Thứ ba, 23/04/2024
Bắc giang 28 °C / 24 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Pháp luật
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Lao động trái phép tại Trung Quốc: Dễ đi, khó về

Cập nhật: 08:41 ngày 03/12/2019
(BGĐT) - Mỗi năm, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có hàng nghìn người xuất cảnh trái phép (XCTP) sang Trung Quốc lao động. Mặc dù lực lượng chức năng tích cực tuyên truyền, cảnh báo về rủi ro khi XCTP nhưng nhiều người dân vẫn “nhắm mắt đưa chân” dẫn tới bao hệ lụy.

Mất mạng nơi xứ người

Lục Ngạn luôn là địa phương có số người XCTP nhiều nhất tỉnh. Năm 2019, toàn huyện có khoảng 2 nghìn người sang Trung Quốc. Đi bất hợp pháp, không có bất kỳ sự bảo hộ nào từ nước sở tại, nhiều người trong số họ đã phải trả giá đắt, thậm chí bằng cả tính mạng. Anh Trịnh Văn C (SN 1990) ở thôn Cảnh, xã Nam Dương - nạn nhân tử vong khi lao động ở Trung Quốc là một ví dụ. 

{keywords}

Cán bộ Công an huyện Lục Nam tuyên truyền đến người dân về những rủi ro khi xuất cảnh trái phép. 

Trong căn nhà cũ, trò chuyện với bố anh C được biết, vì mưu sinh, anh phải rời xa gia đình theo người quen sang Trung Quốc lao động trái phép. Vì vậy, khi bị một lao động người Việt khác đâm tử vong, anh không nhận được sự hỗ trợ nào. Gia đình phải mất nhiều thời gian, vay mượn tiền để lo chi phí đưa thi thể anh về quê. Nhà vốn đã nghèo khó, nay lại phải gánh thêm món nợ lớn khiến kinh tế càng khó khăn.

Gia đình chị Hoàng Thị H ở thôn Hồ Sơn 1, xã Bảo Sơn (Lục Nam) là một ví dụ khác. Trò chuyện với chúng tôi, chị H rơm rớm nước mắt cho biết, do không tìm được việc làm có thu nhập cao tại địa phương, lại nôn nóng muốn kiếm tiền phụ giúp gia đình nên con trai chị là Nông Văn T (SN 1997) đã theo một số người XCTP sang Trung Quốc làm thêm. Làm được một thời gian, T bị công an Trung Quốc bắt giữ do vi phạm pháp luật vào ngày 26-4. 

Hơn nửa năm trôi qua, chị H vẫn hằng ngày ngóng tin con và làm đơn kêu gọi sự giúp đỡ của các cơ quan, tổ chức. Trung úy Nguyễn Văn Trung, cán bộ Đội An ninh (Công an huyện Lục Nam) cho biết: Tình trạng XCTP xảy ra ở cả 27 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. 

Thời điểm xuất cảnh thường diễn ra vào dịp trước Tết Nguyên đán 2-3 tháng hoặc tháng Ba âm lịch hằng năm. Từ năm 2015 đến nay, năm nào huyện Lục Nam cũng có người địa phương sang Trung Quốc lao động bị tử vong. Bên cạnh bị mất người thân, các gia đình phải bỏ ra hàng chục, thậm chí cả trăm triệu đồng để đưa thi thể nạn nhân về nước.

Đừng “nhắm mắt đưa chân”

Tìm hiểu được biết, lợi dụng thời hạn nhập cảnh của giấy thông hành là một tháng/lần dành cho công dân Việt Nam đi du lịch, làm ăn ở địa bàn tỉnh biên giới tiếp giáp đường biên, các đối tượng đã đưa người lao động nhập cảnh vào Trung Quốc. Khi hết thời hạn sẽ làm lại sổ để tiếp tục lần nhập cảnh mới. 

Gần đây, trên mạng Facebook, một tài khoản có tên Đ.T ở xã Tân Hoa (Lục Ngạn) liên tục đăng thông tin tìm người ghép đội đi Trung Quốc chặt mía thuê. Người có nhu cầu liên hệ qua số điện thoại 0368***681 để được hướng dẫn. Khu vực làm việc là ở Lái Than (Trung Quốc). Theo dõi bài đăng cho thấy nhiều người hỏi thủ tục để mong được đi làm.

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có hơn 3.800 người XCTP sang Trung Quốc. Ngoài những trường hợp bị phát hiện đẩy đuổi về địa phương thì có 9 công dân Bắc Giang đã tử vong trong thời gian lao động trái phép.

Đi làm, kiếm tiền là nhu cầu chính đáng của mỗi người dân, nhất là ở vùng cao, nơi cuộc sống còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, việc người dân xuất nhập cảnh trái phép là vi phạm pháp luật, tác động không nhỏ đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương. 

