tại trụ sở UBND xã Giáo Liêm (Sơn Động) đúng lúc Công an huyện triệu tập anh Vi Văn L, dân tộc Nùng đến yêu cầu khai báo về việc xuất nhập cảnh trái phép và bị cơ quan chức năng bắt giữ, đưa về địa phương quản lý. Bản thân anh L hiền lành, thật thà, hoàn cảnh khó khăn nên vượt biên trái phép tìm việc làm. Được giải thích, tuyên truyền, anh L đã khai báo nghiêm túc, cam kết không vi phạm.

Theo thống kê, hiện xã Giáo Liêm có khoảng 40 trường hợp xuất cảnh trái phép. Từ đầu năm 2019 đến nay, có hai người bị phát hiện và đưa về địa phương. Đảng ủy, UBND xã đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể cùng vào cuộc tuyên truyền vấn đề này tới đông đảo người dân. 

Anh Nguyễn Văn Vui, Công chức Tư pháp - Hộ tịch xã Giáo Liêm cho biết: “Xã có hơn 85% dân số là người dân tộc thiểu số. Khi tuyên truyền, chúng tôi lấy dẫn chứng từng tình huống, ví dụ cụ thể, nội dung tuyên truyền ngắn gọn để bà con tiếp thu. Vì thế, nhiều người đã hiểu nếu xuất cảnh trái phép sẽ gặp rủi ro như bị bóc lột sức lao động, đánh đập, bị lực lượng chức năng nước sở tại bắt giữ”.

Còn tại xã Biên Sơn (Lục Ngạn), nhiều năm nay không xảy ra các vụ việc phức tạp nhưng tệ nạn ma túy đã len lỏi vào nhiều hộ dân. Hiện xã có 10 đối tượng nghiện và 3 đối tượng nghi nghiện, trong số này đa phần còn rất trẻ, nguyên nhân dẫn đến nghiện ngập là vì đua đòi, không tỉnh táo trước cám dỗ. Bố mẹ thiếu kiến thức, không thường xuyên quan tâm định hướng, giáo dục nên những thanh niên ấy ngày càng lấn sâu vào tệ nạn. 

6 tháng đầu năm, cơ quan điều tra hai cấp đã phát hiện, khởi tố gần 600 vụ án hình sự các loại với hơn 900 bị can. Trong số đó, 53 bị can là người dân tộc thiểu số, chủ yếu ở các tội ma túy, đánh bạc, cố ý gây thương tích, trộm cắp.

Để phòng, chống các loại tội phạm, nhất là tội phạm ma túy, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn, các đoàn thể, ban ngành trong xã Biên Sơn tích cực vào cuộc. 

Lực lượng công an tăng cường tuần tra, quản lý đối tượng nghiện, nghi nghiện; công chức tư pháp-hộ tịch tham mưu với cấp ủy, chính quyền tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trọng tâm là công tác phòng, chống ma túy; hội viên phụ nữ, đoàn viên quan tâm động viên, giáo dục con em mình.

Trang bị kiến thức pháp luật

Bên cạnh sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, các hội, đoàn thể, người uy tín tại thôn, bản cũng nhiệt tình tham gia tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân tộc thiểu số. 

Điển hình như bà Mã Thị Đéng, người có uy tín và là tuyên truyền viên pháp luật tại thôn Trại Mới, xã Biên Sơn biết anh Hoàng Văn Đ (SN 1996, dân tộc Nùng) cùng thôn nghiện ma túy nên thường đến nhà khuyên nhủ, động viên anh và người thân cố gắng vượt qua khó khăn, tuổi đời của Đ còn trẻ, còn nhiều cơ hội làm lại. Đ suy nghĩ đến bố ốm nặng, mẹ làm lụng vất vả nên tự cố gắng cai nghiện và tránh xa đám bạn xấu.

Qua rà soát, toàn tỉnh có hơn 500 người uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Phát huy vai trò của người có uy tín, 6 tháng đầu năm nay, Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức 13 hội nghị tuyên truyền những văn bản, bộ luật mới, sửa đổi, bổ sung, chính sách cho người dân tộc để họ về địa phương tuyên truyền cho nhân dân.

Đồng thời, chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội thực hiện một số đề án như: Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông, phòng chống tội phạm ma túy, buôn bán người trong vùng dân tộc thiểu số...

Với mục đích đưa pháp luật tới gần dân, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh (Sở Tư pháp) tích cực trợ giúp pháp lý lưu động kết hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tổ chức 53 cuộc trợ giúp tại các thôn, bản khó khăn để giải đáp những thắc mắc của bà con. 

Ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm cho cho biết: "Năm nay, Trung tâm đẩy mạnh trợ giúp pháp lý về các quy định của hoạt động tố tụng đến nhóm đối tượng chính sách, trong đó có người dân tộc thiểu số. 6 tháng đầu năm đã có gần 100 trường hợp được trợ giúp viên đứng ra đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp tại các phiên tòa".

Đẩy mạnh phối hợp, trao đổi thông tin về trợ giúp pháp lý
(BGĐT)-Ngày 21-12, Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý (TGPL) trong hoạt động tố tụng tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị triển khai công tác phối hợp liên ngành năm 2019. Đồng chí Đặng Văn Nguyên, Giám đốc Sở Tư pháp, Chủ tịch Hội đồng chủ trì. 
Trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng: Góp phần xét xử đúng người, đúng tội
(BGĐT) - Chủ động khắc phục khó khăn, Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) Nhà nước tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện tốt công tác TGPL trong hoạt động tố tụng. Qua đó bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được TGPL.

Mạc Yến

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...