Hầu hết những lao động làm việc trái phép ở Trung Quốc thường bị chủ quản lý khắt khe về giờ giấc; thời gian làm việc căng thẳng, vất vả (từ 12-14 tiếng/ngày) trong khi điều kiện sinh hoạt khó khăn, ăn uống kham khổ. 

Khi đau ốm, tai nạn lao động, thai sản, bản thân người lao động phải tự lo và có thể bị đuổi việc, trừ lương nếu không đi làm. Không ít lao động bị chủ sử dụng quỵt tiền lương hoặc vài tháng mới trả một lần, gần đến ngày trả lương thì báo cơ quan chức năng Trung Quốc đến bắt giữ. Ngoài ra, người XCTP sang Trung Quốc không được bảo hộ nên nếu bị phát hiện sẽ bị đẩy đuổi, phạt tiền, cải tạo lao động...

Có thể thấy, hầu hết lao động xuất cảnh trái phép đi làm thuê đều sống ở vùng sâu, vùng xa, nhận thức hạn chế, thiếu hiểu biết quy định của pháp luật về xuất, nhập cảnh. Thời gian qua, các ngành chức năng, chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền, cảnh báo song để hạn chế XCTP thì việc giải quyết việc làm cho người lao động địa phương, đặc biệt là người dân ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là hết sức cần thiết.

Thượng tá Bùi Chiến Thắng, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết, bên cạnh tăng cường tuyên truyền, nắm bắt địa bàn, quản lý chặt chẽ hộ tịch, hộ khẩu, khai báo tạm trú, tạm vắng, lãnh đạo Công an tỉnh chỉ đạo công an các địa phương, Phòng An ninh đối ngoại tiến hành rà soát, lập danh sách những đối tượng trong diện quản lý về tổ chức, môi giới XCTP để gọi hỏi, răn đe. Đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tố giác các trường hợp tổ chức, môi giới đưa người XCTP nhằm kịp thời ngăn chặn, phòng ngừa vi phạm.

Bắc Giang quản lý xuất khẩu lao động: Chặt chẽ, đồng bộ
(BGĐT) - Trong những năm gần đây, Bắc Giang là địa phương dẫn đầu các tỉnh miền núi phía Bắc về số người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ). Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực XKLĐ đang nảy sinh nhiều vấn đề đáng quan tâm.
Những điều người dân cần lưu ý khi có ý định đi xuất khẩu lao động
Khi có ý định đi nước ngoài làm việc, người dân cần tìm hiểu kỹ, tránh rơi vào bẫy của những kẻ lừa đảo xuất khẩu lao động, dẫn đến những rủi ro tiềm ẩn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng bản thân.
Hai công ty Việt xuất khẩu lao động sang Nhật có thể bị xóa tên
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam sẽ xóa tên 2 doanh nghiệp khỏi danh sách đủ điều kiện phái cử thực tập sinh sang Nhật.
Quản lý chặt hoạt động xuất khẩu lao động
(BGĐT) - Ngày 8-8, Ban Văn hóa -Xã hội (HĐND tỉnh) tổ chức khảo sát việc chấp hành các quy định pháp luật về xuất khẩu lao động (XKLĐ) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2019 tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Đồng chí Hà Văn Bé, Trưởng Ban chủ trì hội nghị. Cùng dự có đồng chí Từ Minh Hải, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo Văn phòng HĐND  tỉnh.
Nâng cao năng lực cán bộ cơ sở làm tư vấn cho người xuất khẩu lao động
(BGĐT) - Huyện Sơn Động vừa tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực đối với cán bộ làm công tác tư vấn cho người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Khảo sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về xuất khẩu lao động tại Hiệp Hoà
(BGĐT) - Ngày 17-7, Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND tỉnh) do ông Hà Văn Bé, Trưởng Ban làm trưởng đoàn khảo sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về xuất khẩu lao động (XKLĐ) trên địa bàn huyện Hiệp Hoà, giai đoạn 2017 - 2019. Cùng dự có đại diện lãnh đạo Văn phòng HĐND tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH).
Tư vấn, giới thiệu xuất khẩu lao động
(BGĐT) - Hội Nông dân huyện Lục Nam (Bắc Giang) vừa phối hợp với Công ty cổ phần Nhân lực quốc tế ICO tổ chức hội nghị tư vấn, giới thiệu xuất khẩu lao động.
362 doanh nghiệp có giấy phép xuất khẩu lao động
Năm 2019, Việt Nam chủ trương tiếp tục mở rộng thị trường lao động, chủ động lựa chọn thị trường, đặc biệt sẽ thống nhất nguyên tắc đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài có tổ chức, vừa bảo đảm thu nhập và tính cạnh tranh.
Cảnh báo tình trạng lừa đảo xuất khẩu lao động lợi dụng chương trình IM Japan
Trước tình trạng lừa đảo, thu tiền trái phép của người lao động với thủ đoạn "theo chương trình IM Japan", Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) vừa phát đi cảnh báo tới người lao động.

Anh Minh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...